Viết sáng tạo, viết theo dạng thức và câu hỏi tôi có đang viết để kiếm tiền không?
Vài chia sẻ đầu năm: viết sáng tạo, viết theo dạng thức và câu hỏi tôi có đang viết để kiếm tiền không
Bài viết này sẽ trả lời cho 2 câu hỏi:
-
Viết sáng tạo (creative writing) và viết theo dạng thức (functional writing) là gì?
-
Người thì bảo cứ viết đi, đừng có đặt mục tiêu đừng có nghĩ mình phải kiếm được bao nhiêu tiền trong khi có người thì lại thường xuyên chia sẻ họ kiếm được bao nhiêu tiền khi viết và khuyến khích việc đặt ra mục tiêu cụ thể. Ai đúng ai sai?
Bắt đầu nhé!
Đôi khi mình nhận được ý kiến của học viên cho rằng viết là cần năng khiếu, phải học giỏi văn mới viết được. Mình thì lại có quan điểm hơi khác: viết là một kỹ năng giống như nhiều kỹ năng khác, có thể làm tốt nếu tập luyện đủ và đúng cách.
Các học viên theo học mình có những mục tiêu và nhu cầu viết khác nhau. Đa phần để phục vụ cho công việc, liên quan tới marketing, truyền thông. Vậy thì lúc này viết không thể chỉ nhờ năng khiếu được. Sẽ luôn có những quy tắc chúng ta phải tuân theo. Giống như học toán, sẽ cần có quy trình, có form mẫu để học theo và đảm bảo nguyên tắc. Vậy thì sáng tạo thể hiện ở đâu? Có còn gì gọi là nghệ thuật không? Và làm sao để biết đó kỹ năng đó sẽ giúp bạn trở nên thành công?
Viết sáng tạo, viết theo dạng thức và câu hỏi tôi có đang viết để kiếm tiền không?
VIẾT SÁNG TẠO
Mọi bài viết trên đời này đều là sản phẩm của sáng tạo và nghệ thuật. Bài viết sáng tạo nhấn mạnh vào trí tưởng tượng, nghệ thuật và đôi khi là cả sự đổi mới trong phong cách viết. Đó là kết quả của việc tư duy ý tưởng và chia sẻ nó với người khác. Ý tưởng thì có thể thể hiện ở nhiều dạng thức: một chuyến phiêu lưu khoa học viễn tưởng, một tiểu thuyết lịch sử được nghiên cứu chặt chẽ, một bài thơ trữ tình…
Viết được coi là sáng tạo khi người ta sử dụng nó để định hình một suy nghĩ – nhào nặn nó, gói ghém nó trong một định dạng văn bản cụ thể và chia sẻ cho người khác.
Viết sáng tạo không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc cảm hứng/cảm xúc, mặc dù nó có thể bắt đầu từ trí tưởng tượng. Nó cũng có thể bắt đầu bằng một cuộc phỏng vấn hay là trải qua một thời gian nghiên cứu miệt mài.
Thứ khiến cho viết lấp đầy sự sáng tạo là khi bạn có một cái nhìn sâu sắc, sự quan sát tinh tế, lắng nghe thận trọng để viết về những ý tưởng và sự thật. Một cây viết tốt sẽ chau chuốt một suy nghĩ, kết hợp các sự kiện, ý tưởng để tạo ra những câu chuyện, những thông điệp và thể hiện được một cái nhìn sâu sắc.
Nhưng viết để bán một sản phẩm hay về chuyện khai trương một cửa hàng thì sao? Đó cũng chính là một chất liệu giúp tính nghệ thuật được hình thành, vì khi bạn sử dụng từ, cụm từ, kết nối các ý tưởng, sự kiện rồi đặt chúng trước người đọc với mục đích rõ ràng – đó cũng là sáng tạo. Chúng ta nói về chuyện viết một cách sáng tạo cũng có nghĩa là chúng ta nghĩ và bàn về chuyện nó bắt nguồn từ đâu, nó sẽ được chia sẻ với ai thông qua hình thức nào.
VIẾT THEO CHỨC NĂNG, THEO DẠNG THỨC
Viết theo dạng thức nào đó, chẳng hạn như viết quảng cáo, viết cho content marketing, viết cho PR là một cách tiếp cận để viết mà có nhấn mạnh và mục đích, thể loại, định dạng và mục tiêu. Bài viết giống như một nhiệm vụ phải hoàn thành.
Hãy nghĩ đi, chúng ta luôn viết vì một số lý do nào đó. Chúng ta hi vọng đạt được gì đó thông qua những gì mình viết, và chúng ta viết không phải chỉ 1 mà cho nhiều mục đích.
Hãy nhớ lại lần gần nhất mà bạn viết. Một chiếc email cho đồng nghiệp hay khách hàng chẳng hạn. Bạn có mục đích gì khi viết nó? Để đồng nghiệp hợp tác với bạn? Đề đề xuất tăng lương với sếp?
Chúng ta luôn viết ra với những lý do chính đáng.
Hãy nghĩ về những loại mục đích sau đây khi bạn viết:
-
Để mô tả ai đó, hoặc điều gì đó
-
Để giải thích hoặc biện minh
-
Để cung cấp thông tin
-
Để bày tỏ ý kiến
-
Để thuyết phục về một số cảm giác hoặc hành động
-
Để giải trí
-
Để truyền cảm hứng hoặc động lực
-
Để bày tỏ suy nghĩ bên trong của chúng ta.
Một cuốn tiểu thuyết có thể được viết ra để giải trí hoặc thể hiện một quan điểm. Hoặc đơn giản là nó được viết ra để bán thật nhiều bản và kiếm được thật nhiều tiền cho tác giả.
Thơ thì sao? Mục đích của nó có thể là để khai sáng tâm trí của người đọc, hoặc khiến một người có thể hành động, truyền cảm hứng cho tâm hồn họ. Có thể nó chỉ đơn giản là một phương tiện để thể hiện bản thân người viết.
Tương tự, mọi loại văn bản mà bạn viết (truyện ngắn, rap, lời bài hát, thư tình, website copy, bài luận, case study, nghiên cứu, blog…) đều có mục đích và lý do đằng sau nó. Mục đích càng rõ ràng, người viết càng hiệu quả.
KHI SỰ SÁNG TẠO VÀ CÁC DẠNG THỨC KẾT HỢP VỚI NHAU
Sự sáng tạo và sự khuôn mẫu theo các dạng thức có sẵn có thể cùng tồn tại trong bài viết của bạn. Thay vì cái này hoặc cái kia, hãy nghĩ tới cả 2. Viết thực sự có thể bao gồm cả 2 tính chất. Nó giống như chiếc bập bênh, một bên nghiêng về khuôn mẫu, một bên nghiêng về sáng tạo. Cả 2 khái niệm có thể bổ sung cho nhau và bạn sẽ được học cách viết để kết hợp cả 2 trong các khóa học viết nâng cao của mình.
Vậy tôi nên cứ tập viết theo kiểu sáng tạo và không quan tâm tới mục tiêu cũng như thu nhập từ việc viết hay là tôi phải có mục tiêu về nghề nghiệp và thu nhập cụ thể?
Không có câu trả lời đúng hay sai ở đây mà quan trọng là BẠN CHỌN THEO ĐUỔI CÁI GÌ?
Bạn muốn tập viết để hoàn thiện bản thân, để thỏa mãn trí tưởng tượng, sáng tạo hay bạn muốn tập viết và coi đó là một nghề nghiệp nghiêm túc để bạn sống tốt với nó?
Lựa chọn là ở bạn thôi. Và nếu bạn coi nó là một công việc nghiêm túc, cần phải kiếm được tiền và sống được với nó thì bạn sẽ phải đặt mục tiêu cụ thể về chuyện mình sẽ làm gì, mình cần đạt được cái gì và mình cần kiếm được bao nhiêu tiền (bên cạnh chuyện phát triển bản thân và liên tục cải thiện kỹ năng viết lách).
Trong viết lách nó có một khái niệm là commercial writing. Định nghĩa của nó là "writing for business". Mình cá là nhiều hơn 80% các thành viên đang theo dõi trong nhóm này đều đang viết hoặc có mục đích viết dạng "commercial writing". Các bạn đều sẽ có mong muốn mình có cơ hội để có thêm thu nhập, thậm chí phát triển lâu dài và có một sự nghiệp với viết lách.
Bởi vậy lời khuyên bạn cứ viết đi đừng nghĩ nhiều có thể đúng, nếu bạn coi viết đơn giản là một kỹ năng bạn cần cải thiện. Còn nếu bạn muốn biến nó thành business, thành công cụ để kiếm cơm thì bạn cần nhiều hơn thế nhiều. Vì nó là business, nên làm gì có ai làm kinh doanh mà không có mục tiêu, không có tính toán dự trù lãi lỗ?
Túm củ lại, thật tốt nếu chúng ta cân bằng được giữa viết sáng tạo và viết theo dạng thức, giữa viết cho bản thân và viết thuê cho người khác, giữa viết cho đam mê và đam mê viết để kiếm tiền.
Cá nhân mình thì đã trải qua nhiều năm rồi và mình thấy rằng để đạt được sự cân bằng đó, chúng ta sẽ phải trả giá.
Mình cố gắng tìm kiếm khách hàng và có thu nhập tốt, sau đó quay trở về viết cho các dự án của chính mình.
Mình cố gắng viết theo yêu cầu của khách hàng (đôi khi rất củ chuối), sau đó quay trở về viết những gì mà mình thích, do mình tự quyết định.
Mình xây dựng một sự nghiệp viết lách bền vững, xây dựng thương hiệu cá nhân là một người viết chuyên nghiệp (và nó cần thời gian, cần sự bền bỉ) sau đó mình có thêm nhiều cơ hội và được lựa chọn viết những gì mình muốn, kiếm được tiền từ nó.
Tất cả đều cần một lộ trình, một chặng đường và những mục tiêu cụ thể.
Những gì mình có được hôm nay, nếu không nhờ những mục tiêu cụ thể đã đề ra, không nhờ sự cam kết bám vào một lộ trình thì sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Mình cũng từng đặt ra cả mục tiêu về thu nhập và điều mình có thể tự hào để nói đó là: Mình là một cây viết viết bằng tiếng việt, chỉ hoàn toàn sống bằng các sản phẩm từ viết và có liên quan tới viết có thu nhập $10,000/tháng. Con số này thậm chí vượt xa mục tiêu ban đầu của mình. Nó nằm ngoài sự tưởng tượng của mình và nó cũng là thu nhập mơ ước của nhiều freelancer nước ngoài bởi vì với mức thu nhập này, bạn sống ở đâu cũng được, kể cả đất nước đắt đỏ trong Top 5 thế giới như Nauy.
Mình viết ra không phải để khoe, mà để các bạn hiểu rằng khi chúng ta làm bất cứ một việc gì, có mấy điều chúng ta sẽ luôn phải nhớ nếu muốn chạm tới thành công. Đó là: mục tiêu cụ thể & thực tế, sự kiên trì không nản, sự hào phóng, chân thành và sự tử tế.
Còn kỹ năng viết, nó hoàn toàn có thể luyện tập mà có được. Bạn cứ kiên trì mà tập đi, bạn sẽ thấy mình tự nâng lên được điểm tới hạn (limiting factor) của bản thân.
Via: Phan Linh.