“Em lead cái này đi”

“Em lead cái này đi”

Cuộc đời đi làm, ngoài lương bổng và thăng chức thì “Em lead cái này đi” là câu mà anh thích nghe và nói nhất. Bởi vì trong câu đó hàm chứa sự tin tưởng, cơ hội để chứng tỏ, trau dồi và để làm lãnh đạo.

Nên em đừng sợ khi nghe câu này, cũng đừng nghi ngờ gì hết mà cứ thế làm tới thôi. Không tự nhiên mà sếp đi giao quyền cho người mà “ảnh” nghĩ là không xứng đáng. Nhưng mà em cũng cần lưu ý một số thứ sau.

1. Phải mạnh mẽ, tự tin chứng tỏ vai trò của bản thân ngay khi nhận nhiệm vụ. Đó có thể là 1 cái email để xác định danh tính của những thành viên trong dự án, có thể là 1 nhóm chat trên Viber… gì cũng được miễn mọi người làm quen được với nhau. Có lần, một bé viết thư tay hỏi anh rằng “Em có ‘chút chíu’ thì tư cách nào đi lead người khác”. Tự tin lên, mình được danh chính ngôn thuận giao trách nhiệm mà, người nào khó tính khó chiều thì mời ra.

“Em lead cái này đi”

Phải mạnh mẽ, tự tin chứng tỏ vai trò của bản thân ngay khi nhận nhiệm vụ
Nguồn: Freepik

2. Tỉnh táo và chỉn chu trong mọi giao tiếp. Em gửi mail thì phải rõ ràng người nào nhận trực tiếp, người nào chỉ cần xem cho biết. Nội dung mail đừng viết tràn lan đại hải, không biết tiếp theo phải làm gì. Thêm nữa, vấn đề nào mà tranh cãi qua lại hơn 2 lần thì nên ngưng giao tiếp qua mail, mà “bưng” nhau ra ngoài xử lý cho nhanh.

3. Đừng họp hành liên miên. Đây là lỗi thường gặp của leader “non tay”. Nên chuẩn bị trước khi họp: ai nên họp và ai không để tránh tình trạng người ta “lạc trôi” không biết ngồi đây làm gì, ai cần chuẩn bị những gì thì nên gửi trước buổi họp. Có lần, anh dù chức còn nhỏ nhưng thấy có mấy người không hoàn thành trách nhiệm thì anh nói thẳng luôn là: “Giờ này ngày mai họp lại, nếu còn tình trạng này thì đừng trách Thiện ác”. Lúc họp thì nghiêm túc, ai “cà nhây” thì cho ra ngoài, họp xong phải biết bước tiếp theo làm gì.

4. Luôn luôn cập nhật. Việc này vừa dễ mà cũng vừa khó. Dễ vì nếu đúng tiến độ thì cứ cập nhật, còn khó là khi mọi chuyện trễ nải phải mặt dày đi xin lỗi hoài. Nếu chuẩn bị báo tin xấu thì phải biết cách “quản lý sự kỳ vọng” (Manage Expectation) của người ta, đừng bao giờ “thảy” đại một cái email rồi thôi.

“Em lead cái này đi”

Đón nhận mọi góp ý với tinh thần cầu tiến, tỉnh táo để suy xét và tìm cách cải thiện tốt hơn
Nguồn: Lattice

5. Nhận phản hồi. Lúc mình còn “non tay” và mới lead lần đầu thì kiểu gì cũng có lời ra tiếng vào. Hãy đón nhận mọi góp ý với tinh thần cầu tiến, tỉnh táo để suy xét và tìm cách cải thiện tốt hơn. Nếu thật sự cần thì hãy tìm đến sếp, anh/ chị luôn có một “bồ kinh nghiệm” hay ho, mà nói vài câu là hết ngu người ngay.

6. EQ cao. Công sở (đôi khi) là chốn đầy thị phi và người làm trưởng dự án thường dễ “hứng đạn” nhất. Thế nên phải xác định “trong nhu có cương”, biết đặt mình vào vị thế người khác, nhã nhặn kiềm chế cảm xúc và luôn nhắc nhở bản thân rằng “việc không thuận lợi là hoàn toàn bình thường, xử nó trong chánh niệm, vui vẻ hông quạu”.

Việc làm Project Lead còn nhiều chuyện bi hài lắm, nhưng luôn nhớ rằng đây là cơ hội để học hỏi và củng cố bản thân.