Design Thinking là thiết kế đồ hoạ hay thiết kế nội thất?

Design Thinking là thiết kế đồ hoạ hay thiết kế nội thất?

“Tư duy như một Designer có thể làm thay đổi toàn diện cách mà bạn vẫn thường làm về phát triển sản phẩm, dịch vụ, quy trình và cả chiến lược” là chia sẻ của ông Tim Brown, Chủ tịch, kiêm CEO của IDEO U khi nói về việc áp dụng Design Thinking – Tư duy Thiết kế trong hoạt động kinh doanh.

Những năm trở lại đây, chắc hẳn, chúng ta thường bắt gặp rất nhiều nội dung liên quan đến việc áp dụng Tư duy Thiết kế trong cuộc sống và công việc. Vậy, về bản chất, đây là tư duy gì, được định nghĩa như thế nào, sở hữu các đặc điểm gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa và lược sử của Design Thinking

“Design Thinking – Tư duy Thiết kế là phương pháp thiết kế ra giải pháp, trên cơ sở trọng tâm là con người, bằng việc vận dụng các bộ kỹ năng và các công cụ của một Designer (tức người có Tư duy Thiết kế), kết hợp với việc am hiểu nhu cầu con người, ứng dụng khoa học công nghệ và phải đảm bảo được yếu tố hiệu quả cho kinh doanh”, theo ông Tim Brown, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của IDEO U.

Thực tế, Tư duy Thiết kế đã có một lịch sử phát triển khá lâu đời.

Design Thinking là thiết kế đồ hoạ hay thiết kế nội thất?

Khoá huấn luyện bài bản về Tư duy Thiết kế trong kinh doanh của IDEO U
Nguồn: IDEO U

Từ những năm 1950, ngành Khoa học Thiết kế (Design Science) đã được Viện Công nghệ Massetchusetts (MIT) ở Mỹ đưa vào chương trình học thuật với mục đích là giảng dạy phương pháp tư duy khoa học để thiết kế ra giải pháp sáng tạo, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phức tạp trong kinh doanh. Và đây cũng là ngành áp dụng thiết kế vào lĩnh vực phi thiết kế, tức ứng dụng tư duy sáng tạo của một nhà thiết kế cho nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống, mà không nhất thiết phải là thiết kế đồ hoạ, thiết kế máy móc sản xuất hay là thiết kế thời trang.

Đến năm 1970, Học viện Thiết kế của trường Đại học Stanford đã chuẩn hoá quy trình Tư Duy Thiết Kế thành 5 bước: Thấu cảm (Empathize), Xác định (Define), Bão não (Ideate), Trực quan hoá (Prototype) Thử nghiệm (Test). Cho đến ngày nay, quy trình này vẫn được áp dụng rộng rãi ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả kinh doanh. Các tập đoàn công nghệ lớn áp dụng quy trình dựa trên 5 bước trên để đào tạo cho nhân viên, giúp họ có được năng lực thiết kế ra giải pháp trong chuyên môn.

Đến năm 1990, Công ty IDEO U chuyên tư vấn giải pháp sáng tạo, cùng với các khoá huấn luyện bài bản về Tư duy Thiết kế trong kinh doanh. Từ đây, thế giới bắt đầu biết đến thuật ngữ này một cách đại chúng hơn. Từ năm 2000 trở đi, khái niệm Tư duy Thiết kế trở nên phổ biến hơn ở các nước tiên tiến và mới bắt đầu thực sự phổ biến ở Việt Nam từ năm 2015.

3 từ khoá quan trọng của tư duy thiết kế: Công cụ, Nhu cầu, Công nghệ

Từ khoá số 1 – Designer’s Toolkit: Công cụ của nhà thiết kế

Khi nhắc đến “Designer”, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến những người làm công việc thiết kế như thiết kế đồ hoạ, thiết kế mẫu áo quần, giày dép, phụ kiện, túi xách, thiết kế ấn phẩm hay trang trí cửa hàng. Tuy nhiên, ý nghĩa của từ này ngày nay được hiểu rộng hơn rất nhiều.

Từ “design” được hiểu rộng là: Thiết kế ra giải pháp, tức Solution Design.

Từ “design” được hiểu rộng là: Thiết kế ra giải pháp, tức Solution Design. Do vậy, nhà thiết kế là một người có năng lực tư duy để thiết kế ra giải pháp, rồi từ đó hướng dẫn người khác hay tự tay mình triển khai giải pháp đó. Các giải pháp được thiết kế có thể là: Thiết kế chiến lược định vị thương hiệu, thiết kế ứng dụng và trải nghiệm UX/UI trên ứng dụng, hay xây dựng bản kế hoạch Brand Marketing trong 1 năm cho doanh nghiệp…

Trong quá trình thiết kế ra giải pháp, Nhà Tư duy Thiết kế sử dụng đa dạng các loại công cụ liên quan đến nhiều bộ kỹ năng như:

  • Kỹ năng Nghiên cứu thị trường: gồm những công cụ là phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân, xây dựng bản đồ hành trình khách hàng (Costumer Journey Map), bản mô phỏng khách hàng (Customer Persona), các tiêu chí để làm phân khúc thị trường…
  • Kỹ năng Marketing: gồm các công cụ như phễu hành trình khách hàng AIDA, bộ định vị Brand DNA, cấu trúc danh mục Brand Architecture…

Ngoài ra, còn nhiều công cụ khác thuộc các lĩnh vực như bán hàng, tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học, thậm chí có cả âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, giải phẫu, thần kinh học… miễn sao chúng cung cấp kiến thức cần thiết trong quá trình thiết kế ra giải pháp. Điều này cho thấy tính sáng tạo và cực kỳ linh hoạt của Tư duy Thiết kế khi vay mượn nhiều loại kỹ năng khác nhau từ mọi lĩnh vực để giúp hoàn thiện giải pháp.

Design Thinking là thiết kế đồ hoạ hay thiết kế nội thất?

Tư duy Thiết kế
Nguồn: uddvecina

Từ khoá số 2 – Needs of People: Nhu cầu của khách hàng

Trọng tâm nghiên cứu của Tư duy Thiết kế là con người. Thực tế, mọi giải pháp, loại hình sản phẩm hay dịch vụ mới đều được sáng tạo ra để thoả mãn nhu cầu của họ mà thôi. Do vậy cách tiếp cận là trực tiếp tương tác với con người, thay vì nhìn vào sản phẩm.

Hãy cùng quan sát ví dụ này, để thấy được mọi sản phẩm được sinh ra đều xoay quanh nhu cầu trong cuộc sống của con người:

Nam năm nay 24 tuổi, đã đi làm được 2 năm, có làn da hay tiết dầu và bị mụn ở dạng nhẹ. Cậu thường dùng kem dưỡng chuyên biệt, thuộc dược mỹ phẩm có tính điều trị lâu dài để dưỡng da hàng ngày. Tuy nhiên, một ngày nọ, Nam nhận lời bưng quả cho một người bạn thân sắp kết hôn và nhận thấy đây là một sự kiện quan trọng nên cần phải xuất hiện trong diện mạo sáng sủa, da phải bớt mụn một chút để tự tin. Vậy nên, anh chàng này bỏ gần 700.000VNĐ đến thẩm mỹ viện để làm sáng da và giảm mụn cấp tốc bằng gói trị liệu chăm sóc da, bắn tia lazer và đắp mặt nạ collagen.

Trọng tâm nghiên cứu của Tư duy Thiết kế là con người.

Sau đó vài hôm, sếp của Nam thông báo rằng, công ty sắp có một cuộc họp lớn, có đối tác nước ngoài cùng tham gia, nên yêu cầu cậu phải lên thuyết trình về dự án sắp tới. Nhưng không may là mặt Nam lại đang có một cục mụn to tướng, nên cậu đành phải mua một miếng dán mụn ở Circle K để che đi, thì mới cảm thấy tự tin để xuất hiện trong cuộc họp.

Cuối năm, để chuẩn bị cho tiệc Year End Party của công ty, Nam cùng team marketing dự định biểu diễn một tiết mục, kết hợp với nhảy flashmob. Màn trình diễn chắc chắn phải đi chung với quần áo chỉn chu, đi kèm lớp trang điểm. Vì da nhạy cảm với các loại phấn trang điểm thông thường, nên Nam phải mua ngay loại phấn và kem trang điểm dành cho nam giới, vừa có công dụng bảo vệ da, vừa có thể che được mụn. Kết quả, Nam cùng team marketing đã có một màn trình diễn thành công trước mọi người trong công ty và Nam cảm thấy tự tin với diện mạo của mình nhờ sự trợ giúp của các loại sản phẩm kia.

Ví dụ này cho thấy các sản phẩm hay dịch vụ đều cạnh tranh nhau theo nhu cầu của con người theo từng bối cảnh khác nhau trong cuộc sống. Nó cũng lí giải vì sao trên thị trường lại có vô vàn sản phẩm khác nhau như vậy.

Design Thinking là thiết kế đồ hoạ hay thiết kế nội thất?

Các sản phẩm hay dịch vụ đều cạnh tranh nhau theo nhu cầu của con người
Nguồn:
Envato

Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều marketer lại mắc phải tư duy lỗi quen thuộc khi chỉ nhìn vào sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình mà ko nhìn vào bức tranh lớn hơn là nhu cầu của khách hàng. Vì thế, họ bị đóng khung vào đúng sản phẩm, dịch vụ mà ko nhận thức được rằng, để cạnh tranh với nhiều nhu cầu khác trên thị trường, cần phải có những hướng suy nghĩ, cách làm khác phù hợp.

Từ khoá số 3 – Possibilities of Technology: Ứng dụng công nghệ

Từ khoá thứ 3 đóng vai trò quyết định trong Tư duy Thiết kế là việc ứng dụng công nghệ, ngụ ý khuyến khích sử dụng mọi nguồn lực có liên quan đến công nghệ để giúp ích cho quá trình tạo ra giải pháp. Vì công nghệ là một công cụ hỗ trợ đắc lực, phát huy tính sáng tạo, trực quan hoá, hoặc có thể tiếp cận nhiều người với chi phí thấp.

Design Thinking là thiết kế đồ hoạ hay thiết kế nội thất?

Ứng dụng công nghệ đóng vai trò quyết định trong Tư duy Thiết kế
Nguồn: Envato

Những ứng dụng công nghệ căn bản dễ thấy nhất là thiết kế đồ hoạ, video 2D, phân tích báo cáo trên các kênh digital, cho đến những công nghệ phức tạp như máy in 3D – in ra mẫu thử có độ chính xác cao…

Các lĩnh vực khác nhau sẽ đòi hỏi các loại công nghệ tương ứng để hỗ trợ cho quá trình thiết kế giải pháp. Chẳng hạn, nếu nhiệm vụ là thiết kế ra một thiết bị giúp đo lường nhanh chấn thương của cầu thủ đá bóng nhằm đưa ra giải pháp y tế phù hợp tức thời, chắc chắn sẽ cần những loại thiết bị công nghệ chuyên ngành y tế hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, đánh giá các chỉ số vận động, chấn thương đầu gối, chấn thương khớp gối. Nhìn chung, các yêu cầu thiết kế càng phức tạp để tạo ra giá trị càng lớn cho con người, thì việc áp dụng công nghệ cũng sẽ phức tạp theo.