Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Quảng cáo retargeting có đang làm người dùng cảm thấy bị theo dõi?

Quảng cáo retargeting có đang làm người dùng cảm thấy bị theo dõi?

Nếu thiếu đi quảng cáo retargeting, không gian mạng của bạn sẽ ngập tràn những quảng cáo không liên quan và có khi bạn còn phải trả tiền cho chúng nữa.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Mary C.Long, Promotional Writer, Digital Strategist, Ghost.

Mặc dù người tiêu dùng ngày càng hiểu biết về việc mua sắm trực tuyến, nhưng họ vẫn không hài lòng khi thấy đôi giày thể thao mình vừa xem trên Amazon bất thình lình xuất hiện trên bảng tin Facebook ngay sau đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà bán lẻ, retargeting lại là một yếu tố quan trọng để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nhưng, hình thức tiếp thị này có thực sự tạo ra trải nghiệm trực tuyến tốt hơn cho người tiêu dùng không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!

Tại sao tôi luôn bị theo đuôi bởi những đôi giày sneaker?

Không có gì là lạ khi retargeting có thể tạo cảm giác “sợ hãi” cho người tiêu dùng. Thử tưởng tượng kịch bản này diễn ra trong cuộc sống thực: Bạn vừa bước ra khỏi một cửa hàng nào đó (dù mua hoặc không) và rảo bước đi đến cửa tiệm tiếp theo để mua vài thứ lặt vặt, bất thình lình, người nhân viên bán hàng vừa nãy xuất hiện, giới thiệu cho bạn những món đồ mà bạn đang nghĩ đến việc sẽ mua chúng…

Thực tế thì, retargeting không quá tệ đâu. Đây thực sự chỉ là một vài hoạt động do mã JavaScript tạo nên – dù người tiêu dùng có nhận ra hay không, thì nó vẫn phục vụ cho một mục đích kinh doanh nào đó.

Retargeting là hoạt động do mã JavaScript tạo nên, phục vụ mục đích kinh doanh.

Ông John Lemp, CEO và người sáng lập của Revcontent, giải thích:

“Tôi không thể kể cho bạn được đã có bao nhiêu lần, với cương vị là một người tiêu dùng, khi tôi đang thực sự quan tâm vào việc mua thứ gì đó và đã bắt đầu quá trình thì lại nhanh chóng bị phân tâm rồi nhấp vào một thứ khác. Sau đó, tôi phải cảm ơn Chúa vì đã được quảng cáo retargeting “kéo” trở lại với điều mà tôi thực sự quan tâm.”

Một quảng cáo retargeting trong email hay bảng tin mạng xã hội của bạn sẽ giúp bạn đi đúng hướng nếu bạn bị xao nhãng bởi một bài viết nào đó.

Nhưng việc đảm bảo người tiêu dùng thấy nó theo cách này cần sự khéo léo, vì vậy điều quan trọng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ retargeting cần phải làm đúng. Chủ tịch và CMO của AdRoll, ông Adam Berke giải thích cách retargeting vận hành: "Việc retargeting không yêu cầu thông tin cá nhân của người dùng, nhưng thay vào đó lại hoạt động trên các ID ẩn danh như cookie hoặc IDFA (Mã định danh quảng cáo – Identifier for Advertising)".

Quảng cáo retargeting có đang làm người dùng cảm thấy bị theo dõi?

Retargeting hoạt động trên các ID ẩn danh như cookie hoặc IDFA
Nguồn: InMobi

Vậy điều gì tạo nên một quảng cáo hiệu quả từ quan điểm của người tiêu dùng?

Ông Christopher Ratcliff, Phó Chủ tịch nội dung tại Econsultancy, đưa ra một số quan điểm như sau:

  • Quảng cáo phải được cá nhân hoá – có khả năng phân khúc để phân biệt sở thích thực tế so với sở thích nhận thức.
  • Quảng cáo nên thay đổi thường xuyên dựa trên hành vi của người dùng.
  • Quảng cáo nên có CTA rõ ràng để dẫn người dùng đến đúng trang bán hàng.

Theo Meteora, “trung bình chỉ có 2% lưu lượng truy cập của trang web mua một sản phẩm hoặc hoàn thành hành vi mua hàng mong muốn”, do vậy điều quan trọng là các nhà cung cấp retargeting như ReTargeter phải sử dụng cách này dựa trên hành vi của người dùng để tuỳ chỉnh quảng cáo theo “nhân khẩu học, địa lý, hành vi, ngữ cảnh, sở thích và dữ liệu để nhắm được người dùng mục tiêu lý tưởng”.

Quảng cáo retargeting có đang làm người dùng cảm thấy bị theo dõi?

Quảng cáo phải được cá nhân hoá
Nguồn: digitalalchemy

Quảng cáo có thực sự đáng sợ nếu như chúng đem lại hiệu quả?

Ratcliff đã chia sẻ một thống kê đáng chú ý từ SeeWhy (hiện là một phần của SAP): “26% khách hàng sẽ quay lại website thông qua retargeting. Trong khi số lượng khách hàng quay trở lại website chỉ chiếm 8% nếu không áp dụng retargeting”. Đây thực sự là một bước nhảy vọt.

Retargeting trên Facebook, thậm chí còn đem lại hiệu quả hơn. Trong báo cáo Numbers 2015 của AdRoll về việc retargeting trên Facebook, khi thêm kênh media này vào chiến dịch retargeting cho quảng cáo hiển thị, các nhà quảng cáo đã thấy phạm vi tiếp cận hiển thị tăng 92%, mỗi CPM giảm 9%, còn giá mỗi CPC giảm 27%. Trên toàn cầu, họ quan sát thấy mức tăng trung bình 31% trong chi tiêu so với cùng kỳ của mỗi nhà quảng cáo.

Khi thêm Facebook vào chiến dịch retargeting cho quảng cáo hiển thị, phạm vi tiếp cận hiển thị tăng 92%, mỗi CPM giảm 9%, giá mỗi CPC giảm 27%.

Câu hỏi đúng không phải là “tại sao những công ty này lại dùng retargeting?” mà nên là “tại sao tất cả họ lại không sử dụng nó và làm cho trải nghiệm trực tuyến của người dùng trở nên tốt hơn?”

Vâng, theo như lưu ý của Ratcliff, khi bạn nhấp vào thứ gì đó thì không có nghĩa là bạn đủ quan tâm để cần được nhắc nhở – vì vậy, retargeting có thể là một khoản chi tiêu rủi ro nếu như bạn không thể cung cấp được một sản phẩm đủ chất lượng. Và nếu như nhà cung cấp retargeting của bạn không thay đổi về tần suất hay thời lượng quảng cáo xuất hiện trong bảng tin của người tiêu dùng, thì bạn có thể đang đẩy họ ra xa. Điểm mấu chốt là: Việc retargeting đúng là một yếu tố đảm bảo giá trị cho mọi quảng cáo xung quanh. Nhưng còn làm sai thì sao? Chỉ làm tăng thêm phiền phức mà thôi.

Vì vậy nếu lần tới bạn thấy một quảng cáo retargeting thực sự hiệu quả, hãy cảm ơn vì chúng tồn tại. Vì nếu thiếu đi chúng, không gian trên mạng của bạn sẽ ngập tràn những quảng cáo không liên quan và có khi bạn còn phải trả tiền cho chúng nữa – bởi doanh thu quảng cáo là thứ giúp cho những nội dung bạn tìm kiếm trực tuyến miễn phí.

Vậy, bạn đã hiểu rõ hơn về quảng cáo retargeting chưa?

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Adweek