Chuyện xây dựng mối quan hệ
Thú thật, mình không thích chuyện networking. Nhưng mà sếp từng dạy “muốn tốt cho bản thân thì đôi khi phải ráng làm tốt những điều mình ghét”. Cho nên, để những lần gặp gỡ không trôi qua một cách nhạt nhoà, mình muốn chia sẻ vài điều sau đây.
Networking
- Đừng mong nhận lại nếu không cho đi: Nhiều người muốn nhận được trước rồi mới cho đi, hay đòi hỏi chuyện cho nhận phải sòng phẳng. Nghĩ thế là sai rồi, cho đi 10 lần nhiều khi chỉ nhận lại 2 cũng nên thấy vui. Bất kỳ ai cũng vì lợi ích bản thân, nên nếu họ thấy mình có lợi thì sẽ dành thời gian cho mình và ngược lại. Mà việc “cho” cũng chẳng cần to tát, đôi lúc chỉ cần gửi một dòng link mà mình nghĩ là người ta cần. Thông qua những cái nhỏ nhỏ, ngày qua ngày, họ vui và mình cũng thấy vui.
- Tìm người gắn kết tốt: Những lúc muốn nhờ người nào đó giúp đỡ, mình không dại dột nhảy xổ vào người ta, mà nên thông qua một người trung gian (vốn đã thân thiết từ trước), khi đó xác suất thành công sẽ cao hơn nhiều. Mình được giúp thì bạn mình cũng vui, và biết đâu mình sẽ có thêm một mối quan hệ mới thú vị. Quy tắc là “đã ngại thì đừng nhờ, khi đã nhờ thì đừng có ngại”.
-
Đừng “la liếm”: Người có kết nối không nhất thiết phải biết nhiều người, biết ít nhưng quý trọng nhau thì tốt hơn. Mình từng nhiều lần nghe chuyện như: “Ê, đừng nói chuyện X với A, nó quen biết rộng mà còn nhiều chuyện nữa”. Lúc này, kết nối rộng lại đâm ra rách việc.
-
Giữ tương tác: Nếu mình thật sự thích và muốn chơi thân với ai đó, hãy chủ động tạo các dịp “có duyên” để tương tác với họ (như chia sẻ một báo cáo hay trong ngành, giới thiệu một số nhân sự có ích cho họ, nhắn vài tin chúc nhậu vui, kiểu vậy). Nhưng nhớ đừng lấn quá sâu vào cuộc sống riêng tư của người ta.
- Nói chuyện có duyên chút: Việt Nam mình còn nhiều chuyện vô duyên mà chưa sửa được, như: “Sao dạo này mập vậy?”, “Sao em chưa có bồ”? hay “Ủa, em nằm trên hay nằm dưới?”. Nói sao cho chuyện mãi vui, chứ đừng nói một lần rồi người ta thề không gặp lại mình nữa.
Small Talk
- Tìm điểm chung: Điểm chung có thể là cả hai cùng cảm thấy lẻ loi trong một bữa tiệc và mình đến như một thiên thần bắt chuyện với họ, hay cùng học chung một ngôi trường cấp 3, hay đơn giản là một người bạn chung trên mạng xã hội. Trái đất tròn, tìm không được điểm chung thì mình qua điểm riêng (mà mình nghĩ là người ta muốn nói).
- Khen người ta thật lòng: Trong những sự kiện networking, kiểu gì người ta cũng “trưng” cái hay ho của bản thân ra, xoáy vào cái đó mà khen để nghe không bị “giả trân”. Làm được vậy thì người khác sẽ ưng bụng mà nói chuyện phiếm với mình.
- Tự nhiên đang nói mà cả hai cùng im bặt vì hết chuyện: Nếu thấy sự im lặng kéo dài quá 10 giây thì mình mạnh dạn chuyển chủ đề khác như âm nhạc, thể thao… Còn nếu thật sự hết hứng thú thì nên tìm cách chuồn đi trong lịch sự và yêu thương như: “Em đi lấy đồ ăn chút”, “Hic, em có điện thoại cho em xin phép nghe chút”…
Nói chung một người giao thiệp giỏi là người mà ai cũng thích nói chuyện cùng, chứ không phải người đứng lẻ loi với cái iPhone chờ hoài mà không có ai gọi để giả bộ bận rộn. Muốn làm được như vậy thì phải luyện tập.