Marketer Nguyễn Nhất Duy
Nguyễn Nhất Duy

Marketing Communications Lead, Vietnam @ iPrice Group

49% người Việt xóa app mua sắm sau khi cài đặt

Con số đáng báo động này cho thấy các sàn thương mại điện tử Việt Nam cần cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ mới có thể giữ được chân khách hàng.

Đây là số liệu từ kết quả thống kê của AppsFlyer và iPrice Group. Hai doanh nghiệp này đã tiến hành phân tích 12,4 triệu lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên thiết bị Android trong năm 2020 để từ đó tìm kiếm thông tin về hành vi của người tiêu dùng.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ gỡ các ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tỷ lệ xóa ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam được ghi nhận ở mức cao nhất là 49% vào thời điểm Quý II/2020.

Với kết quả này, có thể thấy người dùng thương mại điện tử tại Việt Nam là nhóm đối tượng khó tính nhất trong khu vực. Họ có xu hướng xóa bỏ các ứng dụng thương mại điện tử không phù hợp ngay sau khi dùng thử.

Để giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia của AppsFlyer và iPrice Group cho rằng, các sàn thương mại điện tử cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình mới có thể níu chân người sử dụng.

49% người Việt xóa app mua sắm sau khi cài đặt

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong những năm gần đây. Ảnh: Trọng Đạt

Tuy có tỷ lệ xóa app ở mức cao, có một điều đáng lưu ý khi các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 5 vị trí trong top 10 website thương mại điện tử hàng đầu khu vực. Các doanh nghiệp trong danh sách này có thể kể đến lần lượt là Thế Giới Di Động, Tiki, Điện Máy Xanh, Sendo và FPT Shop. Điều này cho thấy tốc độ phát triển thương mại điện tử đang rất cao tại thị trường Việt Nam.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%.

Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, thương mại điện tử đã trở thành kênh mua sắm duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.

Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã năng động trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực nhằm khai thác tối đa ưu thế của các nền tảng trực tuyến.

Trước sự phát triển nhanh và nóng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Google, Temasek và Bain&Company cũng đưa ra dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 của thương mại điện tủ Việt Nam là 29%. Tới năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử nứớc ta sẽ đạt 52 tỷ USD.

Nguồn: Vietnamnet