Em có muốn làm nhân viên xịn không?

Em có muốn làm nhân viên xịn không?

Anh đoán là có. Nhưng làm “nhân viên” thì dễ, chứ để trở thành nhân viên “xịn” mới khó. Bù lại thì phần thưởng cho nhân viên “xịn”, nó bự lắm. Nên em chỉ cần cố gắng hoàn thành “sương sương” mấy cái anh liệt kê dưới đây nè.

Tư duy chủ động

  • Đừng nghĩ và hành động như một-người-đi-làm-thuê. Nghĩa là, nếu em thấy ngứa mắt cái gì trong công ty (mà bản thân giải quyết được), thì cứ xắn tay vào làm một cách chuyên nghiệp, chứ đừng nghĩ “cha nội đó có trả thêm lương đâu mà mang vác chi cho nặng”. Thêm nữa, mấy công ty thường có nhiều dự án nho nhỏ (như thiết kế lại website, tổ chức sự kiện nội bộ…), em cũng nên xông xáo tham gia, “xịn” hơn thì dành lead luôn dự án, chứ đừng nghĩ “kệ, đó không phải việc của bé”.
  • Suy nghĩ tiến về phía trước, bởi chẳng ai ở mãi một cấp bậc. Với mỗi nhiệm vụ được giao, em làm lần đầu để học hỏi, lần thứ 2 là phải giỏi, đến lần thứ 3 thì em phải nghĩ đến chuyện sau này bản thân làm quản lý thì nên giao việc cho nhân viên như thế nào. Nghĩ lớn như thế thì sếp mới nhận thấy năng lực mà thăng cấp cho em.

Em có muốn làm nhân viên xịn không?

Nguồn: Pinterest

  • Năng lực “đặt đề bài”. Dạo trước, anh nhờ một bạn A gọi cho khách hàng, khách không bắt máy thì bạn cũng chỉ trả lời vỏn vẹn “chị khách hàng không trả lời nha anh” rồi chấm hết. Mình lại nhờ một bạn khác, bạn này có cách giải quyết “cưng xỉu”: “Dạ, em gọi rồi, nhưng không nhận máy anh ơi. Em có để lại tin nhắn cho chỉ rồi, khi nào chỉ gọi lại thì em báo anh liền”. Cùng một vị trí, có người cả ngày làm không hết việc, nhưng cũng có người sếp không giao việc thì cứ thế im lặng chờ thời.
  • Họp hành, dù lớn dù nhỏ, đừng nên yên lặng. Nếu em cảm thấy mình có ý kiến thì hãy mạnh dạn lên tiếng. Em đừng im im trong phòng họp, rồi ra ngoài bĩu môi chê người này, người kia.

Quản trị cảm xúc bản thân

  • Luôn lạc quan tích cực, vì chẳng ai chịu nổi mấy đứa nhân viên hay cau mày nhún vai, nói gở và than phiền suốt ngày đâu em ơi. Đời đi làm thì ai cũng có lúc căng thẳng, “giận tím người” hay “buồn sấp mặt”, nhưng thể hiện hết ra thì không khác gì con nít. Em hãy tập giữ vẻ ngoài điềm tĩnh, ai đó nói gì không thuận tai thì đừng quay ra “múc” người ta, mà dành thời gian suy nghĩ. Em hãy tập cách nghĩ kiểu “cái gì còn có đó, dẫu sao cũng không phải tận thế”, rồi từ từ tìm cách giải quyết vấn đề. Có lần, anh gặp đồng nghiệp ngồi khóc trong một góc văn phòng, nhưng rất nhanh sau đó, chị ấy lấy lại phong độ và “chiến tiếp”. Đi làm mà em.
Em có muốn làm nhân viên xịn không?

Nguồn: Envato

  • Đừng dằn vặt bản thân mỗi khi mắc lỗi. Em phạm lỗi, em phát hiện ra, em xin lỗi, em rút bài học và em bước tiếp. Em đừng mang cái lỗi đó mãi bên mình, mệt lắm và người ta sẽ không dám giao chuyện lớn cho em đâu.
  • Đừng so sánh với người khác kiểu như “Sao đứa kia làm ít/ không giỏi/ thế này thế kia mà được hơn mình”. Khó lắm, mình đâu biết người ta đã làm gì và cố gắng thế nào đâu, nên tốt nhất thì “đường ai nấy tiến” đi bé ơi.

Chuyên nghiệp trong công việc

  • Môi trường làm việc chuyên nghiệp không có chỗ cho mấy chuyện đàm tiếu người khác, “ma cũ bắt nạt ma mới”, đi muộn về sớm, hay trễ deadline. Kiểu sáng dậy em thấy “bổn cung hơi mệt” bèn nhắn tin xin nghỉ rồi tắt máy ngủ tiếp là kiểu nhân viên “không nên cơm cháo gì”.
  • Bản thân em phải hài lòng với thành quả công việc rồi mới đưa lên cho sếp nhé. Vì dù em có thấy nó hoàn hảo đến đâu thì khi tới tay sếp vẫn còn nhiều chổ phải sửa, huống gì em thấy nó “nát bét” mà vẫn đưa lên thì đừng trách sao sếp em ác. Khi làm việc hãy toàn tâm hướng đến kết quả, đừng nghĩ “em làm cực muốn chết mà mấy ảnh cứ không hài lòng”. Không đạt tức là không đạt, khi thất bại đừng bao biện mà hãy nhận lỗi, rút ra bài học và bước tiếp.
  • Tập cách thích ứng nhanh. Plan A không được thì mình qua plan B, plan B cũng không được thì mình nhảy qua plan C. Em phải tập thích ứng nhanh chứ đừng vừa nghe sếp nói “đổi đi” là em bĩu môi rồi càm ràm “lại thay đổi, suốt ngày cứ đổi với thay”.

Em có muốn làm nhân viên xịn không?

Chuyên nghiệp trong công việc
Nguồn: Envato

  • Mỗi cây mỗi hoa, mỗi công ty mỗi cảnh. Có công ty trọng đãi người bán hàng giỏi, có công ty ưu tiên người nói hay và cũng có công ty yêu thương người biết chơi trò chính trị, đại loại vậy. Em nên quan sát để biết luật chơi và nghĩ xem mình có chơi được cái luật đó không. Được thì chơi tới nơi tới chốn nha em, còn không thì xin lui, chứ đừng ở lại rồi trách sao “công ty này chỉ đề bạt mấy đứa giỏi mồm”.

Giao tiếp trong công ty

  • Lắng nghe và không chỉ trích. Đừng cắt ngang hay nhảy xổ vào lời người khác dù em có đang thèm khát hay bức xúc đến mức nào, đặc biệt trong thời COVID-19 phải họp online nhiều. Quy tắc “1 người nói” cực kỳ quan trọng mà nhiều bé lại không biết. Thêm nữa, em nên tập thói quen cảm thông, cố gắng tìm hiểu câu chuyện đằng sau hành động và lời nói của người khác. Đặc biệt là các bé làm cho công ty to thường dễ bị rơi vào cái bẫy “quyền sinh sát trong tay nên chém agency tơi tả”. Hãy nhớ, con người ắt phải phạm lỗi, biết lắng nghe và bớt chỉ trích sẽ được nhiều người yêu quý hơn.
  • Tập quan sát để luôn đoán biết được ẩn ý của đối phương dù họ không nói ra. Cái khoác tay, cái nhíu mày, cái giọng điệu, cái bĩu môi, cái khoanh tay… đều nói lên được điều gì đó.
Em có muốn làm nhân viên xịn không?

Kết bạn với đồng nghiệp phòng ban khác
Nguồn: Halozend Soft

  • Muốn làm nhân viên “xịn” thì phải biết trình bày ý tưởng. Nói gì cũng phải gãy gọn, khúc chiết và thuyết phục người nghe chứ không ậm ừ hay quá dài dòng. Ví dụ như “Dạ, đây là ý tưởng của em, em làm cái này vì lí do X, và sau khi làm xong chúng ta sẽ đạt được Y, hãy giao cho em nhé”.
  • Cuối cùng, em nhớ kết bạn với đồng nghiệp phòng ban khác, bởi có lúc em sẽ cần sự trợ giúp của họ (à, đừng ngại nhờ người khác nha bé). Nhưng lưu ý là “kết bạn” thôi chứ đừng “kết bè”. Giỏi hơn nữa thì làm thân với nhiều sếp, bởi chuyện thăng tiến đôi khi không chỉ có mỗi sếp trực tiếp của em quyết định. Nhiều bạn thường sợ nói chuyện với sếp, ví dụ vô tình gặp ảnh thì em đừng giả vờ kiểu “Trời đất ơi, nãy giờ sếp đi chung thang máy với em mà em không biết, ra đây em mới thấy. Trời ơi, em có mắt như mù tội này đáng chết”. Nghe là biết xạo rồi, nên em cứ bắt chuyện bình thường thôi như kiểu “Dạ, anh khoẻ không?”, “Anh ăn sáng chưa?”…

Đọc đến đây em thấy mệt chưa? Thôi ráng lên nha, hoàn thành được danh sách trên là có thể trở thành nhân viên xịn rồi. Thương em, newbie!