Kì vọng đặt ra cho TikTok khi cam kết hỗ trợ doanh nghiệp SME tại Việt Nam
Với tốc độ lan toả nhanh và khả năng tương tác mạnh mẽ, nội dung ngắn đang là xu hướng quảng cáo trực tuyến ngày càng nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp. Vừa qua, TikTok công bố cam kết đầu tư nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp SME Việt Nam tối ưu hoá giải pháp quảng cáo, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tại sự kiện ngày 8/4/2021, TikTok cam kết hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận kiến thức và nâng cao kỹ năng marketing trên nền tảng thông qua 3 trọng tâm chính: Thúc đẩy các hợp tác chiến lược, Phát triển tài nguyên 24/7 và Tăng cường đội ngũ tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện, một trong những hoạt động nổi bật nhất là buổi toạ đàm cùng đại diện đến từ các Hội Truyền thông số (VDCA), Hiệp hội Mobile Marketing (MMA), Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và TikTok Việt Nam. Nội dung trao đổi xung quanh kì vọng của các đối tác đặt ra cho nền tảng này, ông An Bùi – Giám đốc Marketing mảng Kinh doanh của TikTok là người dẫn dắt cuộc thảo luận. Sau đây là nội dung tóm lược.
* Ông An Bùi: Là một đơn vị làm việc nhiều với các doanh nghiệm SME, theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp này khi thực hiện chuyển đổi số trong marketing, đặc biệt khi tiếp cận khách hàng mới, là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM: Dựa trên kinh nghiệm làm việc thực tế với doanh nghiệp, tôi thấy rằng phần lớn SME nếu không được hỗ trợ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số hay tham gia các sàn thương mại điện tử. Bản thân hiệp hội đã triển khai nhiều chương trình đào tạo để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu được lợi ích của thương mại điện tử, đồng thời triển khai một số chính sách khuyến khích họ đưa sản phẩm lên các nền tảng.
Trong quá trình tiếp cận khách hàng mới, tôi thấy những đầu tư từ TikTok là cần thiết trong việc đồng hành cùng VECOM để khơi gợi sự sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng.
* Ông An Bùi: Vấn đề tôi muốn đặt ra cho bà Tâm Phan là các nền tảng khi hoạt động tại thị trường Việt Nam cần có những hỗ trợ nào cho doanh nghiệp?
Bà Tâm Phan – Giám đốc Quốc gia tại MMA Việt Nam: Tôi cho rằng việc Đào tạo kiến thức, Hỗ trợ nhanh chóng, Cập nhật các case-study thành công, Tạo môi trường quảng cáo an toàn và Chia sẻ thông tin nghiên cứu thị trường là 5 hoạt động quan trọng nhất.
Các chương trình đào tạo là cần thiết để doanh nghiệp hiểu về giá trị của nền tảng, cũng như biết cách tận dụng chúng hiệu quả cho các mục tiêu kinh doanh. Còn việc xây dựng đội ngũ riêng cho từng thị trường, từ kĩ thuật cho đến tư vấn, sẽ giúp nhanh chóng giải quyết được các vấn đề phát sinh khi gặp khó khăn.
Và tôi cũng mong muốn các nền tảng liên tục cập nhật những case-study điển hình, những doanh nghiệp đã triển khai thành công và lan toả với cộng đồng để mọi người hiểu hơn và biết cách áp dụng tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ các nghiên cứu thị trường mới tại Việt Nam, như sự thay đổi hành vi của người dùng trong thời điểm dịch bệnh, cũng quan trọng không kém để các doanh nghiệp SME nắm bắt được xu hướng, từ đó triển khai các hoạt động hiệu quả hơn. Cuối cùng, nền tảng cũng có trách nhiệm tạo nên một môi trường quảng cáo an toàn cho các thương hiệu.
* Ông An Bùi: Theo như bà Tâm Phan chia sẻ, tính an toàn là một trong những yếu tố quan trọng mà các nền tảng cần đảm bảo. Là người phụ trách mảng Chính sách tại TikTok, ông Lâm Thanh hãy chia sẻ thêm nền tảng này đã có những hoạt động nào để đảm bảo tính an toàn cho cả người dùng lẫn nhà quảng cáo?
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chính sách tại TikTok Việt Nam: Ngay khi vào thị trường, chúng tôi đã làm việc cùng các tổ chức chính phủ lẫn phi chính phủ để xây dựng một bản tiêu chuẩn cộng đồng. Dựa trên cơ sở đó, đội ngũ cũng đã triển khai các hoạt động đào tạo các nhà sáng tạo nội dung, đồng thời xây dựng một đội ngũ kiểm duyệt dựa trên các tiêu chuẩn đã đặt ra.
Tất cả nhằm tạo nên một môi trường quảng cáo an toàn và lành mạnh, từ đó thương hiệu có thể tin tưởng với giải pháp quảng cáo trên TikTok mà không lo sợ hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng bởi các nội dung tiêu cực.
* Ông An Bùi: VDCA là một trong các đối tác đầu tiên của TikTok tại Việt Nam, đại diện tổ chức có thể chia sẻ những kì vọng đối với nền tảng này trong tương lai?
Đối với kì vọng trong tương lai, tôi mong TikTok sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội/ các cơ quan ban ngành tại Việt Nam để đào tạo nhận thức cho SME về chuyển đổi số và cụ thể hơn là cách mà họ có thể tận dụng nền tảng này để làm sức bật cho doanh nghiệp. Kế đó, VDCA mong muốn TikTok sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo nên một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là SME.
* Ông An Bùi: Đại diện TikTok mảng Kinh doanh khối Đại lý có thể chia sẻ thêm về những hỗ trợ của nền tảng này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Bà Naree Nguyễn – Giám đốc Kinh doanh khối Đại lý tại TikTok: Tôi cho rằng sự hiện diện của đội ngũ hỗ trợ tại Việt Nam giúp công ty thấu hiểu về thị trường, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp SME. Từ đó, cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp để có thể giải quyết nhanh chóng các vấn đề của họ.
Bên cạnh đó, TikTok cũng vừa kích hoạt Small Business Resource Center, Trung tâm Tài nguyên dành cho các Doanh nghiệp nhỏ, đây sẽ trở thành nơi cung cấp và cập nhật những thông tin, hướng dẫn cụ thể, đáng tin cậy nhất cho họ. Và sự hỗ trợ này sẽ luôn được cập nhật, bổ sung các giải pháp mới.
Thành Toàn / Brands Vietnam