Quy trình thực hiện và những chú ý "đừng quên" khi làm phim quảng cáo 3D
Công nghệ 3D ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống và lĩnh vực truyền thông - quảng cáo cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, để sản xuất được phim quảng cáo 3D chất lượng, đạt được các tiêu chí đề ra không hề dễ. Vì vậy, hiểu rõ được quy trình thực hiện cũng như nắm được những điều cần lưu ý khi làm phim quảng 3D là điều đầu tiên cần phải để tâm.
Phim quảng cáo 3D là gì?
Phim quảng cáo 3D là thể loại phim quảng cáo sử dụng các hình ảnh 3D để thể hiện nội dung, thông tin về sản phẩm, thương hiệu. Đây là thể loại phim ngày càng được ưa chuộng và dần trở thành xu hướng hiện nay. Nhờ vào công nghệ hình ảnh 3 chiều – 3D, các hình ảnh quảng cáo trong phim trở nên sống động, đẹp mắt, có sức hấp dẫn với người xem.
Hình ảnh từ TVC quảng cáo Bio acmin (Vietstarmax thực hiện)
Phim quảng cáo 3D cũng không còn xa lạ tại Việt Nam khi đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng thể loại này để quảng bá sản phẩm và đã đem lại những “hiệu ứng” truyền thông tuyệt vời. Trong truyền hình, thước phim quảng cáo 3D gần như đầu tiên xuất hiện trên truyền hình có thể kể tên đến quảng cáo sữa ZinZin đã quá quen thuộc với tuổi thơ của thế hệ 9x. Tiếp sau đó là sự ra đời của hàng loạt các quảng cáo Vinamilk, quảng cáo sơn Behr, quảng cáo Bio Acimin, Phô mai con bò cười,..
Để làm phim quảng cáo 3D chất lượng, đừng bỏ qua 4 lưu ý
Đối tượng mà phim hướng tới
Xác định đối tượng mà phim hướng tới chính là điều quan trọng hàng đầu đối với bất kỳ dạng phim quảng cáo nào, nhất là phim quảng cáo 3D. Biết được đối tượng khách hàng mục tiêu là ai, họ cần gì chính là mấu chốt giúp bộ phim truyền tải chính xác thông điệp của sản phẩm cũng như thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Một trong những thương hiệu thành công khi sử dụng phim quảng cáo 3D để giới thiệu sản phẩm chính là Vinamilk. Nhắc đến Vinamilk, chắc chắn không thể không nhắc đến hình ảnh những chú bò sữa với tạo hình 3D đáng yêu, ngộ nghĩnh, mang đậm tính chất của sản phẩm. Ý tưởng video quảng cáo độc đáo này của Vinamilk đã thu hút được sự chú ý của người xem, đặc biệt là các bé - cũng chính là đối tượng khách hàng mục tiêu của sản phẩm. Thậm chí hình ảnh nhân vật những chú bò sữa này đã trở thành dấu ấn thương hiệu của Vinamilk trong lòng người tiêu dùng.
Có thể nói rằng việc xác định đúng đối tượng của phim giống như “kim chỉ nam” cho quá trình xây dựng kịch bản và sản xuất phim.
Kịch bản phải chi tiết, kỹ lưỡng
Kịch bản chính là “linh hồn” của đoạn phim. Vì thế không thể bỏ qua yếu tố này trong quá trình xây dựng phim quảng cáo 3D. Về phần kịch bản, nhà sản xuất luôn phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng sao cho có thể truyền tải đầy đủ thông tin sản phẩm đến cho khách hàng chỉ với một đoạn phim ngắn. Kịch bản quảng cáo luôn đòi hỏi sự ngắn gọn nhưng cũng phải cung cấp đầy đủ các thông tin để khách hàng giúp có cái nhìn bao quát nhất về sản phẩm.
Chính vì thế, xây dựng kịch bản chi tiết, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ nhất là điều phải làm nếu muốn tạo nên video quảng cáo thành công, nhất là đối với thể loại đòi hỏi sự linh hoạt cao như phim quảng cáo 3D.
Phải dễ hiểu, đơn giản
Chỉ với 2 – 3 phút quảng cáo ngắn ngủi, thậm chí là 30s thì liệu có thể truyền tải được hết thông điệp của sản phẩm? Vì thời lượng không nhiều, do đó, nếu cố gắng nhồi nhét các thông tin, hình ảnh vào đoạn phim quảng cáo 3D sẽ chỉ khiến nó trở nên rối mắt, rời rạc và không đem lại được hiệu quả truyền thông như mong đợi. Đơn giản, dễ hiểu chính là tiêu chí nhà sản xuất cần quan tâm. Xây dựng một đoạn phim càng dễ hiểu sẽ càng khiến cho sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Làm sao để với chỉ 30s xem video, người xem có thể dễ dàng nắm được thông tin sản phẩm.
Tham khảo đoạn phim quảng cáo 3D Sơn BEHR - Hãng Sơn Đông Á được sản xuất bởi VietstarMAX. Nội dung đoạn phim được xây dựng đơn giản trên nền nhạc “Ba ngọn nến lung linh”. Chỉ với 30s đoạn TVC quảng cáo này đã truyền tải được đầy đủ thông tin, tính chất của sản phẩm đến cho người xem.
Tận dụng tốt các thiết bị truyền thông
Với nền tảng truyền thông đa dạng như hiện nay thì việc đem video quảng cáo 3D tiếp cận với nhiều người hơn không còn là điều quá khó khăn. Tận dụng tốt các thiết bị truyền thông truyền thống như tivi đến các nền tảng truyền thông hiện đại trên Internet như Youtube, Facebook, Website sẽ giúp cho đoạn phim quảng cáo phủ sóng rộng rãi hơn.
Với những doanh nghiệp sẵn sàng chi trả nhiều chi phí cho truyền thông quảng cáo thì việc xuất hiện tại các khung giờ vàng để quảng bá sản phẩm trên truyền hình hiện vẫn đang là cách thức cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu nguồn chi có hạn thì chỉ cần tận dụng tốt các kênh Youtube, Facebook, Instagram cũng đã mang đến cho doanh nghiệp hiệu quả truyền thông không hề nhỏ.
Nguồn ảnh từ TVC quảng cáo Biofil Kiddy (Vietstarmax thực hiện)
Quy trình 7 bước làm bộ phim quảng cáo 3D hoàn thiện
Lên ý tưởng, thống nhất kịch bản
Bước đầu tiên để xây dựng bộ phim quảng cáo 3D chính là lên ý tưởng. Ý tưởng chính là nền móng. Một ý tưởng độc đáo, sáng tạo đã quyết định gần 40% thành công của sản phẩm. Rồi dựa vào ý tưởng đó để dựng lên câu chuyện, lồng ghép các tình tiết, hình ảnh và tạo nên kịch bản thống nhất cho bộ phim.
Vẽ ra model sheet - Phác họa hình dáng nhân vật
Công đoạn vẽ model sheet này cực kỳ quan trọng. Thay vì tuyển chọn diễn viên như các bộ phim quảng cáo thông thường, phim quảng cáo 3D sẽ tạo hình nhân vật bằng cách sử dụng công nghệ 3D. Để tạo ra nhân vật hoàn chỉnh, trước tiên nhà sản xuất phải phác thảo chi tiết hình dáng của nhân vật trên giấy, rồi sau đó xem xét chỉnh sửa kỹ lưỡng sao cho nhân vật có tạo hình độc đáo, mang đặc trưng riêng của thương hiệu. Bên cạnh nhân vật chính, nhà sản xuất cũng phải phác thảo các vật thể khác có xuất hiện trong đoạn phim quảng cáo.
Vẽ storyboard - Tạo kịch bản hình ảnh
Bước tiếp theo sau khi đã xây dựng kịch bản và phác thảo hình dáng nhân vật chính là vẽ storyboard hay cảnh nền. Dựa trên kịch bản, hình dáng nhân vật và một số khung cảnh đã được phác thảo trên giấy, nhà sản xuất sẽ xây dựng kịch bản cho từng phân cảnh trong phim.
Vẽ background – Tạo cảnh nền
Để tạo các background cho những bối cảnh sẽ có trong đoạn phim 3D, trước tiên nhà sản xuất sẽ phải xác định các bối cảnh sẽ xuất hiện trong phim dựa vào storyboard. Muốn các cảnh nền hợp lý và đẹp mắt hơn, chúng sẽ không được phác thảo trực tiếp trên phần mềm đồ họa 3D mà phải được vẽ ra trên giấy và phần mềm đồ họa 2D trước đã.
Làm modelling - Tạo khối chính xác
Ở bước này, các bản phác thảo trên giấy sẽ được tạo hình lại trên không gian 3 chiều. Để tạo được hình tượng nhân vật chính xác đòi hỏi người họa sĩ phải tưởng tượng được hình ảnh nhân vật trên sau khi đã hoàn thành sẽ như thế nào cũng như tạo đủ tất cả các biểu cảm của nhân vật sao cho phù hợp với từng phân cảnh.
Làm Texturing - Tạo màu sắc cho nhân vật
Sau khi đã tạo khối chính xác cho nhân vật, thì bước tiếp theo sẽ là tô màu sắc cho nhân vật và cách chi tiết khác có trong đoạn phim. Bước Texturing không chỉ đơn giản là tô màu sắc cho da, quần áo, tóc, cảnh vật xung quanh, v.v. mà còn là công đoạn tạo dựng chính xác các chi tiết nhỏ nhất như chất liệu (quần áo bằng vải lụa, giày da,…), hoa văn, độ bóng, nếp nhăn, v.v.
Tạo khung xương
Phim quảng cáo 3D có sự đòi hỏi khắt khe hơn nhiều về mức độ uyển chuyển của các động tác của nhân vật so với phim 2D. Để giúp nhân vật có cử động, biểu cảm cũng như diễn xuất giống người thật thì chắc chắn không thể thiếu công đoạn tạo khung xương. Các họa sĩ sẽ tận dụng các công cụ hỗ trợ trong các phần mềm 3D để tạo ra một bộ xương hoàn chỉnh cho nhân vật từ xương cổ, xương vai, xương cánh tay, xương khuỷu tay, v.v. Rồi sau đó, gắn các khớp xương này vào các vị trí tương thích của mẫu nhân vật đồng thời cũng quy định luôn những chuyển động của nhân vật.
Để tạo ra một bộ phim quảng cáo 3D hoàn chỉnh, chất lượng quả thật không hề dễ dàng. Tuy nhiên, giá trị truyền thông, quảng bá của thể loại phim quảng cáo 3D là điều không thể phủ nhận. Công nghệ ngày càng phát triển thì các công cụ hỗ trợ làm phim 3D cũng ngày càng được cải tiến và việc tạo ra một thước phim 3D hiện đại, đẹp mắt không còn quá khó khăn.
Nguồn: Vietstarmax