Em 'rải đơn' lâu vậy rồi, mà sao chưa có việc?

Em rải đơn lâu vậy rồi, mà sao chưa có việc?

Đã bao lâu rồi, từ ngày em nộp đơn cho hàng trăm công ty nhưng không ma nào thèm phản hồi em. Đã bao lâu rồi, em đến buổi phỏng vấn mà chưa gì chân tay đã rung lên, nói năng thì lắp bắp. Đã bao lâu rồi, em thấy chỉ số tự tin nó tụt về 0.

Anh hiểu khoảng thời gian kinh khủng mà em đang trải qua. Nhiều lúc cũng muốn sửa, nhưng không biết bản thân sai ở điểm nào. Đừng tuyệt vọng, có thể do em chưa hiểu những điều mà nhà tuyển dụng muốn thấy thôi. Với vị trí một người đã có quyền định đoạt “người rớt kẻ đậu”, anh nghĩ có một vài điều cơ bản sau mà em nên biết.

Những điều em nên tránh khi soạn CV

Về mặt nội dung:

  • Mục tiêu nghề nghiệp: Cái này thật sự khó viết, chưa kể lắm lúc sáo rỗng. Em đang xin việc, thì hiển nhiên là mục tiêu sẽ liên quan đến công việc đó rồi. Còn nếu em thấy bản thân có mục tiêu hay ho khó đụng hàng? Hãy viết chúng vào cover letter hoặc trong nội dung mail.
  • Kinh nghiệm không liên quan: Có những công việc, mà từng giúp em trưởng thành hơn trong quá khứ, nhưng lại “trớt quớt” với công việc mà em đang tìm kiếm hiện tại. Chưa kể lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể xoáy vào đó và tìm thấy điều nào bất lợi cho em thì sao? Thế nên, hãy bỏ những kinh nghiệm không liên quan ra bớt cho CV thoáng đãng.

Em rải đơn lâu vậy rồi, mà sao chưa có việc?

Nguồn: timviecnhanh

  • Sơ sài về thành tích: Đừng chỉ tuyên bố suông rằng em đã đạt được A hay B, mà hãy dẫn số liệu để thêm phần tin cậy. Thay vì nói "Em giúp công ty A tăng doanh thu trong năm X", hãy nói "Số lượng khách hàng của nhóm em/ cá nhân em quản lý đã tăng từ C lên D và doanh thu tăng từ E lên F". Được vậy là quá ngầu luôn!
  • Sở thích cá nhân: Em có từng chế ra những sở thích nhằm lắp đầy CV? Điều này vừa vô nghĩa vừa nguy hại. Giả sử em ghi sở thích là “đọc sách”, nhà tuyển dụng sẽ hỏi cuốn sách em đọc gần đây nhất là gì? Em mà ngồi ú ớ dạ dạ em đọc nhiều quá nên không nhớ, thì xong đời.
  • Đường dẫn đến trang cá nhân: Em chỉ nên khoe trang LinkedIn, những thứ quá cá nhân như Facebook/ Instagram thậm chí có thể phản chủ. Hãy tưởng tượng như ở nhà, em vẫn có thể mặc đồ thoải mái, nhưng để đi làm thì những bộ quần áo đó sẽ không phù hợp.
  • Những khoảng thời gian “chết”: Đi chơi vài tháng, ở nhà một năm chăm vợ mới sinh hay gap month, gap year, gap life… Mọi thể loại “gap” không nên xuất hiện trong CV, đơn giản là không phù hợp.

Về cách trình bày:

  • Email nhảm: "[email protected]", "[email protected]", "[email protected]" là email của mấy đứa con nít chưa sẵn sàng đi làm. Hoặc tệ không kém là em dùng địa chỉ mail của công ty hiện tại để nộp đơn vào công ty mới…
  • Quá nhiều chữ và gạch đầu dòng: Xưa đi thi văn, tự hào nhất là đứng lên xin thêm giấy, nhưng viết CV không phải viết văn. Căn lề tằn tiện cộng thêm cỡ chữ tí hon là cách nhanh nhất để tiễn CV vào thùng rác. Vì nhiều chữ quá thì nhà tuyển dụng ngán đọc, đồng thời cho thấy người viết không biết ưu tiên. Cỡ chữ 11, căn lề 0,8 inches, nội dung gọn gàng trong 2 trang là tốt nhất. Nếu em cho rằng thông tin nào cũng quan trọng và phải viết vào hết, thì kết quả là không còn gì nổi bật hay quan trọng nữa đâu.
  • Định dạng lên bờ xuống ruộng: Lỗi này anh gặp ngày càng nhiều. Để tránh, em chỉ cần Ctrl A để định dạng cho đồng bộ, rồi sau đó mới in đậm gạch đít tăng cỡ chữ những chỗ đặc biệt sau. Mà em cứ dùng font Arial đi cho lành, giờ chẳng còn ai dùng Time New Roman nữa đâu. Đặc biệt tránh những font ảo diệu lung linh, chúng chỉ khiến nhà tuyển dụng rối mắt và buồn cười thôi.
  • Chia thì không phù hợp: Đừng dùng thì hiện tại cho công việc trong quá khứ. Dễ hiểu mà đúng không? Em có phải Nobita đâu mà có thể chui vô hộc bàn đi đi về về giữ quá khứ, hiện tại và tương lai.

Em rải đơn lâu vậy rồi, mà sao chưa có việc?

Nguồn: msb

Những điều em nên lưu ý khi đi phỏng vấn

  • First Impression: Dáng người đi đứng phải thẳng thớm chớ đừng khòm khòm cái lưng. Mắt nhìn trước chớ đừng đảo lung tung như thằng trộm. Tay cũng đừng rờ rờ mó mó cái văn phòng người ta. Bắt tay thì phải thật vững chải, hơi lắc nhẹ cũng được. Bắt tay lỏng quá thì người ta nghĩ mình yếu, mà bắt chặt quá lại đau. Lúc về thì nhớ đẩy ghế vào vị trí cũ, cầm chai nước uống dở theo, gom rác (nếu có) ra thùng rác, bắt tay như đã nói. Dễ mà.
  • Ăn bận: Đúng quan trọng hơn đẹp. Giả dụ, em vào phỏng vấn với Coca-Cola mà bận màu xanh Pepsi thì hơi bị dũng cảm. Hay em vào mấy công ty thuộc ngành hàng Personal Care thì cũng nên điệu đà chút. Hay nếu em biết trước văn hoá công ty thoải mái thì mình đừng bận sơ mi đóng thùng, và ngược lại.
  • Nói ngắn thôi: Đừng nói dài nói dai mà nói dở, nhức đầu lắm. Nhà tuyển dụng thường không ngắt lời vì phép lịch sự thôi. Em hãy tập thói quen nói ngắn gọn, cho thêm ví dụ thích hợp đi kèm là tuyệt nhất. Lưu ý rằng, trả lời xúc tích không đồng nghĩa với nông cạn. Em phải nghe kĩ để hiểu người ta muốn điều gì khi đặt câu hỏi. Như người ta hỏi "Em phát tờ rơi 2 năm à?", đừng nói "dạ, 2 năm ạ, có gì không anh?". Em nên trả lời theo hướng: "Dạ, 2 năm, lúc đó em đã làm A và học được B cùng với thành tích C…”

Em rải đơn lâu vậy rồi, mà sao chưa có việc?

Nguồn: chefjob

  • Hãy chuyên nghiệp, đừng quá thân thiện: Em vẫn phải thể hiện được năng lượng và nhiệt huyết trong câu chuyện, nhưng đừng bước qua ranh giới để biến một buổi phỏng vấn thành cuộc chuyện trò bạn bè thân mật. Hãy chuyện nghiệp.
  • Dùng ngôn từ phù hợp: Không nên dùng tiếng lóng, và những chủ đề dễ tranh cãi như tình dục, chính trị, tôn giáo… Lưu ý này để em không bị đẩy ra khỏi phòng trong 2 nốt nhạc, chứ đừng nói đến chuyện rớt hay đậu.
  • Đừng chảnh: Em nên chứng tỏ được sự tự tin nhưng vẫn phải khiêm tốn. Nếu em không thích/ đánh giá thấp công ty thì cũng nên hoàn thành cuộc phỏng vấn với thái độ đúng mực. Nhiều bạn thể hiện rõ thái độ kiểu “cha nội/ bà nội đó hỏi gì mà vô duyên kỳ cục ngu ngốc hết sức”. Nhà tuyển dụng khôn lắm, chỉ có em mắc bẫy thôi.
  • Đặt câu hỏi: Việc này khó và nhiều bạn cũng trăn trở. Em nên lắng nghe và quan sát kỹ thì bản thân sẽ tự tìm được những câu hỏi có thể khai thác thêm từ buổi phỏng vấn. Không hỏi thì tệ quá, nhưng hỏi ngu thì còn tệ hơn. Thế nên phải chịu khó một tí.
  • Đừng tỏ ra tuyệt vọng: Dù có thật sự cần công việc đó, em cũng đừng thể hiện kiểu lạy anh lạy chị tuyển em đi mà… Nếu rớt thì nộp tiếp, em cũng không chết vì bị từ chối đâu. Em hãy luôn ghi nhớ quy tắc 3C: Cool (Có cá tính), Calm (Điềm tĩnh), và Confidence (Tự tin).

Quan trọng nhất, em đã hiểu rõ bản thân chưa?

Thông minh hay tài giỏi thế nào cũng không quan trọng bằng việc tự nhận thức đúng về bản thân mình.

Thông minh hay tài giỏi thế nào cũng không quan trọng bằng việc tự nhận thức đúng về bản thân mình. Theo nghiên cứu của Havard, self-awareness là kỹ năng đầu tiên của một người có EQ cao, thế nhưng sự thật đáng buồn là, điểm này của người trẻ Việt tương đối thấp, ít nhất là đối với anh.

Dạo trước, anh có phỏng vấn và chấm vòng giải tình huống cho 1 bạn ứng tuyển vào công ty. Sau khi bạn nói xong, anh đã hỏi: “Em cho bài trình bày của bản thân bao nhiêu điểm?”. Bạn cho 7. Anh đã thẳng thắn góp ý là: “Anh xin lỗi nhưng sự thật là em chỉ được 2 điểm thôi” và sau đó giải thích thêm tại sao. Khi ra về, dù còn ngỡ ngàng, nhưng bạn đã cám ơn anh vì nói thật.

Em có thấy mình trong câu chuyện? Em đã biết rõ điểm mạnh cũng như những hạn chế của bản thân? Em đã có cảm giác rõ ràng về giá trị của mình và định giá cao cho chúng? Nếu chưa, em nên dành thời gian nghĩ về điều này trước. Chúc em sớm có việc!

Trần Hùng Thiện