Bill Nguyen
Đạo diễn / Nhà Sản xuất sự kiện (Show Director / Event Executive Producer) @ VietNam Event Group - VEG
Virtual Events - Là tương lai hay là thị trường ngách của ngành Event
"Tương lai là sự kiện ảo (virtual event) và sự kiện trực tuyến (online event) , điều này đã trở thành một xu hướng phổ biến khi các nhãn hàng, khách hàng và nhà tổ chức sự kiện đầu tư nhiều hơn vào việc tổ chức và vận hành các sự kiện ảo, sự kiện trực tuyến. Nhưng đó có phải là điều mọi người thực sự muốn?
Virtual event và Online event đang chứng tỏ bản thân là một giải pháp thay thế mạnh mẽ cho một số loại sự kiện đơn giản, với khả năng phát trực tuyến trên hệ thống internet, các loại sự kiện này hướng tới số đông ở nhiều địa điểm khác nhau, mục tiêu chủ yếu dựa trên phạm vi tiếp cận và mục đích đào tạo, giáo dục, hội nghị, giải trí….
Hai loại hình sự kiện này đang tạo nên sự hiệu quả nhất định cho một số chương trình định hướng nhiều về truyền tải nội dung, đẩy mạnh việc tiếp cận và giáo dục. Tuy nhiên, sự kiện trực tiếp (live events) lại dựa trên những trải nghiệm trực tiếp, giao lưu kết nối.... điều này tỏ ra không mấy hiệu quả trên nền tảng trực tuyến.
Đạo diễn Bill Nguyen điều hành Đại nhạc hội Honda Youth Fest
Tôi có đọc các báo cáo gần đây về các tác động & thay đổi ngành event 2021, trong đó đã cung cấp những thông tin về sự tiếp nhận của ngành và kỳ vọng về các sự kiện trực tuyến. Kết quả cho thấy một tín hiệu rõ ràng: Mọi người vẫn mong muốn sẽ được quay lại các sự kiện trực tiếp, nhưng cả các nhãn hàng và nhà tổ chức ngày càng trở nên dễ tiếp nhận với các lựa chọn kỹ thuật số.
Liệu những quan điểm thay đổi này sẽ có ý nghĩa gì đối với ngành tổ chức sự kiện trong dài hạn?
VIRTUAL EVENT & ONLINE EVENT CÓ GIỮ VAI TRÒ DÀI HẠN TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP SỰ KIỆN?
Tất nhiên, chúng ta cần chấp nhận các event online là một điều bắt buộc khi chúng là lựa chọn duy nhất , có tổ chức vẫn tốt hơn là không có gì. Và sau này khi sự kiện được tổ chức trở lại, những người tham dự có muốn trải nghiệm thêm các yếu tố kỹ thuật số được tích hợp vào các sự kiện trực tiếp hay không?
Việc chuyển đổi lên các nền tảng số sẽ gia tăng, ví dụ như livestream, sẽ trở nên là giá trị gia tăng không thể thiếu cho các sự kiện trực tiếp. Các Apps dành riêng cho các sự kiện lớn, nơi mà khán giả có thể tham gia tương tác, trải nghiệm trò chơi, nhận thông tin hay giao lưu với ngôi sao sẽ giúp cho live event tiếp cận được nhiều người hơn.
Ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số sẽ phát triển và tồn tại trong ngành sự kiện. Nhưng với việc phát triển lâu dài, các giải pháp này như là một sự tăng cường chứ không thể thay thế các sự kiện trực tiếp.
VÌ SAO VIRTUAL & ONLINE EVENT SẼ LÀ MỘT THỊ TRƯỜNG NGÁCH
Thị trường dịch chuyển đã bắt buộc các nhà tổ chức tìm nhiều giải pháp để có thể tổ chức được sự kiện. Việc đẩy nhanh các giải pháp về Virtual Event & Online Event đã giúp cho một số khách hàng đón nhận như là một giải pháp thay thế tốt và chứng minh hiệu quả bằng việc tiếp cận được nhiều người hơn thông qua các số liệu trực tuyến. Tuy nhiên, đây vẫn là một mảng thị trường ngách chứ không thể là công cụ chủ lưc của các event agency, vì các yếu tố sau:
1. THIẾU ĐI TRẢI NGHIỆM KHÁN GIẢ
Với event online, trải nghiệm lớn nhất của khán giả là trước một thiết bị phát (như TV, laptop, màn hình LED….) để được xem, tương tác với sân khấu đang được diễn ra. Việc trải nghiệm này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đường truyền, chất lượng hình ảnh, âm thành đầu phát ….. để quyết định cảm xúc người xem.
Nếu chỉ đơn thuần là các buổi hội nghị, hội thảo, bán hàng hay đào tạo, việc này có thể chấp nhận được. Nhưng những hoạt động cần nhiều hơn sự gắn kết khán giả, truyền tải thông điệp nhiều hơn thì với các sự kiện online, điều này gần như không thể thực hiện được.
Mọi người sẽ thiếu đi rất nhiều trải nghiệm, đặc biệt là sự kết nối , tương tác với các khán giả hay khách mời
2. KHÔNG CÓ TRẢI NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG
Việc được đi đến một không gian mới, một sảnh được trang trí bắt mắt, một triển lãm hoành tráng hay một đại nhạc hội hiện đại…. là một trong những cảm hứng lớn nhất của các khán giả live events.
Khán giả không được trải nghiệm một không gian sự kiện hoành tráng thật sự
Không được trải nghiệm không gian, âm thanh ánh sáng màu sắc tại hiện trường, không được kết nối với người khác….. là điều sẽ giết chết cảm xúc của tất cả khán giả khi xem các event online, dù cho event có hấp dẫn và nhiều ngôi sao trình diễn trong cùng một khung hình….
3. KHÔNG PHẢI AI CŨNG GIỎI THÍCH NGHI CÔNG NGHỆ
Khi nói đến công nghệ, sự quen thuộc là yếu tố then chốt. Việc mở Youtube hay Facebook lên để xem phát trực tiếp một sự kiện có thể vẫn là một việc đơn giản. Tuy nhiên, khi bắt đầu có nhiều tính năng hơn như tham gia vào Zoom, tải App, hoặc tạo ra một hội thảo trên web với nhiều tùy chọn các phòng hội nghị…. việc tham gia vào các sự kiện này sẽ trở nên khó hơn với một số người.
Đối với một số người, việc sử dụng công nghệ không đơn giản nhất là với các apps chuyên dụng
Đó là chưa kể đến việc phải duy trì kết nối, duy trì theo dõi xuyên suốt sự kiện cũng là một cản trở đáng kể. Nghiên cứu cho thấy, hơn 70% số người rời khỏi màn hình trực tuyến sau khoảng 15 phút đầu tiên tham gia, ngoại trừ các sự kiện hấp dẫn như các trận thi đấu thể thao.
4. NGÂN SÁCH ĐẦU TƯ KHÔNG CAO
Các loại hình sự kiện trực tuyến luôn không có ngân sách đầu tư cao, ngoại trừ một số sự kiện bán hàng đặc thù như của Alibaba tại Trung Quốc hay Lazada, Shoppe tại Việt Nam có ngân sách đầu tư siêu khủng.
Sự kiện Lazada Supershow 11.11
Còn lại các sự kiện khác, ngân sách đầu tư luôn dao động chỉ bằng 1/3 hay 1/2 so với mức độ đầu tư cho các sự kiện trực tiếp.
Không có gì đáng ngạc nhiên, phần lớn các nhãn hàng/khách hàng đã cho biết rằng họ có kế hoạch chi tiêu ít hơn cho các sự kiện trong thời kỳ dịch bệnh và suy thoái như hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai gần, khoảng 2/3 mong đợi rằng họ sẽ trở lại mức ngân sách bình thường (hoặc cao hơn) sau khi các chương trình vắc xin đã được thực hiện đầy đủ và rộng rãi. Những kết quả này không chỉ phản ánh sự thừa nhận rằng các sự kiện trực tiếp tốn kém hơn các lựa chọn thay thế kỹ thuật số mà còn đáng để đầu tư thêm.
5. ÁP LỰC THỰC HIỆN
Các sự kiện này thường có thời gian chuẩn bị tương đối ngắn, do đó việc đầu tư về hình ảnh, sân khấu ảo, hiệu ứng….. sẽ gặp nhiều hạn chế. Việc thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào các thiết bị quay hình, cũng như khả năng quay phim, ánh sáng, góc hình của DOP…..Việc này dẫn đến chất lượng đầu ra có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn của nhà tổ chức.
Sự kiện trực tiếp đòi hỏi sự tập trung cao độ & áp lực cho cả #EventEkip
Và dù tổ chức trực tiếp, hoặc ghi hình trong một không gian phim trường ảo, do không có quá nhiều khán giả đang xem… nên áp lực của việc thực hiện của sẽ tương đối giảm bớt. Những sự kiện được ghi hình trước hoàn toàn có thể làm nhiều lần để tạo nên những góc quay đẹp cho các phần trình diễn, sau đó ghép cùng các cảnh trực tiếp như MC dẫn dắt, hay giao lưu ca sĩ để tạo nên bối cảnh phát trực tiếp để đạt hiệu quả hình ảnh cao nhất.
KẾT LUẬN
Như đã nói, trải nghiệm trực tiếp vẫn được coi là chính. Áp lực do đại dịch tạo ra đã giúp các nhà tổ chức đẩy nhanh sự tích hợp giữa trải nghiệm trực tiếp và các tính năng tương tác ảo. Thị trường trực tuyến sẽ phát triển tốt trong tương lai, nhưng sẽ chỉ là một thị trường ngách và là một công cụ tích hợp thêm cho các sự kiện trực tiếp. Vì vậy, nếu các agency muốn đầu tư cho lĩnh vực này, cần tìm hiểu rõ về nhu cầu, mức độ đầu tư cũng như khả năng vận hành lâu dài để đảm bảo mảng kinh doanh này có thể phát triển và trở thành một giá trị tăng cường cho agency của mình.
*** Bài viết là nhận định cá nhân từ việc tham khảo các nghiên cứu trên thế giới và tình hình event thực tế tại Việt.
------------------------------
Bill Nguyen là Đạo diễn & Nhà sản xuất sự kiện, với hơn 17 năm trong kinh nghiệm trong vị trí Nhà Sản Xuất và Tổng Đạo Diễn cho nhiều chương trình sự kiện lớn cấp tỉnh/thành phố và các sự kiện lớn của các nhãn hàng.
Anh là Tổng Đạo Diễn cho Đại Nhạc Hội lớn như: Honda Youth Fest, Vũng Tàu Countdown, Urband Fest….. thu hút hàng trăm ngàn khán giả.
Đạo diễn Bill Nguyen hiện đang làm việc tại VietNam Event Group – VEG và giảng dạy môn Tổ chức sự kiện chuyên nghiệp tại các trường BMG, Kent International College, Đại Học Tôn Đức Thắng, Đại Học Kinh tế tài chính....