Tận dụng nội dung do người dùng sáng tạo để tăng trưởng

Content Marketing ngày càng phổ biến và xuất hiện bất cứ đâu, thế nên khách hàng dường như ngày càng thận trọng với nội dung đến từ thương hiệu và có thể bỏ qua không chút tiếc nuối. Tuy nhiên, có một nguồn nội dung khác đã và đang nhận được nhiều hứng thú và phản hồi, đó chính là nội dung có tính xác thực, được tạo ra bởi tài sản giá trị nhất của doanh nghiệp – khách hàng!

Nội dung do người dùng sáng tạo (User Generated Content – UGC) về cơ bản là bất kỳ nội dung liên quan đến thương hiệu do khách hàng tự nguyện sản xuất. Trải nghiệm tích cực với thương hiệu chính là động lực để khách hàng chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp… UGC nhằm mục đích cung cấp thông tin liên quan thay vì cố gắng bán bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào. Loại hình này có thể bao gồm đánh giá sản phẩm, website, fanpage, các câu hỏi và trả lời của họ hay hình ảnh họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Tận dụng nội dung do người dùng sáng tạo để tăng trưởng

Nội dung do người dùng sáng tạo dường như đã chứng tỏ được vai trò của mình trong chiến lược xây dựng thương hiệu, mở rộng danh sách khách hàng...

Ngày nay, người mua dường như khó tính và yêu cầu cao hơn, họ đòi hỏi thông tin chi tiết, quy trình thực hiện nhanh hơn cũng như nội dung được cá nhân hóa và đây chính là thời điểm hoàn hảo để UGC phát huy lợi thế. Với khả năng cho phép doanh nghiệp khai thác, đánh trúng những “đòi hỏi” trên, UGC chính là giải pháp tối ưu khi chia sẻ khách quan quan điểm của khách hàng, nâng tầm thương hiệu và xây dựng các mối quan hệ bền vững. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới các bạn ba cách đã được kiểm chứng hiệu quả mà bất cứ doanh nghiệp có thể tận dụng “mỏ vàng” nội dung do người dùng sáng tạo để phát triển:

1. Hãy để khách hàng của bạn tự chia sẻ

Người mua hiện nay có xu hướng tin tưởng nội dung từ những khách hàng khác vì với họ, nó có mức độ trung thực và đáng tin cậy cao hơn những gì được thương hiệu tự nói về mình. Trên thực tế, theo một nghiên cứu BrightLocal, 88% người tiêu dùng tin tưởng đánh giá trực tuyến, cao tương đương chia sẻ đến từ bạn bè, người thân của mình.

Chắc chắn sẽ không có gì là xấu khi chia sẻ với thế giới khách hàng của bạn hạnh phúc như thế nào khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là với UGC đề cập tới thương hiệu của bạn. Dành không gian hiển thị rõ ràng đánh giá của khách hàng, hình ảnh và video, các câu hỏi và câu trả lời cho phép người mua tiếp cận ngay tới các thông tin về nhu cầu và mối quan tâm cụ thể của họ. Nội dung người dùng sáng tạo ra có thể được chia sẻ qua các kênh khác nhau, bao gồm email, mạng xã hội cũng như ngay chính trên website của bạn.

Và với hình ảnh của khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ chia sẻ công khai, bạn có thể khiến khách hàng tin tưởng hơn với hình ảnh sản phẩm họ đang quan tâm: trong thực tế, bên ngoài studio cũng như cách sản phẩm đang được sử dụng như thế nào. Điều này ngoài tạo sự sự tin tưởng vào thương hiệu còn làm cho người mua của bạn bị kích thích thêm về sản phẩm và cuối cùng dẫn đến chuyển đổi.

Thương hiệu thể thao Tribesports đã rất thành công khi sử dụng một chiến dịch UGC với hashtag #OwnYourMarks để thu thập hình ảnh của khách hàng sau đó, cho hiển thị trên các trang sản phẩm của họ. Những ảnh do người dùng tạo ra cho thấy sự nhiệt tình của cộng đồng Tribesports và khuyến khích người khác tham gia.

Tận dụng nội dung do người dùng sáng tạo để tăng trưởng

2. Tương tác với khách hàng ngay cả khi họ không mua sắm

Nội dung do người dùng tạo ra là một công cụ mạnh mẽ để nâng cao mức độ tin tưởng của khách hàng và cũng là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng lòng tin trên phương tiện truyền thông xã hội. Thương hiệu được phát triển với tầm nhìn khác biệt trên kênh này nâng cao khả năng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn sẽ là lựa chọn hàng đầu khi họ cần tới. Và khi bạn phát triển những chiến dịch xây dựng một mối quan hệ với khách hàng bên ngoài cửa hàng và website, tỷ lệ khách hàng giới thiệu cho bạn bè và gia đình của họ về thương hiệu cao hơn là điều chắc chắn.

Bằng cách tổ chức một cuộc thi, khuyến khích khách hàng sử dụng hashtag về sản phẩm, dịch vụ trong bài viết về thương hiệu hoặc một sự kết hợp của cả hai, bạn có thể hiểu rõ hơn về sở thích và nhu cầu của họ, đồng thời còn có thể tái sử dụng ở các kênh tiếp thị của bạn.

Một trong những chiến dịch UGC nổi tiếng nhất là cuộc thi Starbucks White Cup. Trong đó, khuyến khích khách hàng của Starbucks sáng tạo theo ý mình để trang trí chiếc cốc trắng in logo của hãng, chụp hình và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội với hashtag #WhiteCupContest. Các thiết kế đoạt giải sẽ được Starbucks sản xuất phiên bản có giới hạn.

Tận dụng nội dung do người dùng sáng tạo để tăng trưởng

Starbucks White Cup là một trong những ví dụ điển hình về nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu khi kết hợp người dùng sáng tạo Content

Bằng cách khuyến khích khán giả thể hiện sự sáng tạo và cá tính của mình, Starbucks đã tạo ra một cuộc trò chuyện xung quanh thương hiệu của họ và thu thập hàng ngàn bức ảnh về thương hiệu thông qua mạng xã hội. Đồng thời, cách làm sáng tạo này cũng khiến khách hàng của họ cảm thấy mình thực sự được coi trọng.

Một cách khác để nâng tầm thương hiệu trên phương tiện truyền thông xã hội là quảng cáo. Mục tiêu chính để mở rộng mức độ nhận diện thương hiệu của bạn và ảnh hưởng đến quyết định mua của khách hàng tiềm năng. Thông thường, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội của thương hiệu sẽ có chút khác biệt với những nội dung tự nhiên khách hàng nhìn thấy trên bảng tin. Tuy nhiên, bằng cách kết hợp UGC, mức độ tin tưởng và thu hút cao hơn, bạn có thể cải thiện chuyển đổi từ đây.

Hãy xem quảng cáo Facebook Peter Manning: hiển thị một bài đánh giá năm sao: hình ảnh của năm ngôi sao, nội dung review ngắn gọn, có liên quan đến trải nghiệm tích cực của khách hàng và dễ dàng khi lướt trên bảng tin Facebook của họ.

3. Tạo dấu ấn về một dịch vụ hoàn hảo

Chia sẻ đánh giá tích cực của khách hàng rất quan trọng để làm nổi bật giá trị thương hiệu cũng như cung cấp dịch vụ khách hàng hoàn hảo. Điều này đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của doanh nghiệp khi SDL thống kê, mỗi trải nghiệm khách hàng thất bại, thương hiệu mất trung bình 65% doanh thu từ những người bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đánh giá tiêu cực cũng xấu. Hiển thị những đánh giá quan trọng trên website sẽ góp phần không nhỏ trong việc chứng tỏ thương hiệu của bạn trung thực và minh bạch. Đây cũng đồng thời là một cơ hội để cho chất lượng dịch vụ khách hàng của bạn tỏa sáng. Trong thực tế, báo cáo của SDI cho thấy, 30% người tiêu dùng nói rằng họ sẽ trở lại với thương hiệu khi nhìn thấy cách thức kinh doanh đã được cải thiện. Trả lời đánh giá tiêu cực đồng thời còn cho phép bạn mở ra một cuộc trò chuyện với khách hàng và cho người mua thấy họ được quan tâm và đánh giá cao.

Trả lời câu hỏi của khách hàng cũng là một cách tuyệt vời để giải quyết các mối quan tâm cụ thể, vốn ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định mua hàng của họ. Bạn có thể trả lời những câu hỏi trực tiếp hoặc bạn có thể tham khảo chia sẻ tương tự của một khách hàng đã mua trước đây để phản hồi. Đề cập câu trả lời tới khách hàng bằng cách tận dụng những khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho phép bổ sung thêm một khía cạnh khách quan, qua đó tăng cường ý thức của cộng đồng xung quanh thương hiệu của bạn.

Nội dung do người dùng sáng tạo khá liên quan và dễ hiểu, bạn có thể tận dụng nguồn tài nguyên quý báu này để phát triển doanh nghiệp. Bởi nó góp phần không nhỏ trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và làm cho trải nghiệm mua sắm trực tuyến được cá nhân hoá nhiều hơn, đồng thời bổ sung thêm giá trị vào các mối quan hệ mà bạn đã xây dựng với khách hàng hiện tại.

* Nguồn: Subiz Live Chat