Mỗi giây có gần 6.000 ly Nescafé tiêu thụ trên toàn cầu
Cứ mỗi giây trôi qua, hơn 5.500 tách cà phê hòa tan Nescafé được thưởng thức trên toàn thế giới. Sự thành công của nhãn hàng cà phê này được viết lên từ lịch sử 75 năm hình thành và phát triển.
Vào năm 1929, ông Louis Dapples, Chủ tịch Tập đoàn Nestlé được công ty cũ là Ngân hàng Banque Française et Italienne pour l’Amérique du Sud giới thiệu một thương vụ khá thú vị. Đó là sau khi Phố Wall sụp đổ, cà phê rớt giá, ngân hàng có rất nhiều cà phê thế chấp không bán được tại các kho chứa ở Brazil. Nestlé nhận được yêu cầu chế biến lượng cà phê này thành "viên cà phê hòa tan" phục vụ người tiêu dùng.
Giáo sư hóa học Max Morgenthaler tham gia cùng các kỹ sư Nestlé tìm giải pháp. Sau 3 năm nghiên cứu, họ khám phá ra rằng cà phê sữa (cà phê trộn với sữa và đường chuyển sang dạng bột) có thể lưu giữ hương vị của cà phê trong khoảng thời gian lâu hơn. Nhưng có một thách thức trong khâu sản xuất là loại bột này không dễ dàng hòa tan được.
Qua thử nghiệm, giáo sư Morgenthaler nhận thấy hương vị cà phê được lưu giữ với loại cà phê sữa có đường hơn là loại không đường. Cà phê lưu trữ được lâu hơn sau khi sấy ở nhiệt độ và áp suất cao. Do đó, ông đã tạo ra một loại hòa tan với đủ lượng tinh bột đường (carbonhydrate).
Một năm sau, ông áp dụng kỹ thuật đặc biệt để chế xuất ra loại bột lưu giữ hương vị cà phê. Thành quả này đã được giới thiệu tới ban giám đốc và các giám đốc kỹ thuật của Nestlé như là những thử nghiệm đầu tiên của cà phê hòa tan.
Ngày 1/4/1938, sản phẩm Nescafé được giới thiệu tại Thụy Sỹ. Nestlé xây dựng dây chuyền sản xuất quy mô lớn chiết xuất và phun sấy cà phê để sản xuất ra Nescafé tại các nhà máy của công ty tại thị trấn Orbe, Thụy Sỹ. Thương hiệu này được đưa vào Anh sau đó hai tháng và vào Mỹ năm 1939. Tới tháng 4/1940, Nescafé có mặt tại 30 nước trên toàn thế giới.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, hơn 3/4 sản phẩm tiêu thụ tại Thụy Sỹ, Anh và Mỹ. Thời hạn sử dụng lâu hơn cà phê tươi giúp cho doanh số của hãng tăng gấp đôi. Nescafé sản xuất với số lượng lớn để cung cấp cho các binh lính Mỹ. Hai nhà máy sản xuất được xây dựng tại Mỹ vào năm 1943 để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh tại đây.
Vào năm 1952, nhà máy Nescafé tại St Menet (Pháp) phát minh ra sản phẩm không cần bổ sung thêm chất bột đường. Trong những năm 1960, sản phẩm đổi bao bì sang dạng hộp kính tại châu Âu và Nhật Bản giúp lưu trữ độ tươi ngon của cà phê. Năm 1965, Sản phẩm mới Nescafé Gold Blend - cà phê hòa tan sấy khô đông lạnh ra đời.
Ngoài Nescafé Decaffeinated, Nescafé Gold Espresso, Nescafé Frappé, Nescafé Cappuccino and Nescafé uống liền, năm 1990, các nhà nghiên cứu phát triển giải pháp độc quyền tự tạo bọt nhằm cải thiện bề mặt của bọt sữa hiện áp dụng cho sản phẩm Nescafé Cappuccino.
Theo ông Carsten Fredholm, người đứng đầu ngành hàng kinh doanh thức uống Tập đoàn Nestlé, sản phẩm đang có mặt tại 180 nước và nhãn hàng này liên tục dẫn đầu ngành hàng thức uống cà phê. Bên cạnh đó công ty cũng đẩy mạnh hoạt động canh tác, thu mua nhằm tạo được chuỗi cung ứng xuyên suốt.
Đơn cử như năm 2010, Nestlé triển khai dự án Nescafé Plan tại thành phố Mexico. Đây là một phần trong khoản đầu tư trị giá 500 triệu Franc Thụy Sỹ vào các dự án cà phê cho tới năm 2020. Kế hoach này tập hợp các mục tiêu toàn cầu nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng cà phê bao gồm việc tăng lượng cà phê thu mua trực tiếp cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê.
Năm 2011, Nescafé Plan được triển khai tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới. Trong suốt 3 năm qua, dự án này đã hỗ trợ cho công tác nghiên cứu đồng thời cung cấp khoảng 3 triệu cây cà phê giống kháng bệnh cho năng suất cao, tổ chức tập huấn canh tác cho khoảng 40.000 lượt nông dân. Nhờ vậy người nông dân có thể tăng 15% thu nhập của mình bằng cách tiết kiệm 30% lượng phân bón và 40% lượng nước tưới bằng việc áp dụng những kỹ thuật canh tác mà Nescafé Plan mang lại.
Nguồn: VnExpress