Brand Updates W11/2021: Phúc Long cho thuê co-working space; Panasonic mua lại công ty phần mềm của Mỹ
Cùng điểm qua các tin nổi bật trong tuần: dịch vụ nước sẵn có là lợi thế của Phúc Long khi lấn sang mảng cho thuê co-working space; kết hợp phần mềm với thiết bị phần cứng giúp nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho Panasonic; Wikipedia sắp tính phí?... Cùng nhiều sự kiện thú vị khác.
Phúc Long lấn sang mảng cho thuê co-working space
Mô hình kinh doanh mới của thương hiệu đồ uống có tên Phúc Long e-Office. Đây là sự kết hợp giữa việc cung cấp không gian làm việc, phòng họp cá nhân với dịch vụ trà, cà phê sẵn có tại cửa hàng. Và e-Office được thiết kế tách biệt với không gian phục vụ chung. Hiện e-Office chỉ được áp dụng tại một số cửa hàng trong TP.HCM.
Được biết, từ đầu năm 2021, Phúc Long liên tục thực hiện các dự án kinh doanh mới nhằm mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu. Chẳng hạn, cuối tháng 1, Phúc Long triển khai mô hình cộng sinh với Vinmart+ tại TP.HCM và bán đồ uống ngay tại bên trong siêu thị.
Panasonic dự kiến mua lại công ty phần mềm của Mỹ
Theo Nikkei Asian Review, Panasonic dự tính mua lại công ty phần mềm Blue Yonder của Mỹ với giá 6,5 tỷ USD. Có thể nói đây là thương vụ lớn nhất của công ty điện tử Nhật kể từ năm 2011. Động thái này giúp Panasonic mở rộng khả năng phần cứng của doanh nghiệp khi kết hợp với phần mềm, cảm biến và các thiết bị khác từ Blue Yonder. Đó là vì việc bán thiết bị dưới dạng thiết bị phần cứng độc lập không có phần mềm sẽ làm giảm giá trị sản phẩm, buộc doanh nghiệp phải hạ giá để duy trì tính cạnh tranh.
Google cắt giảm mức phí hoa hồng của Play Store
Ngày 16/3, Google tuyên bố sẽ cắt giảm mức phí hoa hồng của kho ứng dụng Play Store từ 30% xuống 15%. Mức phí áp dụng đối với 1 triệu USD đầu tiên trong doanh thu hàng năm của các nhà phát triển. Thay đổi này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Động thái của Google nhằm xoa dịu những tranh cãi bấy lâu nay về mức phí hoa hồng quá cao.
Đại diện của Google cho biết việc áp dụng chính sách mới như nhau cho tất cả nhà phát triển là cách tiếp cận công bằng và trợ giúp các nhà phát triển ở mọi quy mô dù lớn hay nhỏ.
Wikipedia sắp tính phí?
Wikimedia Foundation – Tổ chức thành lập website Wikipedia, dự kiến ra mắt dịch vụ tính phí cho các doanh nghiệp có tên Wikimedia Enterprise vào cuối năm 2021. Với phiên bản dành cho doanh nghiệp này, đối tác của Wikipedia sẽ được cung cấp dữ liệu nhanh hơn, theo định dạng mong muốn.
Được biết, bảng kiến thức nền trên kết quả tìm kiếm Google, trợ lý ảo thông minh như Alexa của Amazon hay Siri của Apple đều đang sử dụng dữ liệu miễn phí từ Wikipedia.
Facebook hợp tác với tập đoàn truyền thông lớn nhất nước Úc
Ngày 16/3, tập đoàn truyền thông của Úc News Corp thông báo đạt được thoả thuận hợp tác có thời hạn 3 năm với Facebook. Theo đó, Facebook sẽ trả cho News Corp phí sử dụng các bài báo, tin tức được người dùng chọn đọc trên trang mạng và ứng dụng có thu phí của hãng này.
Ông Robert Thomson – Giám đốc Điều hành của News Corp, nhận định rằng thoả thuận với Facebook là một bước ngoặt trong việc chuyển đổi các điều khoản thương mại cho lĩnh vực báo chí, tạo ra tác động và ý nghĩa đáng kể đối với các nhà xuất bản của Úc.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 2/2021, Facebook đã hoàn tất ký kết với các nhà xuất bản nhỏ hơn của Úc như Solstice Media, Private Media và Schwartz Media. Hai tập đoàn truyền thông lớn khác của xứ sở Kangaroo là Nine và Guardian Australian được cho là vẫn đang trong quá trình thảo luận tích cực với Facebook.
Hãng xe hơi Pháp Peugeot đổi mới logo và nhận diện thương hiệu
Diện mạo mới của thương hiệu được giới thiệu thông qua chiến dịch truyền thông ‘Lions of your time’ của Peugeot. Chiếc đầu sư tử là điểm nhấn của sự thay đổi. Theo đó, các hoạ tiết nổi đặc trưng của logo được thay bằng những nét chìm hiện đại, phù hợp với thời đại số. Logo mới là sản phẩm của đội ngũ thiết kế in-house Design Lab và sẽ được áp dụng đầu tiên trên chiếc Peugeot 308.
Ông Thierry Lonziano – Giám đốc Marketing toàn cầu của Peugeot, chia sẻ: “Logo mới của Peugeot là một phần câu chuyện thương hiệu trong tương lai, và thể hiện được 3 tính từ: Chất lượng cao, vô tận, và phổ quát. Hơn nữa, hình ảnh hiện đại này phản ánh chiến lược sản phẩm mới của thương hiệu là điện khí hoá”.
Nokia bắt đầu chiến lược tái cơ cấu mới với việc cắt giảm 10.000 việc làm
Ngày 16/3, Nokia công bố kế hoạch cắt giảm tới 10.000 việc làm trong vòng 2 năm để tiết kiệm chi phí. Theo đó, tập đoàn viễn thông sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các khả năng như mạng 5G, đám mây và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Trong chiến lược mới công bố vào tháng 10/2020, ông Pekka Lundmark – Giám đốc Điều hành của Nokia cho biết công ty sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để dẫn đầu trong cuộc chiến 5G.
BIDV bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới
Ngày 12/3, ngân hàng BIDV công bố bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm chức vụ Tổng Giám đốc. Ông Lâm gia nhập BIDV từ năm 1997 và giữ nhiều vị trí quan trọng trong mảng quản lý rủi ro tín dụng. Đến năm 2018, ông đảm nhiệm vai trò Phó tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành ngân hàng.
Theo ông Đoàn Thái Sơn – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc bổ nhiệm ông Lâm vào vị trí Tổng Giám đốc sẽ giúp ngân hàng tăng cường năng lực quản trị điều hành. Từ đó nâng cao hiệu quả của chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của BIDV.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp