Bức tranh thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam 2021
Hôm nay mình đọc được tin này khá thú vị về thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam, nên lược lại một vài số liệu hay để chia sẻ với mọi người. Các bạn có thể đọc bài viết đầy đủ ở link này.
FE Credit đứng đầu thị trường với 52% thị phần
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối năm 2020, có tổng cộng 16 công ty tài chính đã được cấp giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường với tổng vốn điều lệ hơn 22.000 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay gồm: FE Credit (7.328 tỷ); SBIC Finance (2.523 tỷ); EVN FC (2.500 tỷ); HD Saison (1.400 tỷ); Tài chính Bưu điện – PTF (1.050 tỷ); SHB Finance (1.000 tỷ)...
Báo cáo của Fiingroup về thị trường cho vay tiêu dùng trong nước cũng ghi nhận tỷ trọng tín dụng tiêu dùng hiện đã chiếm 20,5% tổng dư nợ nền kinh tế, cao gấp 2,5 lần so với năm 2012, tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.
Về thị phần, theo Ngân hàng Nhà nước, FE Credit hiện chiếm hơn 52% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước, bỏ xa đối thủ đứng thứ 2 là Home Credit với 17% và thứ 3 là HD Saison với 11%.
Trong năm 2020, FE Credit đã giải ngân được khoảng 63.000 tỷ đồng cho vay mới, thấp hơn gần 10.000 tỷ so với năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là doanh nghiệp có số cho vay phát sinh mới lớn nhất thị trường.
Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit vào khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu theo tiêu chuẩn VAS là 6,6%, tăng so với mức 5,6% của năm 2019, tương đương giá trị nợ xấu khoảng 4.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, với hơn 16.100 tỷ đồng tổng tài sản đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay khách hàng của HD Saison đạt 14.230 tỷ đồng, tăng 13% so với năm liền trước và chiếm 11-12% thị phần trong nước. Giá trị nợ xấu của công ty tài chính này hiện vào khoảng 826 tỷ, tương đương tỷ lệ 5,8%. Số dư cho vay khách hàng của HD Saison ước tính ở khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.
Một số công ty tài chính mới có hoạt động sôi nổi trên thị trường gần đây cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cho vay lớn như SHB Finance với dư nợ đến cuối 2020 đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 32%.
Bên cạnh đó, nhiều công ty tài chính độc lập tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay nhanh trong năm 2020. Chẳng hạn, EVN FC ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 12.030 tỷ đồng, tăng 22%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại doanh nghiệp này chỉ ở mức 2,46%, thấp hơn rất nhiều nhóm công ty tài chính kể trên.
Tuy nhiên, nếu xét riêng đối tượng vay, số dư cho vay cá nhân tại EVN FC chỉ ở khoảng 900 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dư nợ cho vay toàn công ty. Số dư còn lại đều là các khoản cho vay với tổ chức kinh tế, trong đó nhóm doanh nghiệp Nhà nước và Công ty CP Nhà nước chiếm gần 35% tổng dư nợ. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tại EVN FC thấp hơn nhiều so với nhóm công ty trên.
Cho vay tiêu dùng đem lại hiệu suất lợi nhuận ấn tượng
Nhìn chung, theo nhiều đánh giá, dù cho vay tiêu dùng có rủi ro cao hơn nhiều so với kênh ngân hàng bởi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, thì hiệu suất lợi nhuận mà mảng kinh doanh này mang lại vẫn rất tiềm năng.
NHNN cho biết nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời trong các loại hình tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.
Vào tháng 10/2020, chỉ số ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt lần lượt 2,19% và 10,55%, cao nhất trong các loại hình tổ chức tín dụng. Chỉ số ROA của nhóm công ty này thậm chí cao gấp 2,8 lần nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Đây là lý do nhiều ngân hàng đã đổ tiền để xây dựng các công ty tài chính hoạt động dưới mô hình công ty mẹ con như VPBank – FE Credit; HDBank – HD Saison; SHB – SHB Finance; MBBank – Mcredit...
Về lợi nhuận, năm 2019, FE Credit đã đóng góp 43% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho ngân hàng mẹ VPBank, tương đương hơn 4.400 tỷ đồng. Số liệu năm 2018 cũng vào khoảng 45%, tương đương 4.100 tỷ đồng. Năm 2020, mức đóng góp này giảm xuống 28% nhưng vẫn mang về cho ngân hàng mẹ 3.713 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Báo cáo kết quả kinh doanh của HD Saison tại HDBank cho biết công ty đạt 1.001 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2020, tương đương số thu năm 2019 và chiếm 17% lợi nhuận hợp nhất ngân hàng mẹ. Các năm trước đó, HD Saison vẫn đều đặn đóng góp hơn 20% vào lợi nhuận hợp nhất của HDBank.
Năm 2020, Mcredit thuộc MBBank đạt dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng và mang về 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cuối cùng là EVN FC ghi nhận hơn 900 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với 2019. Khoản lợi nhuận trước thuế công ty này ghi nhận được là 285 tỷ đồng, tương đương năm 2019.