Trở thành marketer từ con số 0 như thế nào? Tất tần tật những điều bạn cần biết
Đây là bài viết tổng hợp nhưng rất chi tiết về con đường để trở thành một người làm marketing, đúng nghĩa là từ con số 0. Marketing hấp dẫn như thế nào? Tại sao công việc này lại “hot” đến vậy? Để bước chân vào lĩnh vực này cần những yêu cầu gì? Những khó khăn và nên bắt đầu từ đâu với marketing?… Tất cả những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bài viết là quan điểm của tác giả Hoàng Hạnh.
Khi ai đó hỏi tôi rằng công việc của tôi là gì, tôi trả lời rằng tôi là một người làm marketing. Khi đó, phản ứng đầu tiên của phần lớn mọi người là cái gật gù “ngành đó bây giờ hot lắm”. Thực tế thì vào thời điểm mà tôi được hỏi câu này vào những năm 2014, cho đến nay thì công việc này vẫn luôn tiềm năng.
Marketing là một trong những hoạt động thiết yếu tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp nhờ vào các chính sách thúc đẩy bán hàng. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê được công bố vào tháng 12/2020, thì số doanh nghiệp thành lập mới là gần 135.000 doanh nghiệp, tương ứng với nhu cầu nhân sự marketing cũng cần mở rộng. Ở một báo cáo mang tính địa phương, theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP.HCM thì dự đoán về nhu cầu nhân sự tại riêng thành phố này đến năm 2025 là 21.600 nhân sự. Những con số này ngay trên thị trường việt Nam đã phản ánh mức độ quan tâm lớn của xã hội tới công việc marketing.
Lý do gì khiến marketing trở thành một công việc hấp dẫn đến vậy?
1. Thu nhập hấp dẫn
Theo số liệu thống kê và phân tích từ Salary Explorer, mức lương của các vị trí liên quan đến marketing tại Việt Nam dao động từ 8.970.000 đồng đến 32.000.000 đồng. Một người làm trong lĩnh vực marketing tại Việt Nam có thu nhập trung bình là 19.300.000 đồng.
Tuỳ theo yêu cầu chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và bằng cấp mà mỗi vị trí trong lĩnh vực marketing lại có mức thu nhập khác nhau. Dưới đây là số liệu tham khảo dựa trên thuật toán trên nền tảng kỹ thuật số và phương pháp thống kê từ các kênh tuyển dụng mà Salary Explorer thực hiện, dự đoán cho năm 2021.
Năm 2019, nếu dựa trên GDP theo sức mua thì thu nhập bình quân trên đầu người tại Việt Nam là 7.000-8.000USD/năm, tương ứng là khoảng 13 đến 15 triệu/ tháng. (Số liệu từ Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia – Bộ Kế hoạch và đầu tư). Tham chiếu với mức thu nhập của lĩnh vực marketing với mức thu nhập trung bình của mọi ngành nghề trong xã hội, thì mức thu nhập của ngành này là tương đối hấp dẫn.
Không chỉ thu nhập từ lương cố định, mà mức tăng lương hàng năm cũng như mức thưởng của các vị trí liên quan đến marketing cũng là lý do khiến tổng thu nhập của các marketer luôn ở mức trung bình cao.
2. Có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm
Ngay từ đầu, tôi đã đưa ra số liệu về thị trường nhân sự cụ thể để bạn hình dung mức độ tiềm năng của thị trường nhân sự trong lĩnh vực này. Đi kèm với những vị trí còn trống là những cơ hội dành cho những sinh viên mới ra trường, hoặc những người muốn chuyển đổi công việc. Bạn chỉ cần hình dung đơn giản, mỗi doanh nghiệp đều phải có một phòng marketing – truyền thông, cơ cấu mỗi phòng ban sẽ thường có tối thiểu 3 vị trí để đảm bảo các công việc chuyên môn. Như vậy với số lượng doanh nghiệp mở mới liên tục, nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này không ngừng tăng lên.
Một thực tế khác, thị trường luôn “khát” những nhân sự chất lượng cao. Nhân lực được đào tạo về marketing chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% yêu cầu về nguồn nhân lực trên thị trường. Có 2 lý do cơ bản để ngành này luôn thiếu nhân sự giỏi đó là:
- Chương trình đào tạo về marketing chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.
- Thách thức của công việc luôn đòi hỏi các marketers phải thay đổi, cập nhật, cải tiến.
Vậy nên, để đánh giá khách quan về mức độ mở của thị trường lao động cho ngành marketing là rất lớn.
3. Cơ hội mở rộng kết nối xã hội
Không thể phủ nhận làm marketing cho bạn cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khác nhau. Trong nội bộ doanh nghiệp, bạn phải tương tác thường xuyên với các bộ phận. Tính chất công việc của marketing gần như có liên quan đến xuyên suốt quá trình vận hành của tổ chức. Giả sử bạn làm marketing cho một nhà hàng, bạn cần nói chuyện với người đầu bếp để biết cách chế biến món thịt cừu nấu chậm hay cách kết hợp giữa rượu vang đỏ với các loại thịt đỏ... Đây là giai đoạn bạn tìm hiểu về sản phẩm.
Bạn cũng cần xin báo cáo thống kê của nhà hàng từ bộ phận kế toán, như nhà hàng đông khách vào thời điểm nào, món gì là món mang lại doanh thu chính, trung bình mỗi hoá đơn có giá trị bao nhiêu... Bạn cũng cần nói chuyện với nhân viên phục vụ, thu ngân để biết thêm về các yêu cầu của khách trong suốt quá trình dùng bữa tại nhà hàng, khách hàng thích dùng thanh toán thẻ hay tiền mặt, khách đi theo nhóm đồng nghiệp hay gia đình... Bạn cũng cần lấy ý kiến từ bộ phận giao hàng để biết rằng món nào sau khi giao tận nhà cho khách vẫn giữ được độ mềm, độ ấm, còn món nào thì nhiều rủi ro hơn...
Người làm marketing cần kết nối, tìm hiểu, nghiên cứu và ngoại giao với các tầng lớp công chúng khác nhau để mở rộng cơ hội tiếp cận với khách hàng.
Ngoài phạm vi doanh nghiệp, người làm marketing cần kết nối, tìm hiểu, nghiên cứu và ngoại giao với các tầng lớp công chúng khác nhau, các nhóm đối tượng khác nhau để mở rộng cơ hội tiếp cận với khách hàng. Bạn cần làm việc với Sở Công thương để gửi công văn thông báo hoặc đăng ký chương trình khuyến mại. Bạn cũng cần xin phép ban quản lý của trung tâm thương mại, của đơn vị vận hành toà nhà... nếu nhà hàng của bạn toạ lạc bên trong những cơ sở cho thuê bất động sản. Hoặc khi bạn muốn thực hiện các chương trình marketing kết hợp, giữa nhà hàng của bạn với một thương hiệu khác , thì bạn sẽ cần phải giao tiếp, đàm phán chủ động với bộ phận marketing của các thương hiệu đối tác... Bạn cũng sẽ cần kết nối với các KOLs nổi tiếng để quảng bá cho thương hiệu nhà hàng của mình.
Làm marketing, bạn cần tương tác hiệu quả và thường xuyên với nhiều đối tượng khác nhau. Điều đó tạo cơ hội cho bạn mở rộng mối quan hệ xã hội một cách nhanh chóng.
4. Môi trường làm việc cởi mở, năng động
Khá nhiều doanh nghiệp tạo cơ chế mở cho riêng phòng ban marketing/ truyền thông. Thậm chí bạn còn có thể cảm nhận rõ đặc quyền này nếu như bạn làm việc trong những lĩnh vực yêu cầu sáng tạo cao như công nghệ, hoặc các agency. Bạn có thể đến văn phòng lúc 9 giờ sáng, trong khi bạn bè của bạn ở những ngành nghề khác đã phải yên vị tại văn phòng trước 8 giờ. Bạn cũng có thể được mặc những bộ quần áo rực rỡ hoặc phá cách theo sở thích thay vì những bộ đồ công sở gò bó kiểu “công nhân cổ trắng”. Sự sáng tạo, phá cách, cá tính mạnh mẽ là điều mà các doanh nghiệp yêu cầu từ bộ phận marketing, vì thế những nhà quản lý chấp nhận những cá tính này trong doanh nghiệp của mình.
Marketers được nhìn nhận như những người thông minh, nắm bắt xu thế, làm chủ công nghệ, dự đoán được xu hướng tiêu dùng.
Nhìn từ bề ngoài thì những điều này thật sự thoải mái, những hình xăm, tóc nhuộm màu chói sáng, quần cộc áo phông, giờ giấc linh hoạt, đồ ăn vặt trong giờ làm việc... Có ai mà không thích một tuổi trẻ được làm những công việc đầy sáng tạo và ngẫu hứng?
5. Được nâng cấp bản thân liên tục
Thách thức công việc đòi hỏi con người phải liên tục cập nhật, dung nạp kiến thức mỗi ngày, học hỏi những công nghệ hiện đại... khiến cho ngay cả bản thân những người làm marketing cũng tự cảm thấy được nâng cấp tốt hơn. Trong dòng chảy thông tin, công nghệ, việc làm chủ những điều này khiến công việc marketing thật sự hấp dẫn, các marketers được nhìn nhận như những người thông minh, nắm bắt xu thế, làm chủ công nghệ, dự đoán được xu hướng tiêu dùng. Nghe thì cũng thú vị đấy chứ?
Đọc đến đây, chắc bạn đang cảm thấy vô cùng thiện cảm với công việc này đúng không? Thu nhập tốt, cơ hội việc làm nhiều, quảng giao, môi trường làm việc cởi mở, liên tục nâng cấp bản thân... Và bạn cũng cảm thấy đầy hào hứng để đi theo con đường này?
Thế nhưng, Marketing lại là một công việc yêu cầu cao và đào thải khốc liệt.
Dĩ nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức! Nhưng hãy tin tôi, người đã tồn tại gần 10 năm trong lĩnh vực này, khẳng định rằng đây là công việc mà một khi bạn đã làm thì bạn sẽ rất say mê, và những thành quả nó mang lại cũng rất xứng đáng với nỗ lực bền bỉ. Điều quan trọng đó là, bạn cần biết rốt cuộc thì công việc này cần những yêu cầu gì, và bạn có phù hợp – cũng như là bạn có sẵn những tiềm năng – để quyết định có nên bước vào con đường trở thành một marketer hay không.
Những kỹ năng mà một người làm marketing cần có
Trước tiên, để tôi làm rõ quan điểm của tôi trước khi liệt kê các kỹ năng này. Bạn có thể thấy một nhân sự viết nội dung mạng xã hội, hay một nhân sự chạy quảng cáo Facebook ngồi trong phòng marketing của một doanh nghiệp, họ tự giới thiệu là làm marketing. Điều đó không có gì sai! Nhưng tôi muốn mở rộng hơn khái niệm của một người làm marketing và không giới hạn vị trí chuyên môn cụ thể. Người làm marketing ở đây là bao gồm rất nhiều những vị trí khác nhau, có thể là người xây dựng website, người viết nội dung, người SEO từ khoá, người điều phối chiến dịch… Mục đích của việc làm rõ này là để cho người đọc, ngay cả khi chưa bước chân vào lĩnh vực này, cũng có thể hình dung một cách chung nhất các yêu cầu của công việc marketing.
Trong số hàng triệu kết quả tìm kiếm mà bạn được trả về trong vài giây trên Google, bạn sẽ thấy các tiêu đề rất kích thích như “10 kỹ năng sống còn của các Marketers”, “50 kỹ năng cần thiết của các Marketers hiện đại”… thì danh sách dưới đây được khảo sát và nghiên cứu sâu từ 500 các nhà tiếp thị chuyên nghiệp và các tài liệu học thuật, nên tôi cho rằng có khả năng khái quát hoá cao, khách quan và nghiêm túc.
Nhóm các kỹ năng mềm
- Khả năng thích nghi trước những thay đổi không báo trước
- Sự đam mê
- Sự tò mò, khao khát khám phá
- Tính cách cởi mở
- Sự hợp tác
Nhóm các kỹ năng theo bề rộng
- Kỹ năng nghiên cứu và phân tích trải nghiệm khách hàng
- Nhạy cảm với số liệu
- Thích ứng đa kênh
- Yêu thích hoặc hiểu biết về công nghệ
- Có tư duy chiến lược
Nhóm các kỹ năng theo bề sâu
- Chuyên môn về mobile marketing
- Kỹ năng về sản xuất nội dung tiếp thị
- Kỹ năng nghiên cứu và phân tích website
- Kỹ năng về truyền thông mạng xã hội
- Kỹ năng quản lý cộng đồng
(Nguồn: Econsultancy – tháng 2/2019)
Nên bắt đầu từ đâu?
1. Hiểu lý do bạn muốn học marketing
Những lý do mà marketing trở thành một ngành nghề hấp dẫn không đồng nghĩa với lý do mà bạn lựa chọn marketing để trở thành công việc, hoặc cao hơn là sự nghiệp. Hãy thành thật với bản thân mình! Không ai có thể khuyên bạn nên lựa chọn ngành này hay không, chỉ có bạn mới thực sự hiểu mình muốn gì. Tuy nhiên, ở vai trò khách quan, tôi nghĩ rằng việc trả lời những câu hỏi sau sẽ giúp bạn tự nhận thức sâu sắc mong muốn của bản thân trong lựa chọn nghề nghiệp:
- Bạn nghĩ rằng bạn có thể làm được những nghề gì? Làm tốt nhất nghề gì?
- Trong số những nghề đó, có marketing hoặc có liên quan đến marketing hay không?
- Bạn nghĩ rằng bạn có làm lâu dài với công việc marketing hay không?
- Bạn có biết bất kỳ rủi ro hoặc điều bất hạnh nào mà bạn nghĩ khi bạn làm công việc marketing hay không? Nếu có, bạn nghĩ rằng có cách nào để phòng ngừa những điều đó hay không?
Nếu bạn chưa thực sự biết về khái niệm marketing, công việc của một người làm marketing là những gì... thì bạn có thể tìm hiểu thêm về marketing căn bản tại đây. Bạn sẽ chẳng biết được điều mà bạn dấn thân có thực sự phù hợp với cá nhân bạn hay không khi mà bạn chưa có đủ thông tin về nó. Hành trình nào cũng vậy: biết – hiểu – hiểu sâu sắc – hành động.
2. Học trường gì?
Theo báo cáo về mức lương của Salary Explorer thì bằng cấp có ảnh hưởng đến mức thu nhập của một người làm marketing tại Việt Nam. Một số trường đại học tại Việt Nam có các khoa đào tạo chuyên ngành về marketing cụ thể như:
Tại Hà Nội:
- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)
- Đại học FPT
- Trường đại học Thương mại (TMU)
- Trường Đại học Quốc tế RMIT Hà Nội
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT)
Tại TP.HCM:
- Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM)
- Trường Đại học Kinh tế – Tài chính (UEF)
- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
- Đại học Kinh tế – Luật (UEL)
- Trường Đại học Quốc tế RMIT TP.HCM
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT)
Đây là một số trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành marketing. Ngoài ra, một số trường đại học khác thuộc khối ngành kinh tế cũng có các học phần tự chọn liên quan đến marketing, sinh viên ra trường vẫn có thể thích ứng với những yêu cầu của công việc. Các trường đó là Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính, hoặc các trường kinh tế khác.
3. Nếu bạn đang có kinh nghiệm ở một chuyên môn hoàn toàn khác và muốn bắt đầu với marketing?
Nếu bạn không học một trong các trường đại học trên thì sao? Liệu bạn có cơ hội để bắt đầu công việc thú vị này? Câu trả lời dĩ nhiên là có.
Kiến thức chuyên môn chỉ là một phần trong những kỹ năng bắt buộc mà một marketer cần có. Những kỹ năng khác như kỹ năng mềm, hoặc kỹ năng bề rộng hoàn toàn có thể tự thân rèn luyện.
Mặc dù yếu tố học vấn nền tảng, bằng cấp là yếu tố được coi trọng đặc biệt. Tuy nhiên, tin vui cho những bạn không được đào tạo đúng chuyên ngành marketing nhưng vẫn muốn đi theo con đường này đó là, rất nhiều marketer thành công có xuất phát điểm trái ngành. Vì sao lại vậy? Đó là vì, với các kỹ năng mà tôi liệt kê bên trên, thì kiến thức chuyên môn chỉ là một phần trong những kỹ năng bắt buộc mà một marketer cần có. Những kỹ năng khác như kỹ năng mềm, hoặc kỹ năng bề rộng hoàn toàn có thể tự thân rèn luyện.
Có một thực tế diễn ra khi nhiều bạn có vài năm kinh nghiệm ở một chuyên môn khác, nhận ra yêu thích với marketing và muốn bắt đầu. Theo tôi, rào cản lớn nhất chính là bản thân bạn có quyết tâm để bắt đầu hay không mà thôi. Bởi vì, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều mối liên quan giữa marketing và một ngành nghề cụ thể. Ví dụ, bạn yêu thích marketing nhưng lại có kinh nghiệm về thời trang, hoặc bạn có chuyên môn sư phạm ngoại ngữ, hoặc bạn có đam mê lớn với gym, yoga, hay belly dance... Hãy coi đây là một lợi thế đặc biệt của bạn so với các marketer khác không có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi.
Một người làm marketing am hiểu về thời trang sẽ hiểu biết ngôn ngữ thời trang, các tỷ lệ vàng trên cơ thể, sẽ biết cách kết hợp màu sắc để thu hút người đối diện, sẽ biết vấn đề và “nỗi đau” của những khách hàng để thuyết phục họ mua hàng. Các lĩnh vực khác cũng vậy. Thậm chí, với những ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu như dược phẩm, thì việc bạn được đào tạo bài bản về dược là một lợi thế mạnh mẽ mà các nhà tuyển dụng muốn chiêu mộ bạn về. Vì với lĩnh vực này, nhãn hiệu cần người biết về marketing, nhưng lại đặc biệt am tường về kiến thức đặc thù liên quan đến sức khoẻ. Dĩ nhiên, thời gian mà một dược sỹ cần bổ túc kiến thức về marketing sẽ ít hơn thời gian mà một người làm marketing phải đi học về dược.
Nếu bạn trong hoàn cảnh này, thì bạn có thể theo học các khoá học ngắn hạn về tư duy marketing căn bản. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ các khoá nền tảng để có cái nhìn rộng, trước khi quyết định sẽ đi sâu vào kỹ năng cụ thể nào.
Các khoá học tại các trung tâm thường sẽ là hình thức offline, hoặc nếu theo hình thức online cũng sẽ là trực tuyến, giáo viên và học viên sẽ thống nhất lịch học và lên lớp qua video call hoặc các nền tảng tương tự. Lợi thế của khoá học kiểu này là bạn có thể tương tác với giáo viên một cách trực tiếp. Nhưng bù lại, chi phí khoá học thường tương đối cao.
Các khoá học được chuẩn bị trước với tài liệu được quay sẵn, học viên tham gia bất kỳ thời gian nào tuỳ ý. Cách này bạn chủ động thời gian, học phí rẻ, bù lại bạn sẽ không tương tác trực tiếp với giảng viên ngay tại thời điểm. Khắc phục điểm này, bạn có thể đặt câu hỏi ngay trên phần bình luận của khoá học, hoặc inbox cho giảng viên để được trợ giúp.
Những quyển sách về marketing cơ bản bằng tiếng Việt mà bạn có thể tìm đọc:
- Nguyên lý tiếp thị – Philip Kotler – Gary Amstrong
- Chiến lược đại dương xanh – W. Chan Kim
- Kế hoạch Marketing trên một trang giấy – Allan Dib
- Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo – David Ogilvy
- Marketing giỏi phải bán được hàng – Sergio Zyman
- Marketing du kích trong 30 ngày – Jay Conrad Levinson- Al Lautenslager
- Inbound Marketing – Brian Halligan – Dharmesh Shah
- Marketing cho bán lẻ – Bob Negen – Susan Negen
4. Bắt đầu từ agency hay client?
Sẽ thật khôn ngoan khi bạn đặt câu hỏi này trước khi bạn quyết định bước chân vào agency hay client. Thực tế môi trường đó như thế nào? Có những yêu cầu và lợi ích gì? Trong bài viết Lựa chọn Agency hay Client khi bắt đầu, tôi đã phân tích khá chi tiết và dẫn chứng bằng câu chuyện thật của mình, bạn cũng có thể tham khảo để đưa ra góc nhìn khách quan từ các thông tin số liệu mà tôi cung cấp trong bài viết. Để tóm gọn, nếu ưu tiên cơ hội học hỏi, môi trường cởi mở, bạn chưa biết mình sẽ tham gia công việc marketing trong lĩnh vực gì, bạn muốn làm quen đa dạng các ngành nghề thì agency là lựa chọn hợp lý, nếu bạn coi trọng sự gắn bó, ổn định và đã biết mình thực sự thích làm marketing trong lĩnh vực gì thì hãy bắt đầu từ môi trường client.
5. Định hướng công việc phù hợp: T-Shaped | I-Shaped | Full-stack marketer?
T-Shaped Marketer:
T-Shaped Marketer là người có kiến thức rộng về các chủ đề khác nhau và trình độ chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể.
Thanh dọc trên chữ T thể hiện mức độ chuyên sâu của các kỹ năng và kiến thức chuyên môn liên quan trong một lĩnh vực, trong khi thanh ngang là khả năng cộng tác giữa các bộ môn với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác và áp dụng kiến thức trong các lĩnh vực chuyên môn khác với chuyên môn của mình. Khái niệm này xuất phát từ T-shaped trong lĩnh vực tuyển dụng.
Ví dụ, bạn biết về social media, hiểu về data analytics, biết cơ chế vận hành của paid media, và kỹ năng nổi trội nhất của bạn là content marketing thì bạn có thể hình dung những kỹ năng trên là thanh ngang của chữ T trong T-Shaped. Với kỹ năng chuyên sâu nhất là sản xuất nội dung, bạn sẽ kết hợp các hiểu biết từ các kỹ năng trên để sản xuất nội dung cho kênh mạng xã hội, bao gồm: đặt tiêu đề thu hút độc giả, cấu trúc bài đăng ngắn gọn nhưng hiệu quả, kết hợp nội dung bằng văn bản với các định dạng visual thu hút (hình ảnh, video, âm thanh...) đưa ra các kêu gọi hành động mạnh mẽ. Bạn biết cách dịch chuyển nội dung từ Facebook, sang Instagram, TikTok, Twitter... một cách hiệu quả.
I-Shaped Marketer
I-Shaped Marketer là mức độ cao hơn của T-Shaped Marketer. Họ có một nền tảng được xây dựng dựa trên các năng lực và kinh nghiệm cần thiết, vừa đảm bảo chiều rộng lẫn chiều sâu.
Full stack marketer
Khái niệm này xuất phát từ full stack developer để nói về những lập trình viên có kỹ năng sâu và rộng, có thể đảm đương gần như hầu hết mọi vai trò khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Thực tế thì số người đáp ứng được nhưng yêu cầu này khá hiếm hoi, rõ ràng là vậy.
Tôi cần quan tâm đến những mô hình phức tạp này để làm gì?
T-shaped, I-shaped, Full stack marketer đều là những cấp độ cao của một người làm marketer. Nhưng những mô hình kiểu như thế này giúp bạn xác định được cách mà bạn bắt đầu với marketing. Bạn có thể lựa chọn để bắt đầu theo bề ngang trước, làm quen tất cả những kỹ năng chuyên môn cần có, sau đó lựa chọn một kỹ năng mà bạn có khả năng, đào sâu vào kỹ năng đó, hoặc ngược lại, bạn bắt đầu từ một kỹ năng có sẵn, rồi mở rộng với những nhóm kỹ năng khác để có cái nhìn tổng quan hơn (Mô hình T-Shaped). Trong quá trình làm việc, bạn củng cố các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, điều phối, làm việc nhóm, đánh giá và quản lý chất lượng... (mô hình I-Shaped). Mô hình Full stack tôi chưa có nhiều quan sát thực tế nên tạm thời chưa có đánh giá.
Lời kết
Cả bài viết, tôi đã đưa các bạn đến hành trình để bắt đầu bước chân vào con đường marketing đầy thú vị và trái ngọt. Nhưng đạo đức nghề nghiệp cũng nhắc nhở tôi rằng nên nói đến những điều khó khăn có thể lường trước, nếu bạn mới chỉ háo hức, chứ chưa hiểu hết được những khắc nghiệt của công việc này. Bạn sẽ phải đối mặt với những chiến dịch thất bại thảm hại, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của công ty hoặc của chính bạn cho các quảng cáo mạng xã hội. Bạn có thể sẽ rất nản khi xây dựng một chiến lược nội dung đến “7749” lần nhưng vẫn không được duyệt. Bạn sẽ rơi vào bất lực hoặc thất vọng ê chề nếu như các chỉ số marketing đẹp như một nàng thơ nhưng không mang về doanh thu bán hàng cho công ty như kỳ vọng. Bạn cũng sẽ phân vân và dằn vặt khi đứng trước những lời đề nghị hoa hồng hấp dẫn từ agency và bản cam kết chống tham nhũng đã ký với doanh nghiệp. Hoặc may mắn lắm bạn mới thoát khỏi cuộc tranh đấu truyền kỳ giữa bộ phận marketing và bộ phận kinh doanh trước ban lãnh đạo... Có thể là rất nhiều những phức tạp khác nữa.
Nếu bạn cảm thấy có một chút e ngại khi tôi đề cập đến những điều này, tôi khuyên bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi bắt đầu. Tính cách của những người làm marketing đa phần đều rất quyết liệt, một khi họ đã xác định mục tiêu là sẽ bằng mọi cách để thực hiện và mang về kết quả tốt nhất. “Tính mục tiêu” cũng là bài học lớn nhất mà tôi nghiệm ra khi trở thành một người làm marketing.
Còn nếu bạn vẫn có niềm tin mạnh mẽ để bước vào con đường này, thì thật tuyệt vời, hãy bắt đầu như cách mà các marketer tuyên chiến với những mục tiêu. Có điều, quyết liệt nhưng cần có bản lĩnh, và chẳng có cách nào bồi đắp bản lĩnh bền vững hơn là trở nên hiểu biết hơn. Hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ, học để hiểu và tư duy về nó mỗi ngày. Chúc bạn thành công!