Dự báo Thị trường Smart home Việt giai đoạn 2021 - 2025

GlobalWebindex liệt kê Việt Nam vào TOP 10 thị trường nổi bật về Smart home (Nhà thông minh). Những số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường khác cũng chỉ ra sự tăng trưởng tất yếu về quy mô ngành hàng ngay cả khi dịch COVID-19 có những tác động to lớn tới mọi mặt cuộc sống.

Dự báo về quy mô thị trường Smart home Việt giai đoạn 2021 – 2025 theo số liệu của Statista

Statista là công ty của Đức về nghiên cứu thị trường với nền tảng chứa hơn 1.000.000 thống kê về hơn 80.000 chủ đề từ hơn 22.500 nguồn và 170 ngành khác nhau.

Theo báo cáo công bố trong giai đoạn 2019 – 2020, Statista dự đoán thị trường Nhà thông minh tại Việt Nam sẽ đạt doanh thu 225,3 triệu đô vào năm 2021 và 330,4 triệu đô vào năm 2022. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất được công bố cuối 2020, những số liệu này đã có sự thay đổi vì những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19. Cụ thể, doanh thu Nhà thông minh tại thị trường Việt Nam được dự đoán sẽ lần lượt đạt mức 183,9 triệu đô vào 2021, 251 triệu đô vào 2022 và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 449,1 triệu đô vào 2025.

Dự báo Thị trường Smart home Việt giai đoạn 2021 - 2025

Những số liệu của Statista chỉ ra rằng, quy mô thị trường Smart home Việt sẽ vẫn ngày càng mở rộng, cộng hưởng cùng với xu thế phát triển chung trên thế giới. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ kìm hãm sự “giãn nở” của thị trường Smart home nói chung. Thực tế này xuất phát từ tâm lý e ngại và dè dặt hơn của người tiêu dùng trong quyết định chi trả cho những sản phẩm phần nào còn mới mẻ và cần giáo dục thị trường như Smart home.

Thị trường thiết bị thông minh riêng lẻ sẽ “đi nhanh hơn” Smart home

Smart Home (hay Nhà thông minh), bản thân nó vẫn là một thuật ngữ cần được cắt nghĩa và giải thích nhiều hơn tới khách hàng. Và một trong những cách giải thích đơn giản nhất được nhiều nhãn hàng sử dụng là “Nhà thông minh là ngôi nhà cho phép chủ nhân điều khiển toàn bộ các thiết bị điện bằng Smartphone và giọng nói”. Cách giải thích này đề cập đến việc chúng ta có thể điều khiển riêng lẻ các thiết bị điện, ví dụ như bật đèn bằng Smartphone, đóng rèm bằng giọng nói… Tuy nhiên, tính năng tự động hoá, hay tạo kịch bản sống bằng cách kết hợp các thiết bị thông minh hoạt động đồng thời mới là tính năng đặc sắc và toàn diện nhất khi nói đến Nhà thông minh.

Nhưng trên thực tế tại thị trường Việt Nam, người dùng có xu hướng quan tâm đến các thiết bị thông minh riêng lẻ hơn là một hệ thống nhà thông minh toàn diện.

Theo ghi nhận số liệu từ kết quả tìm kiếm hàng tháng trên Google, thay vì tìm kiếm Smart home hay Nhà thông minh, người dùng có xu hướng tìm kiếm những thiết bị thông minh riêng lẻ như Đèn thông minh, khoá cửa thông minh, rèm thông minh, … Cụ thể, chỉ tính trong năm 2020, lượng tìm kiếm trung bình về đèn thông minh và khoá thông minh lần lượt cao gấp 3 và 2,5 lần lượng tìm kiếm về Smart home nói chung. Điều này một phần phản ánh về độ thâm nhập của các sản phẩm riêng lẻ có phần trội hơn so với một hệ thống toàn diện về Nhà thông minh.

Dự báo Thị trường Smart home Việt giai đoạn 2021 - 2025

Các thiết bị Nhà thông minh Việt ngày càng có chỗ đứng trong thị trường nội địa

Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại theo định hướng hội nhập quốc tế. Mạng Internet phát triển giúp người dùng có nhiều công cụ để tự mình tìm hiểu, so sánh và đánh giá tính năng, nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị thông minh.

Những yếu tố này tạo điều kiện những công ty Nhà thông minh đưa các sản phẩm "Make in Việt Nam" tiếp cận nhiều người dùng hơn. Mặc dù là quốc gia đi sau, nhưng nhiều công ty Việt đã tận dụng lợi thế của người đi sau là kế thừa và phát triển dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ trước đó, tạo ra các sản phẩm thông minh của người việt như Nhà thông minh Lumi, Javis, BKAV,…

Dự báo Thị trường Smart home Việt giai đoạn 2021 - 2025

Ông Ông Nguyễn Đức Tài – CEO Nhà thông minh Lumi, đơn vị Nhà thông minh Việt xuất sắc nhất do người tiêu dùng bình chọn năm 2020 cho rằng “Thiết bị thông minh Make in Việt Nam là lợi thế, nhưng cũng chứa đựng những rào cản khi tiếp cận khách hàng. Nhiều khách hàng họ không tin vào công nghệ Việt. Bản thân chúng tôi là những kỹ sư Việt đôi khi cũng có phút chạnh lòng vì những nghi ngờ của người dùng. Chúng tôi tôn trọng suy nghĩ của khách hàng, nhưng đồng thời cũng nỗ lực hơn để thay đổi định kiến đó. Và đến bây giờ, có thể nói rằng tuy chưa xoá bỏ hết nghi ngại, nhưng với sự cố gắng của cộng đồng làm Smart home, người dùng cũng đã chấp nhận và tin tưởng những thiết bị thông minh Make in Việt Nam…”

Sở hữu hệ thống quản lý, server đặt tại Việt Nam, đồng thời làm chủ về công nghệ lõi, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, những công ty Nhà thông minh Việt có thể đem đến một trải nghiệm trọn vẹn hơn cho người dùng. Đặc biêt, đối với Nhà thông minh là một ngành hàng còn cần phải giáo dục thị trường nhiều, thì những công ty Việt tiếp tục chứng tỏ ưu thế trong khâu lắp đặt, cấu hình và bảo hành cho khách hàng. Vì lẽ đó, người dùng ngày càng có thiện cảm hơn với các thiết bị thông minh “Make in Việt Nam”.