Tất tần tật về hợp tác với Grab Food – Bạn có biết?
Chưa có thời điểm nào mà các ông bà chủ, quản lý kinh doanh ngành F&B quan tâm đến nhu cầu giao hàng tận nơi như lúc này do lo ngại tình hình dịch bệnh, dẫn đến tỷ lệ tìm kiếm các nền tảng delivery tăng đáng kể.
Bài viết là chia sẻ của Mr. Đỗ Duy Thanh.
Với những kinh nghiệm thông qua việc hợp tác với Grab Food, tôi xin chia sẻ với các bạn những thuận lợi và thách thức khi hợp tác với nền tảng giao – nhận này.
1. Mô hình delivery phù hợp với mô hình kinh doanh nào?
Không phải cứ kinh doanh ẩm thực là bạn đều có thể phát triển kênh delivery vì phát triển được hay không phụ thuộc vào phong cách và định vị món ăn bạn đang kinh doanh. Bạn cần trả lời những câu hỏi sau để đảm bảo mức độ phù hợp:
- Đồ ăn/ thức uống của bạn phải thưởng thức nóng/ nguội/ lạnh?
- Chi phí nguyên vật liệu và lợi nhuận gộp trên từng đơn vị đồ ăn/ thức uống là bao nhiêu?
- Việc di chuyển đồ ăn/ thức uống ra khỏi cơ sở kinh doanh có đảm bảo giá trị sử dụng khi tới tay khách hàng?
- Bạn có đủ nguồn lực để đảm bảo vận hành phục vụ khách tại chỗ và delivery?
- Bạn có đội ngũ giao hàng riêng? Hay cần hợp tác với một đơn vị trung gian?
- Nếu có đội ngũ giao hàng nội bộ thì làm cách nào để quản lý hiệu suất công việc của họ và doanh thu từ kênh delivery có đảm bảo để bạn duy trì đội ngũ giao hàng nội bộ này?
- Nếu hợp tác với đơn vị trung gian thì làm sao đảm bảo hàng hoá đến tay khách hàng đúng như khách sử dụng tại chỗ? Đơn vị trung gian tính phí hợp tác thế nào? Người giao hàng có đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng như định vị thương hiệu của bạn?
- Việc tổ chức vận hành từ truyền thông thúc đẩy bán hàng – nhận đơn hàng – kiểm tra đơn hàng – tổ chức ra đơn hàng – tổ chức giao hàng sẽ như thế nào? Bạn có phải bổ sung nguồn lực để vận hành việc này?
- Chính sách giá tại chỗ và delivery sẽ như thế nào, có chênh lệch nhiều không?
- Khách hàng của bạn mong muốn điều gì? Thương hiệu – Tiện lợi – Khẩu vị – An toàn – Sức khoẻ...?
- Khách hàng đặt hàng để sử dụng ngay hay khách có đủ điều kiện để tái chế biến?
- Khách hàng có sẵn sàng thanh toán chi phí vận chuyển không?...
Một số gợi ý cơ bản để trả lời các câu hỏi trên:
- Với mô hình F&B trung và cao cấp: Bạn nên tự tổ chức đội ngũ giao nhận riêng (nếu đủ tiềm năng và nguồn lực) vì chỉ như vậy bạn mới kiểm soát được định chuẩn dịch vụ, chủ động được chính sách giá, tối ưu hoá nguồn lực.
- Với mô hình chuỗi có thương hiệu và độ phủ tốt: Bạn có thể cân nhắc thiết lập kênh giao hàng nội bộ hoặc hợp tác với đơn vị trung gian nhưng nhớ thương lượng mức chiết khấu tốt nhất vì chính sách chiết khấu dành cho bạn sẽ tốt hơn mô hình nhỏ lẻ.
- Với mô hình ẩm thực đơn lẻ, thương hiệu chưa mạnh, mô hình mới tham gia kinh doanh: Bạn nên cân nhắc hợp tác với đơn vị trung gian. Hãy nhớ có 2 loại đơn vị trung gian:
- Một là, đơn vị giao nhận hàng hoá thuần tuý như Ahamove, Grabexpress..
- Hai là, ứng dụng đặt và giao hàng ẩm thực như Grab Food, Gofood, Now...
- Những loại đồ ăn/ thức uống sau ít khuyến khích giao đi vì giá trị sử dụng bị ảnh hưởng qua quá trình vận chuyển:
- Đồ uống: Các món nước pha chế có nền là đồ uống có ga (CO2), các món đồ uống có tạo hình décor đẹp, các món pha chế kiểu phân tầng, các món cocktail (thường định giá cao)...
- Thức ăn: Các món ăn cao cấp, các món ăn phải sử dụng nóng ngay sau khi chế biến, các món ăn chế biến theo phương thức áp chảo: beefsteak, cá hồi áp chảo...
2. Thuận lợi khi hợp tác với Grab Food
- “Buôn có bạn, bán có phường” – Bạn sẽ có mặt trên một “đại siêu thị ẩm thực” và tiếp cận với lượng khách hàng cực lớn.
- Bạn không phải quản lý và duy trì đội ngũ giao hàng nội bộ với chi phí lớn.
- Grab được sở hữu và vận hành bởi đội ngũ nhân sự khá bài bản nên khi bạn hợp tác với Grab, mô hình kinh doanh của bạn cũng được học hỏi từ họ khá nhiều, đặc biệt nếu mô hình của bạn là nhỏ lẻ.
- Dĩ nhiên còn nhiều thuận lợi khác chờ đón bạn.
3. Thách thức khi hợp tác với Grab Food
- Grab như một đại siêu thị nên thách thức với bạn là làm sao để thương hiệu bạn xuất hiện trước mắt khách hàng để có cơ hội đặt hàng cao.
- Grab sau vài năm thao túng thị trường với chiến lược giảm giá nên khách hàng đã có thói quen mua hàng giảm giá. Câu hỏi đặt ra là nếu bạn không giảm giá thì liệu bạn có được xuất hiện lên top đầu để chạm đến khách hàng? Nếu bạn giảm giá thì có xung đột với giá sử dụng dịch vụ tại chỗ?
- Tâm lý rất nhiều cơ sở kinh doanh nâng giá cao sau đó giảm giá, liệu bạn có chạy theo cách thức đó?
- Xuất hiện chung với cả thế giới ẩm thực, cao có, thấp có, liệu bạn có đang đảm bảo định vị thương hiệu của mình? Bạn phải ra quyết định giữa thúc đẩy doanh thu hay đảm bảo định vị lâu dài?
- Mức chiết khấu trên doanh thu dành cho đối tác liệu có đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm của bạn?
- Bạn không tiếp cận trực tiếp khách hàng và không kiểm soát được chất lượng sản phẩm tại thời điểm giao nhận, nên việc khách hàng để lại những đánh giá tiêu cực sẽ khiến bạn mất đi lượng khách lớn ngay cả trên Grab và có thể ảnh hưởng cả ở bên ngoài.
- Việc đối thủ cạnh tranh cố tình trở thành khách hàng sau đó review sản phẩm bạn “dở tệ”, không đảm bảo VSATTP có thể khiến bạn bị khoá tài khoản vĩnh viễn.
Và những thách thức khác bạn sẽ cảm nhận được sau khi hợp tác.
4. Những thông tin cần biết và việc làm cần thiết cần chuẩn bị cho việc hợp tác
4.1. Thông tin cần biết
- Chiết khấu 20-25% trên đơn giá cuối bán ra qua Grab Food không bao gồm phí giao hàng.
- Thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng.
- Tài xế sẽ đến lấy hàng và không thanh toán tiền.
- Tiền sẽ được Grab Food thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng trong vòng 3 ngày làm việc sau khi phát sinh đơn và thanh toán theo ngày (không tính thứ 7, chủ nhật, ngày lễ).
- Nếu khách dùng tiền mặt, tiền sẽ được công ty Grab chuyển lại sau 2 ngày làm việc.
- Nếu khách dùng tiền điện tử, tiền sẽ được công ty Moca chuyển lại sau 1 ngày làm việc.
- Số tiền cửa hàng nhận được đã trừ đi chiết khấu.
- Giá ở cửa hàng và giá ở trên ứng dụng Grab Food là như nhau, chênh lệch tối đa 5.000 đồng/1 món ăn nếu có đóng hộp mang về.
- Theo dõi đơn và nhận đơn hàng qua ứng dụng Grab Merchant trên điện thoại Androi có hệ điều hành 6.0 trở lên. Không sử dụng hệ điều hành iOS, máy vi tính và các thiết bị khác.
4.2. Thông tin chuẩn bị để đăng ký
- Tên các cửa hàng
- Địa chỉ các cửa hàng
- Email đăng nhập ứng dụng và nhận thông tin của Grab, lưu ý mỗi cửa hàng phải đăng ký 1 Email khác nhau và chỉ sử dụng các email có đuôi @gmail.com
- Họ tên chủ cửa hàng
- Số điện thoại của người đứng ra làm việc với Grab và số điện thoại của mỗi cửa hàng
- Thời gian bán hàng
- Tên chủ tài khoản ngân hàng chính chủ của người ký. Nếu Nguyễn Văn A ký hợp đồng, thì chỉ được chuyển khoản cho Nguyễn Văn A chứ không thể chuyển tiền cho người khác. Nếu đăng ký dưới hình thức công ty thì chỉ chuyển tiền về số tài khoản của công ty
- Số tài khoản, Ngân hàng, Chi nhánh
- Ảnh Đăng ký kinh doanh (nếu có)
- Ảnh CMT/ CCCD/ Hộ chiếu 2 mặt
- Ảnh mặt tiền cửa hàng có địa chỉ trên biển hiệu (fanpage/ ảnh quán trên các app khác đối với các cửa hàng bán hàng online)
- Ảnh khu vực chế biến đồ ăn – khu vực ra đơn cho tài xế
- Menu – hình chụp giấy viết tay hoặc bảng excel
- Ảnh toàn bộ các món ăn có trong menu (tối thiểu 2 tấm hình làm ảnh bìa)
Mr. Đỗ Duy Thanh