“Wellness” không còn là của riêng giới thượng lưu
Theo nhà sáng lập GOCO Hospitality, “wellness” không nhất thiết tồn tại ở spa mà còn hiện diện chung quanh ta như bầu không khí, nước uống, ánh sáng tự nhiên...
Dành thời gian hay chi phí cho wellness (chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần) đang ngày càng phổ biến. Các khu vực spa, tiện ích wellness tại các khách sạn tầm trung hay khu trị liệu tại sân bay ngày càng gia tăng. Giờ đây trị liệu chỉ cần 20 phút thay vì 1 giờ như trước kia, kể cả chi phí cũng chỉ còn ở mức tầm 20USD thay vì 100USD.
Sự khởi đầu của quá trình “dân chủ hoá wellness” chủ yếu dựa trên ý tưởng: Trị liệu cả về mặt thể chất lẫn tinh thần không nên chỉ bắt đầu, kết thúc ở spa và không nên là lĩnh vực độc quyền của giới thượng lưu.
Wellness cũng rất cần thiết cho những người có kinh phí eo hẹp như công nhân, hay những người kinh doanh có rất ít thời gian và tiền bạc nhưng lại có quá nhiều sự căng thẳng. Ngoài ra, khách du lịch tiết kiệm sẽ là nhóm người ưu tiên cho việc chăm sóc sức khoẻ của bản thân hơn là một bữa ăn đắt tiền hoặc tour du lịch vào kỳ nghỉ hàng năm của họ.
Báo cáo của Skift năm 2019 chỉ ra rằng hình thức du lịch wellness đang phát triển nhanh gấp đôi so với du lịch toàn cầu. Những khách du lịch theo hình thức này có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, dao động ở mức từ 50 đến 180% so với những địa điểm du lịch non-wellness. Điều này dẫn đến wellness trở thành một phân khúc thị trường hấp dẫn trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú.
Sau đây là chia sẻ của ông Ingo Schweder – Nhà sáng lập kiêm CEO của GOCO Hospitality về vấn đề Wellness và cách các thương hiệu vận dụng đặc tính này vào ý tưởng của họ. Được biết, GOCO Hospitality là công ty quản lý, phát triển và tư vấn thiết kế, vận hành ý tưởng về khách sạn wellness và spa.
Trước hết, ông cho rằng ngày nay, hầu hết spa quảng cáo đến khách hàng những công nghệ được cho là “mới” nhưng thực chất đều có nguồn gốc truyền thống lâu đời về mặt lịch sử, và chưa bao giờ là lĩnh vực độc quyền của giới thượng lưu. Chẳng hạn như Y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda, Y học cổ truyền Trung Quốc và Liệu pháp Vi lượng đồng căn.
Ông cho biết thêm: “Yoga và bài tập hít thở chỉ là một phương thức khác của Ayuveda. Còn điều trị bằng phương pháp áp lạnh Cryotherapy và xử lý nhiệt (thermal) hoạt động dựa trên các nguyên tắc tương tự như Frigidarium và Laconicum của La Mã cổ đại từ 2.000 năm trước.
Những liệu pháp này chỉ là sự tái xuất hiện ở xã hội hiện đại. Tuy nhiên, chúng được sử dụng nhiều bởi phần lớn nhà tiêu dùng thượng lưu và bị mờ nhạt dần đối với tầng lớp trung lưu.”
Khi được hỏi liệu trào lưu này có đang trở lại, ông nhanh chóng khẳng định: “Trào lưu này đang đến đúng nơi, đúng thời điểm khi nhân loại ngày càng đề cao vấn đề chăm sóc sức khoẻ bằng việc ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục, và hiểu biết về dinh dưỡng”.
Suối nước nóng Glen Ivy ở California được triển khai bởi GOCO là một minh chứng. Đây là nơi cung cấp dịch vụ wellness cho nhiều đoàn khách, với mức chi tiêu trung bình chỉ 150USD cho cả ngày – bao gồm cả đồ ăn và massage. Họ tự gọi mình là “khu nghỉ dưỡng dành cho mọi người”.
GOCO phá vỡ mọi giới hạn, cung cấp những dịch vụ theo mục tiêu đề ra bởi các tập đoàn khách sạn. Chẳng hạn dự án lên concept và thiết kế sản phẩm dịch vụ spa cho 7 khách sạn ở Dubai của tập đoàn Emarr Hospitality. Ông Ingo phát biểu: “Tôi tin rằng nhiều tập đoàn khách sạn khác sẽ tham gia vào ‘không gian dịch vụ vô giới hạn’ này, cho phép khách hàng của họ thoải mái tận hưởng dịch vụ spa”.
Tuy nhiên, ông còn lên án một số khách sạn cố mang lại điều được cho là wellness: “Về nguyên tắc, tôi thích dân chủ hoá. Thế nhưng, vấn đề của dân chủ là một khách sạn tầm trung có thể thuê giáo viên yoga hạng hai hoặc chuyên gia trị liệu không có kinh nghiệm. Điều này rất nguy hiểm đối với sức khoẻ của khách hàng”.
“Wellness không nhất thiết phải là trị liệu. Wellness đến ngay từ thực phẩm sạch trong thực đơn hay ánh sáng tự nhiên trong phòng.”
Giải đáp thắc mắc làm thế nào để một khách sạn bình dân có thể kết hợp hài hoà giữa wellness mà không làm tiêu tốn nhiều ngân sách hoặc gây rủi ro cho sức khoẻ của khách hàng, ông giải thích: “Wellness không nhất thiết phải là trị liệu. Wellness đến ngay từ thực phẩm sạch trong thực đơn hay ánh sáng tự nhiên trong phòng”.
Cuối cùng, ông gợi ý cho các thương hiệu sử dụng những tiện ích không tốn nhiều ngân sách như tạo nên bầu không khí vui vẻ, âm nhạc phù hợp, chương trình wellness được lập trình sẵn trên TV, đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật nói chuyện qua điện thoại và xưng hô tên gọi của khách hàng.
Vì theo ông, wellness không chỉ ở spa mà còn hiện diện trong bầu không khí bạn hít thở, nước bạn uống, ánh sáng trong phòng. Không phải lúc nào cũng cần phải xây dựng một cơ sở wellness. Sự cảm nhận về kiến trúc hay chất liệu; những thứ mềm mại mang lại cảm giác nâng niu, chăm sóc chính là nơi tuyệt vời để bắt đầu.