Ngành tổ chức sự kiện và nỗi ám ảnh khi Covid-19 quay trở lại
Ngành sự kiện chỉ vừa khởi sắc với những dấu hiệu tích cực từ loạt sự kiện mùa cuối năm lại phải đối mặt với sự u ám bao trùm khi bóng ma Covid-19 quay trở lại.
Niềm hy vọng vào mùa sự kiện cuối năm
Trải qua một năm đầy biến cố với sự hoành hành của đại dịch covid-19 khiến cho ngành tổ chức sự kiện thiệt hại nặng nề. Với khả năng kiểm soát dịch tương đối tốt từ chính quyền và các cơ quan chức năng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự kiện đã từng bước được phép tổ chức trở lại, mang đến niềm hy vọng le lói cho những người làm trong ngành sự kiện.
Những ngày cuối năm cũng là thời điểm hoạt động rộn ràng nhất của các công ty tổ chức sự kiện trong năm với nhiều sự kiện lớn như lễ tổng kết cuối năm, tiệc tất niên, tiệc họp mặt, … Đây là các hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tổng kết lại các thành tựu đã đạt được trong năm qua, công bố những mục tiêu và định hướng cho thời gian sắp tới. Đồng thời đây cũng là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp tôn vinh và tri ân đến những người đã nỗ lực hết mình để cống hiến trong suốt một năm đầy khó khăn và thử thách.
Nhưng dường như sự xuất hiện trở lại của các ca nhiễm covid-19 trong cộng đồng đang là hồi chuông cảnh báo cho những khó khăn tiếp theo sẽ phải đối mặt với ngành sự kiện.
Khi bóng ma Covid-19 quay trở lại trong mùa cao điểm
Trong tình hình số ca nhiễm tăng nhanh đột biến, một loạt giải pháp được chính phủ và các cơ quan chức năng thực hiện nhằm hạn chế sự lây lan của dịch. Trong mọi tình huống, an toàn và sức khỏe của mọi người đều trở thành ưu tiên hàng đầu.
Tại Tp.HCM, Thành ủy đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Theo đó, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cùng với phát triển kinh tế – xã hội từ nay cho đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, các lễ hội và tăng cường kiểm tra xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.
Đối với ngành tổ chức sự kiện, đã có một số doanh nghiệp thông báo hủy các sự kiện nhằm đảm bảo an toàn cho khách mời tham dự. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng tránh dịch cũng được thực hiện nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, … Riêng với các sự kiện đã được lên kế hoạch tổ chức vào thời gian cao điểm sát Tết, bài toán đặt ra cho các công ty tổ chức sự kiện vẫn đang là một câu hỏi lớn.
Lối đi nào cho ngành sự kiện trong năm 2021?
Đó sẽ là một lựa chọn khó khăn ở hai phía, doanh nghiệp và cả đơn vị tổ chức sự kiện. Ở thời điểm này, tất cả các hạng mục chính của sự kiện như địa điểm tổ chức, sản xuất – thi công, thiết kế – trang trí, tiết mục biểu diễn… đều đã được chuẩn bị sẵn sàng. Do đó, nếu hủy toàn bộ sự kiện sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các bên liên quan. Nhưng nếu vẫn tiếp tục tổ chức thì nguy cơ lây lan là rất cao và có thể để lại những hệ lụy khó lường.
Một giải pháp đã được thực hiện thành công trên thế giới trong suốt mùa dịch vừa qua có thể được xem xét là tổ chức sự kiện trực tuyến. Tuy vẫn có những hạn chế nhất định về khả năng tương tác và kết nối, cũng như sự lệ thuộc vào đường truyền và tốc độ mạng, đây vẫn là phương án có tính an toàn cao.
Bên cạnh đó, xu hướng tổ chức sự kiện hỗn hợp (Hybrid event) cũng là một lựa chọn cho nhà tổ chức. Theo đó, sự kiện sẽ được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp với số lượng người tham dự hạn chế và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội, đồng thời vẫn được tổ chức trực tuyến để một bộ phận người tham dự có thể dễ dàng theo dõi ngay tại nhà.
Một lần nữa, tiến trình chuyển đổi số lại tiếp tục được thúc đẩy, mở ra cánh cửa cho các công ty tổ chức sự kiện để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến ngày một phức tạp hơn và vaccine vẫn chưa được tiêm phòng rộng rãi trong nước, chỉ những doanh nghiệp chuyển đổi đủ nhanh mới có thể tồn tại và sống sót.
Nguồn: FS Event