NielsenIQ: Tiêu dùng tại nhà sẽ thúc đẩy doanh số FMCG trong dịp Tết cổ truyền 2021
Trong bối cảnh các buổi tiệc ngày Tết dự kiến được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, các nhà bán lẻ và công ty sản xuất có thể khuyến khích người tiêu dùng (NTD) tiếp tục các truyền thống lễ hội yêu thích của mình thông qua các chương trình khuyến mãi hiệu quả và hấp dẫn.
Tại nhiều thị trường Châu Á trọng điểm, Tết Nguyên đán là lễ hội mang về doanh thu lớn nhất đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đồ uống, rượu, sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ gia dụng tăng cao trong dịp này.
Trong những năm trước, nhu cầu chi tiêu lễ hội đã thúc đẩy doanh số bán hàng đạt mức tăng trưởng hai con số tại các thị trường như Trung Quốc Đại lục (tăng 33%), Hồng Kông (tăng 27%), Malaysia (tăng 32%) và Việt Nam (tăng 15%).
Năm nay, các gia đình và bạn bè sẽ tiếp tục cùng nhau ăn mừng Tết, nhưng với các buổi tiệc được tổ chức ở quy mô nhỏ hơn, do những thách thức từ dịch COVID-19 như các biện pháp ngăn cách xã hội, các hoạt động thương mại bị hạn chế và đóng cửa biên giới.
“Mặc dù các buổi tiệc có thể im ắng hơn, Tết cổ truyền vẫn sẽ thúc đẩy đáng kể doanh số FMCG. Bằng việc dự đoán và thích ứng với những nhu cầu thay đổi của NTD, các nhà sản xuất và bán lẻ đang có cơ hội đặc biệt tạo điều kiện cho NTD tiếp tục truyền thống lễ hội yêu thích của mình trong thời kỳ đại dịch”, bà Didem Sekerel Erdogan, Phó Chủ tịch cấp cao khu vực APAC & APAC & EEMEA, Intelligent Analytics, NielsenIQ cho biết.
Theo truyền thống, Tết là thời điểm gia đình và bạn bè quây quần bên đồ ăn và thức uống đón chào năm mới. Trước thềm lễ hội, các hộ gia đình và doanh nghiệp dành nhiều thời gian và công sức vào việc dọn dẹp nơi ở và làm việc nhằm loại bỏ những năng lượng xấu của năm cũ để mở đường cho những khởi đầu mới đầy hứa hẹn.
“Chúng tôi tin rằng những phong tục Tết đã được kiểm chứng qua thời gian như trên sẽ tiếp diễn dù trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, chúng sẽ khác hơn về hình thức và quy mô cũng nhỏ hơn. Ví dụ, việc nấu ăn tại nhà cho những buổi tối sum họp dự kiến sẽ gia tăng vì các gia đình tránh những nhà hàng đông đúc. Mặc dù các buổi tụ tập xã hội quy mô nhỏ có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của đồ uống có cồn, dự kiến NTD sẽ ưu tiên chọn chất lượng hơn số lượng, do đó ưa thích các thương hiệu cao cấp”, bà giải thích.
Bà nói thêm rằng thói quen chi tiêu sẽ khác nhau giữa NTD chi tiêu khó khăn (bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch) và NTD chi tiêu tiết chế (ít bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch).
“NTD chi tiêu khó khăn sẽ hướng tới những mặt hàng có kích thước đóng gói nhỏ, tiết kiệm cùng với các chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn, trong khi đó NTD tiết chế sẽ chọn những mặt hàng cao cấp để tận hưởng Tết Tân Sửu trọn vẹn hơn. Điều này tạo ra cơ hội hiếm hoi cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phục vụ cho người mua sắm ở cả hai phân khúc”, bà nhận xét.
Doanh số FMCG chịu tác động bởi quy mô và những hạn chế liên quan đến đại dịch tại mỗi quốc gia
Tác động của dịch COVID-19 đến doanh số FMCG dịp Tết sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia, tuỳ thuộc vào mức độ hạn chế của từng thị trường và tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và việc làm. Tại các thị trường khá an toàn như Trung Quốc đại lục, với một vài đợt bùng phát nhỏ, đại dịch đang được kiểm soát với rất ít hạn chế được áp dụng, ngành hàng FMCG dự kiến sẽ mang về doanh thu lễ hội lớn hơn so với năm ngoái.
Ngược lại, ở những thị trường đang trải qua đợt đại dịch thứ ba hoặc thứ tư như Malaysia, các lễ kỷ niệm sẽ im ắng hơn do các quy định của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Thu hút hầu bao của người tiêu dùng với các chương trình khuyến mãi hiệu quả
“Không có một cách tiếp cận chung phù hợp cho tất cả thể loại khuyến mại, vì người tiêu dùng sẽ phản ứng khác nhau đối với các chương trình khuyến mãi ở các ngành hàng khác nhau.”
Các nhà sản xuất và bán lẻ thường đầu tư mạnh vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá trong các dịp lễ hội như Tết Nguyên đán. Các chương trình kích cầu này, là một trong những cách hiệu quả nhất thúc đẩy doanh số, đôi khi có thể dẫn đến “lãng phí khuyến mãi” – khi mà các thương hiệu thua lỗ vì các chương trình khuyến mãi không hiệu quả.
Theo bà Sekerel Erdogan, không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều được tạo ra giống nhau. “Không có một cách tiếp cận chung phù hợp cho tất cả thể loại khuyến mại, vì người tiêu dùng sẽ phản ứng khác nhau đối với các chương trình khuyến mãi ở các ngành hàng khác nhau. Ví dụ: Ở Trung Quốc, ngành hàng chăm sóc cá nhân như sữa rửa mặt và kem đánh răng có doanh số tăng hơn khi chúng được khuyến mãi cùng nhau, điều này lại không đúng đối với ngành hàng thức ăn nhẹ, được tiêu thụ nhiều hơn khi giảm giá”.
Vì vậy, để tối đa hoá khả năng bán hàng dịp lễ hội, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải xem xét lại chiến lược khuyến mãi của mình và đảm bảo họ đang quảng bá đúng sản phẩm, sử dụng đúng cơ chế khuyến mãi và đúng giá để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua sắm Tết Nguyên đán.
Người tiêu dùng yêu thích khuyến mãi sẵn sàng chi tiêu dịp Tết
Mặc dù một bộ phận NTD mua sắm Tết với ngân sách hạn chế do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch, những NTD khả năng tài chính ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ tận dụng cơ hội này để tự thưởng cho mình trong mùa lễ hội bằng việc mua sắm các sản phẩm cao cấp.
NTD khả năng tài chính ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ tận dụng cơ hội này để tự thưởng cho mình trong mùa lễ hội bằng việc mua sắm các sản phẩm cao cấp.
“Một số ngành hàng mang tính chất chiều chuộng bản thân như bia và sô cô la rất nhạy với khuyến mãi, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đạt được doanh số bán hàng gia tăng trong lễ hội. Ví dụ, ở Malaysia, bia và rượu thời thượng là một trong những ngành hàng có doanh số tăng thêm khi được khuyến mại trong dịp Tết. Các thương hiệu sô cô la cũng được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi về giá. Tuy nhiên, dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng đây là một danh mục thường chưa được áp dụng khuyến mãi đúng mức và do đó không đạt được mức tăng doanh số xứng tầm”, bà Sekerel Erdogan cho biết.
Ngoài ra, các nhà sản xuất và bán lẻ cũng nên thiết kế các chương trình khuyến mại đặc biệt cho các danh mục quà tặng cao cấp như bào ngư, tinh chất gà, yến sào và rượu vì những NTD chi tiêu tiết chế có thể có thêm ngân sách để mua sắm do các bữa tiệc được thu nhỏ.
Việt Nam: Đại dịch tác động đến công ăn việc làm khiến người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm đáng đồng tiền
Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết đoàn viên và là lễ hội lớn nhất Việt Nam. Thời điểm này trong năm người lao động trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình và bạn bè. Đây cũng là lễ hội điển hình trong lịch hoạt động của ngành hàng FMCG tại Việt Nam, khi mà doanh số FMCG tăng cao hơn 12-15% so với thời điểm không có lễ hội và chiếm gần 20% tổng doanh số FMCG của cả năm.
Các mặt hàng phổ biến trong dịp Tết là đồ uống, bia, bánh quy và bánh nướng, đồ ăn nhẹ, và cà phê, với mức tăng trưởng sản lượng từ 10% đến 50% tuỳ loại.
Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và hiện tại không có hạn chế nào được áp dụng. Tuy nhiên, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực chính này đã dẫn đến mất việc làm và gia tăng số lượng NTD chi tiêu khó khăn.
Richard Thomas, Giám đốc bộ phận Intelligent Analytics, Nielsen IQ tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù không có hạn chế nào được áp dụng, nhưng chúng tôi tin rằng tác động của đại dịch đối với việc làm sẽ dẫn đến việc NTD cân nhắc chi tiêu và sẽ trả giá nhiều hơn. Tại Việt Nam, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quà tặng miễn phí và giảm giá trực tiếp là các chương trình khuyến mãi được tìm kiếm nhiều nhất. Do đó, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên lưu ý điều này khi hoạch định chiến lược khuyến mãi của mình”.