Kantar – FMCG Monitor 1/2021: Mua sắm trực tuyến cho FMCG tăng trưởng mạnh mẽ
Báo cáo FMCG Monitor 1/2021 mới nhất của Kantar tổng hợp và cập nhật những xu hướng phát triển hậu giãn cách xã hội của ngành hàng FMCG tại 4 Thành Phố chính và Nông thôn Việt Nam.
Mặc dù đang trên đà phục hồi tốt, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều cơ hội cũng như thách thức.
1. Tình hình kinh tế Việt Nam
Nhờ ứng phó tốt với đại dịch từ những ngày đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam duy trì được kết quả khả quan trong năm 2020. Dù GDP ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là một sự thành công so với các nước khác, một phần nhờ vào CPI được kiểm soát cùng với sự phục hồi nhanh chóng của doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng.
2. Triển vọng kinh tế trong năm 2021
Triển vọng tích cực của nền kinh tế giúp thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, hoạt động M&A tăng tốc với sự góp mặt của Việt Nam trong top 20 quốc gia có chỉ số M&A cao nhất. Bên cạnh đó, làn sóng số hoá cũng như sự gia tăng chuyển đổi kỹ thuật số thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của các yếu tố đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế như phương tiện kỹ thuật số, thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt...
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Việc đóng cửa biên giới vẫn có tác động đáng kể đến thương mại, chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng và du lịch. Người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu do những bất ổn, lạm phát và lo ngại tài chính cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở các thành phố trọng điểm. Bên cạnh đó là một một số vấn đề liên quan đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, và năng lực của lực lượng lao động.
3. Toàn cảnh bức tranh FMCG
FMCG trong năm 2020 ghi nhận mức tăng mạnh hơn ở cả khu vực thành thị 4 TP chính và nông thôn Việt Nam, chủ yếu là do tác động của COVID-19. Tuy nhiên trong ngắn hạn, tăng trưởng đang có xu hướng trở lại mức bình thường trước đại dịch.
4. Tăng trưởng theo ngành hàng
Nhìn chung các ngành hàng đều cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt so với năm 2019, với thắng lợi đáng kể của thực phẩm đóng gói. Ngành đồ uống tuy chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn duy trì con số tích cực ở khu vực thành thị, trong khi đó vẫn khó khăn để phục hồi ở nông thôn.
5. Ngành hàng tiêu biểu
Tương ớt ghi nhận tăng trưởng đáng chú ý cho tiêu dùng tại nhà nhờ vào tính tiện lợi như một sản phẩm được “làm sẵn”. Ngành hàng thành công trong việc thu hút thêm nhiều người mua mới cũng như gia tăng khối lượng tiêu thụ tại nhà.
6. Toàn cảnh thị trường bán lẻ
Online, siêu thị mini và các mô hình nhà thuốc kết hợp (Medicare, Guardian...) tiếp tục dẫn đầu mức tăng trưởng FMCG ở khu vực thành thị. Trong khi đó, các kênh khác bắt đầu tăng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm trong quý IV/2020. Siêu thị hay đại siêu thị cũng tăng chậm lại có thể do nhu cầu dự trữ giảm.
7. Tiêu điểm
Mua sắm trực tuyến cho FMCG đang tăng trưởng mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Thương mại điện tử nhanh chóng mở rộng thị phần – khẳng định vị thế trong thị trường bán lẻ trên toàn khu vực Châu Á ở khắp các thị trường lớn nhỏ.
Những nghiên cứu này được dựa trên Worldpanel FMCG. Kantar theo dõi thói quen mua hàng tiêu dùng tại nhà của các hộ gia đình đại diện cho nhân khẩu học trên khắp 4 Thành phố chính (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam, trên hơn 130 danh mục hàng tiêu dùng nhanh, được chia làm 5 ngành hàng chính: Sữa và sản phẩm từ sữa, Thức uống, Thực phẩm đóng gói, Sản phẩm chăm sóc cá nhân, Sản phẩm chăm sóc gia đình.
Kantar là chuyên gia toàn cầu về dữ liệu, nghiên cứu và tư vấn cho doanh nghiệp. Bằng việc kết hợp giữa khả năng thấu hiểu con người cộng với những công nghệ tân tiến, 30.000 nhân viên của Kantar giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới thành công và phát triển.
* Nguồn: Kantar