Sự phát triển nóng và cơ hội bỏ ngỏ của du lịch Việt Nam

Là một người làm trong ngành du lịch, chứng kiến sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam một cách vượt bậc trong các năm từ vỏn vẹn hơn 5 triệu khách năm 2010 đến hơn 18 triệu khách quốc tế năm 2019, tôi tin rằng du lịch Việt Nam đã có một sự khởi đầu tốt nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực trạng hiển nhiên về du lịch Việt Nam

Dù thứ hạng của du lịch Việt Nam có sự cải thiện đáng kể ở mức 63/136, sự khác biệt hóa sản phẩm không cao, kết hợp với sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến các sản phẩm cạnh tranh bằng giá, không được chăm chút tỉ mỉ về mặt chất lượng. Tỉ lệ du khách quay lại Thái Lan sau lần du lịch đầu tiên là 70%, trong khi Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 10%. Điều này đem đến cho tôi nhiều suy nghĩ, liệu du lịch Việt Nam có phát triển bền vững? Trong 10% quay lại kia có bao nhiêu người là kiều bào thăm thân, bao nhiêu phần trăm thực sự đến Việt Nam lại một lần nữa vì mục đích du lịch? Liệu đến một giai đoạn nhất định, người ta sẽ không còn muốn quay lại nước ta nếu họ không thực sự hài lòng về trải nghiệm du lịch mà Việt Nam mang tới?

Rủi ro tiềm ẩn

Nhìn nhận thực tế, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá khứ. Nếu như thống kê của Hiệp hội du lịch Việt Nam là đúng, 18 triệu khách du lịch đến Việt Nam năm 2019 tương ứng với ít nhất 16 triệu 2 trăm nghìn người biết và sẽ không muốn quay lại Việt Nam. Tích lũy cả thập kỷ vừa qua, chúng ta có vài chục triệu khách du lịch một đi không trở lại. Để giải quyết bài toán về chất và về lượng, nước cờ nào cho du lịch Việt Nam trong thập kỷ tới?

Cơ hội trông thấy với du lịch trong thập kỷ tới

Sự trăn trở này dẫn đến cho tôi động lực muốn thay đổi hiện trạng của ngành. Còn quá nhiều lỗ hổng trong việc thiết lập và triển khai các sản phẩm du lịch mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu. Sự thiếu sót này có lẽ không đến từ việc thiếu tâm huyết với sản phẩm. Cá nhân tôi cho rằng, người làm du lịch rất muốn sản phẩm của mình là tốt nhất, dù rất thiếu định hướng và phương pháp triển khai. Trường đại học có rất nhiều giáo trình, tuy nhiên tính thực chiến cũng như sự thay đổi quá nhanh về bối cảnh đã dẫn đến sự lạc hậu trong các tài liệu. Tại thời điểm viết bài viết này, công nghệ đã chiếm vai trò chiến lược trong việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm du lịch.

Khái niệm Digital đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống, giúp nhu cầu con người được giải quyết thuận tiện và rất dễ dàng. Giờ đây chỉ với một chiếc điện thoại kết nối mạng, người du lịch có thể khám phá bất cứ nơi đâu một cách thuật tiện như người bản địa. Giao tiếp đã có Google Dịch, di chuyển đã có Taxi công nghệ (Yandex Taxi ở Nga, Grab ở Đông Nam Á, Ola ở Ấn Độ, Uber thì phủ sóng một lượng lớn các quốc gia), ăn uống đã có Tripadvisor và hàng trăm website review đồ ăn, khách sạn thì Booking, Agoda, Airbnd, Expedia và hàng tram hệ thống đặt phòng toàn cầu.

Không nằm ngoài cuộc cách mạng công nghệ đó, du lịch Việt Nam cần bước chuyển dịch mạnh mẽ hơn, để đảm bảo chúng ta không chỉ không tụt hậu, mà còn nắm bắt cơ hội để vươn lên sánh ngang với các nước phát triển du lịch mạnh mẽ trong khu vực.