MobiFone đáng giá bao nhiêu tỷ USD?
MobiFone được bán cổ phần ra bên ngoài với tỷ lệ bao nhiêu đang là vấn đề được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Duyệt phương án cổ phần hóa MobiFone
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, chiều 31/3, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và tiến hành cổ phần hóa đơn vị này.
Phần còn lại của VNPT tiếp tục củng cố để cả hai cùng mạnh, tiếp tục giữ thương hiệu để phát triển tốt hơn. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình đã thông qua.
Theo Đề án Tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động. Tổng công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động, và MobiFone là một thành viên.
MobiFone có giá bao nhiêu?
Thực ra, câu chuyện cổ phần hóa MobiFone không phải là mới. Theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, MobiFone phải cổ phần hóa, thực hiện bán đấu giá cổ phần.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), đáng lẽ việc cổ phần hóa MobiFone phải được thực hiện từ năm 2006. Nếu khi đó thực hiện được, thì VNPT có thể chiếm 80% cổ phần trong MobiFone. Như vậy, MobiFone không phải trở thành một đơn vị của tổng công ty mới theo phương án tái cơ cấu vừa được phê duyệt.
Thực tế, từ khi thành lập (năm 1993), MobiFone đã nhanh chóng trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho VNPT. Chính vì vậy, khi có thông tin cổ phần hóa MobiFone, hàng loạt tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế đã “ngỏ lời”.
Từ năm 2006, khi MobiFone công bố việc cổ phần hoá, Orange (Pháp) đã bày tỏ mong muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone và bám sát tiến trình cổ phần hóa trong nhiều năm. Nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật, Mỹ, châu Âu cũng rất quan tâm tới việc mua cổ phần của MobiFone.
Trong năm 2013, lợi nhuận của MobiFone được công bố khoảng 6.000 tỷ đồng.
Ông Lê Anh Tuấn, kinh tế trưởng của Dragon Capital cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của MobiFone, bởi viễn thông là ngành có lợi nhuận cao và luôn tăng trưởng tốt. Thực tế, trong năm 2013, lợi nhuận của MobiFone được công bố khoảng 6.000 tỷ đồng.
Với việc phê duyệt phương án cổ phần hóa MobiFone, vấn đề đang được nhiều người quan tâm là, nhà mạng này sẽ được định giá bao nhiêu. Được biết, năm 2009, Tập đoàn Credit Suisse, đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone đã định giá sơ bộ giá trị của nhà mạng di động này là khoảng 2 tỷ USD. Nhưng đến nay, giá trị của MobiFone đã khác rất xa. Nhiều chuyên gia cho biết, chỉ tính riêng giá trị “phần cứng” của MobiFone ít nhất cũng có giá 3 tỷ USD.
Tất nhiên, còn quá sớm để biết chính xác MobiFone được định giá bao nhiêu, bởi quá trình định giá MobiFone sẽ còn mất khá nhiều thời gian. Nhưng điều đã thấy rõ là, MobiFone sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi đây là doanh nghiệp viễn thông 100% vốn nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa.
MobiFone sẽ bán bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước?
Một vấn đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm là, MobiFone sẽ được bán bao nhiêu phần trăm phần vốn nhà nước. Từ nhiều năm nay, MobiFone luôn là “con gà đẻ trứng vàng”, chiếm 50 - 60% lợi nhuận của VNPT, nên việc cổ phần hóa MobiFone thực sự là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp nước ngoài có thể chiếm đến 49% cổ phần trong các doanh nghiệp hạ tầng, mà viễn thông cũng là hạ tầng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc lĩnh vực viễn thông được cổ phần hóa bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán.
Ông Hải cho biết thêm, MobiFone sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 - 2015, hoàn tất chậm nhất vào năm 2016.
Nguồn: Báo Đầu tư