Quảng cáo trên phương tiện giao thông cần lưu ý những quy định gì?
Hiện nay, kênh quảng cáo trên các phương tiện giao thông phát triển vô cùng mạnh mẽ, đi ngoài đường phố, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chiếc xe buýt, xe taxi, xe ô tô dán poster quảng cáo giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Vậy dán quảng cáo trên phương tiện giao thông có cần xin giấy phép hay lưu ý quy định gì không? Cũng như cần những điều kiện về hình thức quảng cáo, trình tự, hồ sơ thông báo như thế nào? Và nếu có vi phạm, mức độ xử lý ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
1. Có những hình thức quảng cáo trên phương tiện giao thông nào tại Việt Nam?
Quảng cáo trên phương tiện giao thông là một phần của quảng cáo ngoài trời, là những hình thức quảng cáo tiếp cận với người tiêu dùng khi họ bước chân ra khỏi ngôi nhà đang sinh sống.
Nhờ những ưu điểm về tính di chuyển linh hoạt, khả năng thể hiện sáng tạo, quảng cáo trên phương tiện giao thông được rất nhiều nhãn hàng ưa chuộng và ưu tiên triển khai trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hay truyền thông các sự kiện, chương trình quan trọng...
Tại Việt Nam, kênh quảng cáo trên phương tiện giao thông phát triển vô cùng mạnh mẽ, với rất nhiều hình thức triển khai tương ứng với các loại hình phương tiện, có thể kể tới:
- Quảng cáo trên xe taxi: cực kỳ phổ biến, với số lượng vô cùng đông đúc, phủ sóng khắp 63 tỉnh thành toàn quốc. Triển khai với các hình thức dán quảng cáo trên 2 cánh cửa sau của xe taxi, dán 4 cánh cửa xe, dán tràn từ cửa sau đến đuôi xe, ngoài ra còn có hình thức quảng cáo tờ rơi/poster hoặc treo màn hình LCD bên trong taxi.
- Quảng cáo trên xe bus: phát triển mạnh tại các thành phố lớn, chưa phủ sóng toàn quốc. Triển khai với hình thức dán quảng cáo trên hai bên sườn xe, có thể tràn lên kính hoặc die-cut lên kính xe. Bên trong xe bus có thể quảng cáo tay cầm tờ rơi hoặc treo màn hình LCD
- Quảng cáo trên xe ô tô cá nhân, xe chạy dịch vụ (GrabCar, BeCar): tương tự với quảng cáo taxi, nhưng chỉ có hình thức dán full 4 cánh cửa xe, bên trong có thể treo tờ rơi/poster hoặc lắp đặt màn hình LCD.
- Quảng cáo trên xe điện (ô tô điện): dán poster quảng cáo trên lưng ghế xe
- Quảng cáo trên xe máy: gắn biển hộp đèn hoặc màn hình LCD trên yên sau xe, hình thức này thường phù hợp với dạng chạy roadshow hơn
- Quảng cáo trên xe khách: tương tự quảng cáo trên xe bus, nhưng quảng cáo trên xe khách hoạt động với phạm vi rộng hơn, hiệu quả tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu cũng thấp hơn
- Quảng cáo trên xe tải: thường được các doanh nghiệp có kho vận với đội ngũ xe tải đông đảo triển khai
- Quảng cáo trên tàu hỏa: có thể dán trên thân tàu hỏa hoặc treo màn hình LCD bên trong.
- Quảng cáo trên máy bay: hình thức đắt tiền nhất, tiếp cận với nhóm khách hàng có phân khúc cao.
Có thể thấy đặc điểm chung của quảng cáo trên các phương tiện giao thông ấy chính là đều có thể triển khai cả bên ngoài lẫn bên trong xe, tuy nhiên hình thức bên ngoài được ưa chuộng nhiều hơn. Và các điều luật quy định cũng hướng đến các hình thức dán quảng cáo ở bên ngoài xe.
2. Quảng cáo trên phương tiện giao thông có cần xin giấy phép hay không?
Câu trả lời là không cần.
Trước đây, hình thức quảng cáo trên phương tiện giao thông bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin giấy phép trước khi triển khai. Nhưng kể từ ngày 1/1/2013, hoạt động quảng cáo trên các phương tiện giao thông không cần phải xin cấp phép quảng cáo nữa, mà các cá nhân, tổ chức triển khai quảng cáo sẽ tự chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo, cũng như tuân theo quy định của Luật quảng cáo và các luật khác có liên quan.
Gỡ bỏ việc xin cấp phép quảng cáo trên phương tiện giao thông giúp các cá nhân, tổ chức rút ngắn được thời gian triển khai, các doanh nghiệp có thể thực thi chiến dịch quảng cáo bất kỳ lúc nào, các chủ xe cũng có quyền cho thuê xe để dán quảng cáo kiếm thêm thu nhập.
Đây quả thật là tin vui đôi với các nhãn hàng, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo.
3. Các quy định về quảng cáo trên phương tiện giao thông
Theo Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 về Quảng cáo trên phương tiện giao thông, khi triển khai hình thức này cần tuân thủ các quy định sau:
- Thứ nhất, việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông.
Đây là điểu quan trọng, quảng cáo dù có mang lại những lợi ích về kinh tế lớn như thế nào thì cũng luôn phải đặt yếu tố an toàn giao thông, mỹ quan đô thị lên hàng đầu.
- Thứ hai, không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông.
Các vị trí quảng cáo ở mặt trước, sau của xe dễ kích thích thị giác của người đi đường, nhất là những mẫu quảng cáo có những thông tin gây sốc, màu sắc lòe loẹt. Điều này dẫn đến tình trạng mất tất tập trung và dễ gây ra những va chạm đáng tiếc.
- Thứ ba, sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.
Quy định này giúp việc bố trí các hình ảnh quảng cáo phù hợp với thị hiếu của người xem, cũng như bảo đảm logo hay biển hiệu, biển kiểm soát của phương tiện không bị che lấp. Điều này nhằm giúp các cơ quan Nhà nước có thể thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát các phương tiện tham gia giao thông khi có hành vi vi phạm xảy ra.
- Thứ tư, việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Các chủ xe, hãng xe có thể dán biểu trưng, logo, biểu tượng để phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác, nhưng một khi đã dán ấn phẩm quảng cáo cho thương hiệu khác thì đã là hình thức kinh doanh, và vẫn phải tuân theo các quy định của Luật quảng cáo trên phương tiện giao thông
Bên cạnh đó thì Luật Quảng cáo cũng cấm những nội dung quảng cáo có hình ảnh, nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục.
4. Trình tự và hồ sơ thông báo quảng cáo
Mặc dù Luật Quảng cáo không quy định doanh nghiệp phải xin cấp phép, nhưng vẫn cần phải khai báo với cơ quan chức năng về nội dung quảng cáo sẽ sử dụng trong các chiến dịch. Điều này để Sở Văn hóa có thể quản lý và kiểm soát chặt chẽ những chiến dịch quảng cáo để tránh những trường hợp quảng cáo vi phạm luật và trái với thuần phong mỹ tục gây mất mỹ quan đ thị, hoặc thậm chí là tai nạn giao thông.
Theo Điều 29 Luật Quảng cáo, hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bao gồm:
- Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm, số lượng triển khai.
- Bản sao chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Bản sao chứng nhận sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, dịch vụ.
- Maquette quảng cáo in màu có chữ ký xác nhận của tổ chức
5. Mức xử lý vi phạm khi quảng cáo trên phương tiện giao thông
Đây là điều các doanh nghiệp hết sức quan tâm, bởi trong một số chiến dịch quảng cáo có thể vô tình vi phạm, hoặc có thể "bất chấp" vi phạm để đạt được hiệu quả mong muốn.
Các hành vi vi phạm thường thấy: Quảng cáo mặt trước, mặt sau và trên nóc phương tiện giao thông. Hoặc quảng cáo vượt quá diện tích cho phép (50% bề mặt được dán).
Mức phạt đối với các hành vi vi phạm trên là 2 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, và gấp đôi 4 - 10 triệu đồng đối với các tổ chức (theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP). Và phải gỡ bỏ ngay lặp tức các quảng cáo sai phạm
Ngoài ra còn có những trường hợp quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, phản cảm… làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội cũng bị xử phạt, mức độ xử phạt theo sự nghiêm trọng.
Thu Nguyệt
* Nguồn: Unique Integrated Outdoor Advertising