Brands Vietnam 2020 Review: Top 10 bài tiêu điểm được quan tâm nhất
Năm 2020 đã khép lại với rất nhiều biến động. Các từ khoá liên quan đến đại dịch xuất hiện trong các bài viết, báo cáo, và trở thành vấn đề nan giải cho nhiều cá nhân, thương hiệu tại Việt Nam. Nhưng, dù có nhiều khó khăn, Brands Vietnam vẫn giữ vững sứ mệnh lan toả tri thức đến cộng đồng. Vào những ngày đầu của năm 2021, hãy cùng Brands Vietnam điểm lại 10 bài viết tiêu điểm được cộng đồng marketer quan tâm nhất năm 2020.
Lưu ý: Bảng xếp hạng này dựa trên dữ liệu của hệ thống Brands Vietnam và Google Analytics.
1. Phát triển sản phẩm mới #3: Giày thể thao Biti’s Hunter Black Line
Đứng ở vị trí đầu tiên là bài viết Phát triển sản phẩm mới #3: Giày thể thao Biti’s Hunter Black Line, được chia sẻ bởi ông Nguyễn Phú Cường, Associate Marketing Director của Biti’s.
Theo đó, mục đích của Biti’s khi cho ra mắt dòng sản phẩm mới này là để kết nối người trẻ gắn kết với thương hiệu và thoả mãn nhu cầu cá nhân hoá của họ. Trong quá trình tạo thành sản phẩm, thương hiệu cần giải quyết 2 vấn đề chính là làm sao vừa đạt được mục tiêu doanh số, vừa phù hợp với nhu cầu tuỳ biến của người dùng.
Với chiến dịch truyền thông, Biti's dành phần lớn thời gian chuẩn bị cho một chiến dịch truyền thông để đào sâu, tìm tòi cho ra 1 câu chuyện – 1 thông điệp thật “chất”, đảm bảo 3 yếu tố: Authenticity (sự chân thực), Inspiration (tính cảm hứng) và Impact (sự ấn tượng).
Để thấy được câu chuyện phát triển sản phẩm của Biti’s, mời bạn đọc truy cập bài viết tại đây.
2. Giải mã Gen Z – Người bản địa số
Đứng ở vị trí thứ 2 là một bài viết về chủ đề Gen Z. Có thể nói, trên Brands Vietnam, từ khoá Gen Z luôn nhận được sự thu hút lớn của cộng đồng, bởi đây là nhóm người tiêu dùng tiềm năng của tương lai. Trong bài viết này, dựa trên các nghiên cứu và khảo sát thực tế, McKinsey đã đúc kết ra những tính cách và đặc điểm của Gen Z mà các nhà tiếp thị nên lưu tâm như: Sống trong thời đại số, “nghiện kết nối”, đề cao tính cá nhân hoá, coi trọng ý nghĩa của các sản phẩm, thương hiệu, thích trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau để định hình bản thân, và đặc biệt quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội hơn Millennials.
Bạn đọc có thể hiểu rõ về Gen Z hơn tại link này.
3. Fashion Marketing #7: Thời trang Việt – Cơ hội và Thách thức (Phần 1)
Là số tiếp theo của series 2 ‘Những chiến lược quảng bá hiệu quả của thương hiệu thời trang Việt’. Trong bài viết, tác giả Lâm Hồng Lan chia sẻ 3 cơ hội của các thương hiệu thời trang Việt tại thị trường Việt Nam: Dịch vụ chăm sóc khách hàng ấn tượng, giá cả phù hợp, kênh phân phối đa dạng.
Mời bạn đọc đọc bài viết đầy đủ tại link này.
4. The Professionals #13: Từ thành công của The Coffee House, cách designer biến ý tưởng thành câu chuyện thương hiệu
Trong số #13 của chuyên mục The Professionals, ông Trung Nguyễn, Sáng lập và Giám đốc Điều hành của Nar8 đã chia sẻ về cách làm việc chuyên nghiệp của người designer với đối tác.
Theo ông, khi làm việc, client và agency nên cùng nhau tìm hiểu vấn đề để xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, lành mạnh, chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp đơn thuần. Yếu tố này được gọi là “đồng sáng tạo”. Cụm từ này không chỉ mang nghĩa là cùng làm việc, mà phải cống hiến, đóng góp thêm nhiều ý tưởng, chia sẻ tầm nhìn và mọi suy nghĩ với nhau thì tạo ra hiệu quả công việc như ý muốn.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra thực trạng thường xuyên gặp khi làm việc với khách hàng là: “Có nhiều client đến và yêu cầu ‘Tôi muốn thiết kế này’, nhưng tôi sẽ hỏi lại ‘Bạn muốn kể câu chuyện gì cho khách hàng của bạn?’”.
Để hiểu rõ thêm về những chia sẻ của ông Trung, mời bạn đọc tham khảo link này.
5. Young Marketers Contest 9 công bố Thể lệ và Đề thi Vòng loại
Sức hút của Young Marketer chưa bao giờ thuyên giảm. Năm 2020, Young Marketers mùa thứ 9 với hình thức dự thi cá nhân, quay trở lại với đề bài do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup đưa ra.
Hãy cùng nhìn lại thể lệ cuộc thi được cộng đồng marketer mong chờ năm 2020 ở link này.
6. Fashion Marketing #7: Thời trang Việt – Cơ hội và Thách thức (Phần 2)
Tiếp nối phần 1 của Fashion Marketing #7, ở phần 2, tác giả Lâm Hồng Lan tiếp tục phân tích những thử thách chính mà các nhà thiết kế đã gặp và vẫn đang gặp phải khi kinh doanh thời trang tại Việt Nam. Một trong những thử thách của ngành thời trang Việt là tư duy “thấy là mua ngay” của người tiêu dùng Việt đối với những thiết kế trong nước. Điều này dẫn đến áp lực cho các NTK là phải dự đoán trước nhu cầu của khách hàng ngay cả trước khi show diễn bắt đầu.
Để hiểu rõ thêm về thử thách trong ngành hàng thời trang Việt, mời bạn đọc tham khảo link đính kèm.
7. The Professionals #11: Chuyên nghiệp để tìm ra insight chính xác, nhanh gọn và sâu sắc hơn
“Biến dữ liệu thành insight” sẽ trở thành kỹ năng không thể thiếu của một marketer trong thời đại dữ liệu ngày nay. Để đạt được điều này, họ phải biết cách làm việc chuyên nghiệp với các agency và công ty nghiên cứu thị trường.
Đó là những chia sẻ từ Bà Thuỵ Nguyễn – Người sáng lập và Giám đốc điều hành của The Window về nghề nghiên cứu thị trường cùng những lưu ý trong tư duy và thái độ làm việc cần thiết cho một marketer chuyên nghiệp.
Mời bạn đọc hiểu rõ câu chuyện của bà Thuỵ Nguyễn trong chuyên mục The Professionals #11 tại link này.
8. Data Station #12 – Toàn cảnh Digital 2020
Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing. Số 12 của chuyên mục là những quan điểm, chia sẻ của ông Ngô Minh Thuận, Sáng lập & Giám đốc Điều hành của DNA Digital về báo cáo Digital 2020 – We Are Social.
Bài viết tiết lộ những con số khái quát sự phát triển của Digital thế giới, khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là Việt Nam trong 5 năm qua. Chẳng hạn, tại Việt Nam, trong tổng số 96,9 triệu dân, có 68 triệu người tiếp cận với Internet (tương đương với tỷ lệ thâm nhập là 70%); đồng thời có tổng cộng hơn 145 triệu thuê bao di động (nghĩa là trung bình mỗi người sử dụng 1,5 số điện thoại). Số lượng tài khoản mạng xã hội đang kích hoạt ở Việt Nam là 65 triệu, tương đương tỷ lệ thâm nhập là 67%. Mặc dù vẫn đứng sau một số nước Đông Nam Á khác, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới.
Để thấy rõ toàn cảnh digital Việt Nam diễn biến ra sao, mời bạn đọc truy cập link này.
9. Tài trợ Thương hiệu #1: Suntory PepsiCo Vietnam – “Rủi ro lớn nhất của tài trợ game show là dự đoán được khẩu vị người xem”
Đây là chuyên mục mới của Brands Vietnam trong năm 2020 nhằm tìm hiểu những ẩn số chưa được tiết lộ của các hoạt động tài trợ thương hiệu tại Việt Nam, thể hiện qua nhiều hình thức như game show, Music Video, sự kiện âm nhạc, giải đấu game...
Số đầu tiên của chuyên mục nói về hoạt động tài trợ của Suntory Pepsico Vietnam Beverage cho gameshow ngoài trời Amazing Race. Ông Võ Hoàng Việt – Media & Operation Director SPVB chia sẻ, “Suntory PepsiCo đưa ra các quyết định tài trợ thương hiệu dựa trên Passion Point (Điểm đam mê) của khách hàng. Với sản phẩm Sting, thương hiệu hướng đến nhóm khách hàng trẻ thích mạo hiểm và một chút gì đó phá cách”. Đồng thời, thương hiệu này cũng đưa ra 3 nguyên tắc khi quyết định đầu tư cho một game show gồm: ROI (Return On Investment), phải đạt mức 180-200% so với giá trị đặt mua truyền thông; tổng giá trị truyền thông của thương hiệu xuất hiện trong chương trình và cam kết về rating, mức độ thành công của show trong hợp đồng tài trợ.
Đọc đầy đủ bài viết ở link này.
10. The Professionals #8: Tính cách của Marketer chuyên nghiệp
“Một Marketer chuyên nghiệp cần phải chăm chỉ làm việc, học tập để bắt đầu sự nghiệp của bản thân. Vì chăm chỉ chưa chắc đã thành công, nhưng ngay cả chăm chỉ còn không làm được, ắt hẳn cầm chắc thất bại.”
Đó là chia sẻ của ông Rakesh Singh, Giám đốc điều hành tại Havas Media, về những tính cách của một Marketer chuyên nghiệp trong chuyên mục The Professionals.
Theo ông, cách làm việc của một marketer chuyên nghiệp còn thể hiện ở việc đặt câu hỏi cho đối tác. Trong thế giới này, không ai biết hết mọi thứ và mỗi người chỉ giỏi ở một số lĩnh vực nhất định. Vì vậy, phải cởi mở đặt câu hỏi cho đối tác về những thắc mắc, hay muốn làm rõ một số thông tin dự án để không biến những sự mơ hồ thành nguy cơ của vấn đề. Đôi khi sự “ngờ nghệch khôn ngoan” có thể giúp bạn gặt hái được nhiều điều bổ ích cho công việc.
Mời bạn đọc hiểu rõ thêm về những tính cách của một marketer chuyên nghiệp cần có ở link này.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam