Câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp từ thành công của làn sóng Hallyu

Ngày nay, điện ảnh và nền âm nhạc Hàn Quốc đã vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ của nó để đạt đến đỉnh cao toàn Châu Á, và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ ở cả thị trường phương Tây. Từ thành công của làn sóng Hallyu ấy, ngẫm sang câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp, âu cũng là có vai điều để kể và suy ngẫm.

Câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp từ thành công của làn sóng Hallyu

Quá trình “ra đời” một cách bài bản:

Để trở thành một thành viên trong làn sóng đó, các nghệ sĩ đã phải trải qua một chương trình đào tạo vô cùng khắc nghiệt trong khoảng thời gian tương đối dài (ít nhất 2-3 năm, nhiều cũng phải 7-8 năm để luyện tập vũ đạo và giọng hát).

Đằng sau họ là một chiến lược cụ thể, có hệ thống từ khâu tuyển chọn, đào tạo ca sĩ (chất giọng, vũ đạo, ngoại hình) đến việc sáng tác, chiến lược marketing đến khách hàng một cách bài bản. Và dĩ nhiên chi phí đầu tư vào quãng thời gian này không phải nhỏ.

Tương tự như vậy, để một sản phẩm mới ra đời đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp. Bắt đầu từ khâu nghiên cứu thị trường để tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Riêng khâu đầu tiên này đã đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền của của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp còn phải phát triển và sàng lọc ý tưởng để tìm ra ý tưởng lôi cuốn và có khả năng hấp dẫn nhất. Bên cạnh đó là kế hoạch marketing để đảm bảo mức độ thành công cao nhất khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cuối cùng thì sản phẩm mới được tung ra thị trường.

Tất cả các quy trình trên được tiến hành một cách rất bài bản, được đầu tư thời gian và công sức kĩ càng. Cũng giống như các ngôi sao có những chuyên gia riêng để làm tóc, trang điểm, thiết kế trang phục, người quản lý… thì ở đây doanh nghiệp cũng có các phòng ban chuyên biệt như bộ phận nghiên cứu thị trường, nghiên cứu marketing… cùng phối hợp để có thể cho ra những “con cưng” hoàn hảo nhất đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để xây dựng nên tên, logo hay slogan của doanh nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian chuẩn bị, với sự góp sức của không chỉ bản thân doanh nghiệp mà còn từ các công ty tư vấn để đảm bảo sao cho các công cụ truyền tải hình ảnh thương hiệu ấy trọn vẹn nhất với khách hàng, đúng với chiến lược doanh nghiệp và khác biệt hóa với đối thủ cạnh tranh.

Vì vậy, để thành công, các doanh nghiệp hãy chuẩn bị thật kĩ càng vì “không chuẩn bị nghĩa là chuẩn bị cho sự thất bại”.

Đẹp.

Hầu hết các ban nhạc của Kpop đều gây được ấn tượng tốt với hình ảnh kết hợp hoàn hảo từ ngoại hình đến âm nhạc, vũ điệu, phục trang, trang điểm. Và tất cả các phim của Hàn Quốc đều nổi bật bởi dàn trai xinh gái đẹp. Gu thời trang tinh tế và phong cách trang điểm tự nhiên đang trở thành mốt của toàn Châu Á.

Doanh nghiệp cũng vậy, theo Dawson, tuyên bố giá trị của doanh nghiệp phải là những “tòa lâu đài xinh đẹp” chứ không phải “tường gạch và bê tông” (tức sản phẩm và dịch vụ doanh nghiệp). Đẹp ở đây không chỉ được thể hiện ở bề ngoài sản phẩm như bao bì mà còn đẹp ở chất lượng tạo ra giá trị thỏa mãn cho khách hàng, đặc biệt là đối với giới trẻ, những người đang tao ra trào lưu của cả thế hệ.

Sản phẩm của Apple là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của cái đẹp. Đam mê cái đẹp và theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo đến từng chi tiết, Steve Jobs bắt buộc các kĩ sư phải “ép” những vi mạch trong máy tính phải thẳng hàng dù không ai có thể nhìn thấy nó. Và cái đẹp, đã hoàn thành sứ mệnh của nó khi góp phần đem đến những thành công vang dội cho trái táo khuyết. Những tín đồ của Apple khi sở hữu một chiếc Iphone, họ không chỉ hài lòng về tính năng của nó mà còn tự hào bởi phong cách và đẳng cấp.

Đặng Lê Nguyên Vũ - người nổi tiếng với những phát ngôn về tinh thần dân tộc

Không chỉ sản phẩm đẹp, mà bản thân doanh nghiệp hãy là những doanh nghiệp đẹp trong mắt côngchúng. Đó là gì? Có thể là một vị Chủ tịch hội đồng quản trị với tinh thần yêu nước và tinh thần sáng tạo không vơi cạn như Đặng Lê Nguyên Vũ của Trung Nguyên. Hay những chiến dịch trao quà,học bổng cho các trẻ em nghèo vượt khó của Mobiphone, chiến dịch vì môi trường hay tuyển dụng các tài năng trẻ như của Unilever hay P&G… đều khiến cho doanh nghiệp trở nên đẹp hơn trong mắt người tiêu dùng. Bởi khi ấy, hình ảnh doanh nghiệp gắn liền với những giá trị tốt đẹp của xã hội.

Hãy biến mình trở nên đẹp. Hãy theo đuổi triết lí marketing xã hội, hoạt động có cam kết, trước hết là cam kết với chính bản thân mình, sau nữa là cam kết với khách hàng, cộng đồng và đối tác, đó chính là những nền tảng căn bản cho một doanh nghiệp thành công.

Biết gieo lên những mơ ước:

Chắc hẳn trong chúng ta không ai còn xa lạ gì với mô típ Hoàng tử - Lọ lem, mối tình với những nhân vật siêu nhiên… trong phim Hàn Quốc. Điều đó gieo vào lòng các bạn nữ những mơ mộng về một mối tình lãng mạn với Mr Hoàn Hảo (đẹp trai, nhà giàu, quyền lực, thông minh, hài hước, nấu ăn ngon, dịu dàng, biết lắng nghe lại còn chung thủy tuyệt đối (và dĩ nhiên là không gay!)), hay một cô nàng bình thường luôn được vây quanh bởi những chàng trai lý tưởng. Có thể nói các nhà làm phim Hàn đã rất biết cách nắm bắt tâm lí chị em một cách rất tinh tế, xây lên những tòa lâu đài mơ ước đồng thời khiến cho khán giả mê mẩn, sống, vui buồn cùng nhân vật.

Và khách hàng khi tìm đến một sản phẩm cũng là lúc gieo vào đó những hy vọng. Khi mua một ổ khóa là khach hàng đã gieo hy vọng về một sự an toàn, khi mua một thỏi son là mua nhu cầu được làm đẹp. Và rất nhiều doanh nghiệp đã và đang thành công khi gieo vào tâm trí khách hàng những mơ ươc đẹp đẽ như vậy. “Tỏa sáng khi bạn tin vào chính mình” (Pantene) gieo mơ ước về một mái tóc bóng mượt, “Thời trang và hơn thế nữa” (Triumph) gieo mơ ước về một phong cách đẳng cấp…

Vậy nên doanh nghiệp hãy là thấu hiểu những khía cạnh hay giá trị mà khách hàng quan tâm nhất, và hơn thế nữa, doanh nghiệp cũng có thể là người tạo ra nhu cầu.

Tận dụng triệt để truyền thông và Internet:

Cuối cùng, phải kể đến thế mạnh về mặt truyền thông, nhất là tiện ích của YouTube, Twitter, Facebook... Vai trò của công nghệ thông tin trong các kênh thông tin này là rất lớn trong sự phát tán làn sóng Hàn Quốc ra thế giới bởi trước khi các nghệ sĩ bước chân ra thị trường nước ngoài, hình ảnh của họ đã được công chúng làm quen trước thông qua các mạng cộng đồng trên.

Trong xã hội ngày nay, mạng xã hội là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống chúng ta. Nắm bắt được các xu thế này, nhieu doanh nghiệp lớn da hoàn thành rất tốt vai trò của nó, điển hình nhu Sam Sung Mobile Viet Nam đạt hơn 1 triệu fan trên facebook. Mức tương tác cao và chi phí phải chăng, các doanh nghiệp nhỏ nên tận dụng triệt để kênh này để phát triển, đặc biệt khi hình thức viral marketing với những case study, story telling marketing với sức lan truyền chóng mặt, đã làm nên những kì tích trong cộng đồng.

Con đường thành công không bao giờ chỉ lát hoa hồng. Để xây dựng nên một làn sóng Hallyu mạnh mẽ như hiện nay là thành quả lao động không mệt mỏi suốt một thời gian dài với những chiến thuật hợp lí của rất nhiều thế hệ. Âu đó cũng là bài học cho các doanh nghiệp để thành công hơn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.