Marketer Hoàng Hạnh
Hoàng Hạnh

Writer & Marketing Comms Consultant

Lựa chọn Agency hay Client làm bến đỗ? Lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng ra quyết định

Lựa chọn Agency hay Client làm bến đỗ? Lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng ra quyết định

Học ra trường, bạn “hừng hực” khí thế để apply vào các công ty, tổ chức đang tuyển dụng vị trí liên quan. Tiêu chí của bạn cho công việc mới có thể nói là “dài như một dòng sông” với những kỳ vọng về môi trường, đồng nghiệp, tính chất công việc, sếp, lương thưởng, chính sách đãi ngộ, cơ hội học hỏi, gần nhà… và quan trọng đặc biệt đó là thương hiệu của công ty.

Tuy nhiên, hãy chậm lại một chút, để thực sự biết bạn phù hợp với công việc gì, mình thực sự muốn gì và có khả năng đáp ứng được cho môi trường nào. Nó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thế giới quan của bạn về nghề nghiệp, môi trường công sở, định hướng tương lai… của bạn.

Vậy, nên lựa chọn môi trường nào để bắt đầu cho công việc: Agency hay Client? Nếu bạn là một người làm marketing, hãy áp dụng những kiến thức marketing cơ bản để phân tích chính bản thân mình như 1 case-study để lập 1 bảng SWOT nhé.

  1. Strengths: Bạn có những kỹ năng nổi bật nào? Bạn có những lợi thế nào về các mối quan hệ?
  2. Weaknesses: Những kỹ năng cần thiết mà bạn chưa biết? Hoặc những bất lợi của bạn khi làm việc là gì?
  3. Opportunities: Những cơ hội mà bạn cảm thấy bạn có thể có khi tham gia vào doanh nghiệp này?
  4. Threats: Thách thức lớn nhất của bạn là gì khi lựa chọn môi trường doanh nghiệp này?

Lựa chọn Agency hay Client làm bến đỗ? Lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng ra quyết định

Nguồn ảnh: Creately.com

Để trả lời những câu hỏi trên đây, hãy cùng tìm hiểu những ưu điểm và nhược điểm của mỗi môi trường.

Agency

Trong agency, mọi thứ đều gấp gáp, vội vã. Bước chân vào agency bạn có thể sẽ cảm thấy mọi thứ chuyển động nhanh hơn bình thường.

Agency hiểu nôm na là công ty cung cấp các dịch vụ truyền thông, quảng cáo. Nếu bạn còn nhớ khái niệm 4P trong marketing, thì 3P đầu tiên (Product – Price – Place) sẽ do công ty trực tiếp phụ trách, còn chữ P thứ tư (Promotion) do các agency này thực hiện. Một chiến dịch truyền thông tiếp thị thường có rất nhiều công đoạn, do đó cần các vị trí chuyên môn khác nhau. Một doanh nghiệp thay vì đầu tư cơ hữu vào các vị trí này một cách dài hạn thì với mỗi thời điểm của chiến dịch, họ sẽ thuê agency đã đầy đủ các vị trí chức năng này để thực hiện. Các agency thường sẽ hiểu thị trường nói chung, có sức sáng tạo mạnh mẽ và nắm trong tay nhiều công cụ giúp tối ưu chiến dịch truyền thông tiếp thị.

Với sứ mệnh để tạo ra các chiến dịch mang tính lan toả cao, agency gặp không ít áp lực trong việc làm hài lòng cả đối tác lẫn người tiêu dùng, và thoả mãn đồng thời các chính sách của các nền tảng truyền thông mà các chiến dịch xuất hiện trên đó như Facebook, Google... Vì thế, tham gia vào môi trường agency, bạn phải xác định trước tính chất công việc và kỹ năng cần có, đó là:

  • Kỹ năng quản lý công việc, khả năng đáp ứng multi-task. Bạn sẽ dễ hình dung công việc của người làm agency khi đang gặp khách hàng A thì có điện thoại của khách hàng B hỏi thêm thông tin về dịch vụ bạn đang cung cấp, đồng thời lại xử lý phát sinh của khách hàng C. Tình huống này thường xuyên xảy ra dù bạn làm cho agency ở bất kỳ lĩnh vực nào.
  • Tư duy sáng tạo. Đây là điều dễ hiểu với yêu cầu công việc đòi hỏi các sản phẩm sáng tạo ra đời trong thời gian ngắn.
  • Áp lực về doanh số. Khá nhiều agency phân bổ công việc của một account manager đồng thời chịu trách nhiệm doanh số như một nhân viên sales. Tức là họ vừa tìm kiếm khách hàng, vừa điều phối dự án của khách hàng đó. Chính vì vậy, các chỉ tiêu về giá trị hợp đồng, số lượng khách hàng mới, khách hàng tái ký hợp đồng… là một áp lực mà bạn cần xác định trước khi bước chân vào agency. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng có những agency có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, hoặc đã có thương hiệu từ trước, do đó, khách hàng sẽ tự tìm đến bạn trước khi bạn tìm kiếm họ, nhưng số lượng những agency này không nhiều, và tiêu chuẩn của những agency này cũng khá cao.
  • Khả năng thấu hiểu khách hàng. Bạn không thể đòi hỏi mọi khách hàng đều có nền tảng kiến thức về marketing, truyền thông hay tiếp thị. Thậm chí có những khách hàng hoàn toàn không biết gì về nghiệp vụ, do đó họ mới tìm đến các agency để nhờ hỗ trợ. Đôi khi, bạn còn cần phải phân tích và giải toả những quan điểm khác nhau của chính nội bộ khách hàng, để đi đến một thoả thuận thống nhất.
  • Kỹ năng truyền đạt và kết nối. Công việc kết nối đòi hỏi kỹ năng truyền đạt tốt, vừa khiến khách hàng cảm thấy yên tâm, vừa tận dụng được sự hỗ trợ của các bộ phận trong dây chuyền của nội bộ. Đây là một trong những yêu cầu thuộc về kỹ năng cá nhân mà nếu muốn tồn tại lâu trong agency thì bắt buộc cần có.
  • Làm thêm giờ, đặc biệt trong những dịp lễ, tết... Đặc thù các chiến dịch quảng cáo hay truyền thông đều tận dụng các dịp nghỉ lễ, tết. Việc “trực chiến” trong thời điểm này có khi lại là “gia vị” của đời sống agency.

Lựa chọn Agency hay Client làm bến đỗ? Lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng ra quyết định

Theo báo cáo về tình hình nhân sự của Agency – bởi Navigos (2019)

Mặc dù vậy, những điều bạn có thể nhận lại được khi trải nghiệm môi trường agency đó là:

  • Kiến thức nền tảng khi tiếp cận các hình thức quảng cáo chuyên biệt, điều này là điều mà bạn sẽ rất khó có được nếu tham gia vào lĩnh vực client ngay khi mới bắt đầu. Hơn môi trường nào hết, agency là nơi bạn được học tập và cập nhật liên tục các công cụ hoặc nền tảng truyền thông mới.
  • Khả năng tổng quát chung về ngành, biết được mảng thuận và mảng tối của từng ngành. Sau một thời gian tiếp xúc với các khách hàng, bạn cũng có thể lựa chọn được ngành mà bạn muốn theo đuổi cho công việc liên quan đến marketing.
  • Kỹ năng kiểm soát và đo lường. Nếu là một account manager, bạn sẽ phải đóng vai trò điều phối viên, kiểm soát chiến dịch. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích cho bạn nếu sau này đóng vai client và chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các agency để thực hiện 1 chiến dịch cho thương hiệu.
  • Nhiều mối quan hệ trong ngành. Lĩnh vực marketing truyền thông là một lĩnh vực cần sự “cộng sinh”. Mối quan hệ là một công cụ đắc lực trong ngành này.
  • Khả năng giao tiếp và thuyết trình ngày càng tốt lên. Đây chính là công việc bạn làm hàng ngày nếu ở agency, hơn nữa, đối tượng mà bạn thuyết trình đa số lại là những người có vai trò tham vấn hoặc trực tiếp đưa ra quyết định về marketing. Với kỹ năng này, dù bạn “chín non” hay “chín ép” thì sau một thời gian ngắn thì cũng sẽ “chín đều”.
  • Sự nhẫn nại và khả năng chịu áp lực. Sống lâu trong môi trường áp lực, bạn sẽ tự học được cách tiết chế cảm xúc để đảm bảo được những yêu cầu của công việc.

Lựa chọn Agency hay Client làm bến đỗ? Lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng ra quyết định

Theo báo cáo về tình hình nhân sự của Agency – bởi Navigos (2019)

Các vị trí trong agency mà bạn có thể tham khảo đó là:

  • Account Executive/ Account Manager
  • Media Planner
  • Media booking/ Media Buyerr
  • Creative/ Copy writer
  • Designer
  • Technical Department (Ads, SEO, website...)

Client

Khác với môi trường agency cần tuyển dụng số lượng lớn, client chỉ có một vài vị trí trong phòng ban marketing. Vậy nên, sự cạnh tranh để vào các client không phải đơn giản. Tuỳ vào định hướng của doanh nghiệp mà phòng marketing có các vị trí chuyên môn, hay chỉ có vị trí điều phối chung. Vị trí này nhiều doanh nghiệp gọi chung là Marketing Executive.

Khi làm việc cho client, bạn cần có những kỹ năng:

  • Kiến thức chuyên ngành về một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, làm marketing cho ngành hàng thời trang, bạn cũng cần những kiến thức về quần áo, phụ kiện, khả năng kết hợp trang phục; công ty phần mềm – bạn cần có nền tảng kiến thức chuyên ngành về công nghệ; sản phẩm dược phẩm – bạn phải có kiến thức về chăm sóc sức khoẻ con người... Đây là lý do có khá nhiều người làm marketing lại bắt đầu từ những chuyên ngành không liên quan. Họ bắt đầu từ những chuyên ngành như thời trang, công nghệ, dược phẩm…, dần dần chuyển hướng sang marketing do yêu cầu của công việc.
  • Kỹ năng khai thác sâu về sản phẩm. Làm marketing cho một nhãn hàng hay sản phẩm, bạn cần “ăn ngủ” với nó để tìm kiếm những điều hấp dẫn từ sản phẩm đó, hay những điều chưa tối ưu để cùng các phòng ban lên phương án điều chỉnh. Các kỹ năng này đối với một người làm ở agency khó khả thi vì họ phải làm cùng lúc nhiều nhãn hàng. Nhưng với marketer nội bộ, kỹ năng này là rất cần thiết.
  • Kiến thức chuyên môn về marketing và kỹ năng lập kế hoạch marketing. Bạn chính là người đưa ra đề bài cho agency, chính vì vậy bạn phải nắm chắc các yêu cầu và tiêu chuẩn để agency thực hiện. Agency là người làm chủ công cụ, nhưng bạn lại là người làm chủ ở góc độ sản phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp.

Lựa chọn Agency hay Client làm bến đỗ? Lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng ra quyết định

Những điều mà bạn nhận được khi làm cho client là gì?

  • Sự gắn bó và ổn định. Đây cũng có thể coi là giá trị nhận được lớn nhất khi bạn đầu quân cho một client.
  • Có lộ trình thăng tiến rõ ràng ngay trong tổ chức. Bạn đã nằm trong tổ chức và hiểu rõ cơ cấu nhân sự, các phòng ban. Nếu là người có định hướng, bạn sẽ dễ dàng vươn tới các vị trí cao hơn.
  • Sự am hiểu chuyên sâu về một chuyên ngành, là cơ hội trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Các vị trí mà bạn cân nhắc khi làm marketing cho client đó là:

  • Content Marketing
  • Digital Marketing
  • SEO
  • Data Analytics
  • Marketing Executive
  • Designer
  • Editor

Agency hay Client?

Hãy trả lời cho câu hỏi trên bằng mục tiêu chính của bạn. Bạn lựa chọn môi trường nghề nghiệp với các tiêu chí đầu tiên là gì? Nếu ưu tiên cơ hội học hỏi, môi trường cởi mở, thậm chí không ràng buộc, thì agency là lựa chọn hợp lý. Nếu bạn coi trọng sự gắn bó, ổn định thì hãy thử môi trường client.

Đương nhiên, mong muốn và thực tế là hai việc khác nhau, bạn cần cân nhắc các kỹ năng mình có và đánh giá là chúng phù hợp với môi trường nào. Marketing là một lĩnh vực rất rộng, nhưng nếu những kỹ năng mà bạn đang có không thể đáp ứng được một nửa các yêu cầu của công ty, thì bạn cần trang bị thêm trước khi bắt đầu.