Những Xu Hướng Phát Triển Ứng Dụng Di Động Cần Chú Ý Trong Năm 2021
Từ một sản phẩm xa xỉ trong những năm 1980 trở thành một nhu cầu cơ bản vào năm 2020, điện thoại di động chắc chắn đã tạo ra sự chuyển đổi lớn trong vài thập kỷ qua. Mặc dù mục đích ban đầu khi phát minh ra điện thoại di động là giúp con người có thể kết nối, liên lạc với nhau, nhưng ngày nay, chức năng của điện thoại đã được phát triển vô cùng phong phú. Ngành công nghiệp điện thoại thông minh hiện đang ở đỉnh cao và các ứng dụng đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công đó. Vào năm 2021, lĩnh vực phát triển ứng dụng được dự đoán sẽ có nhiều bước tiến lớn đáng chú ý. Dưới đây là danh sách một số xu hướng phát triển ứng dụng di động sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong thị trường smartphone.
1. Ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo)
Sự ra đời của AI đã làm gây chấn động ngành công nghệ và thương mại trên thế giới. Được tích hợp khả năng nhận dạng giọng nói và khuôn mặt, công nghệ này cho phép các ứng dụng xác định và dự đoán hành vi của người dùng, tích hợp các tính năng bảo mật cao cấp và xác định các đối tượng được quét bằng máy ảnh. Hơn nữa, việc tích hợp chatbots trong các ứng dụng cũng đang cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng của các công ty. AI cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tương tác với khách hàng mà không cần nhân lực 24/24, tận dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thu thập từ chatbots.
2. Ứng dụng cho điện thoại gập
Các công ty như Samsung và Huawei đã tung ra loạt điện thoại thông minh có thể gập lại đầu tiên của họ. Những điện thoại này có thể được gấp lại hoặc mở ra theo sở thích của người dùng, cho phép họ tận hưởng các chức năng theo ý thích của họ. Từ quan điểm của những người phát triển ứng dụng, mobile app giờ đây cũng sẽ được tùy chỉnh cho các loại hình điện thoại nắp gập này. Vì những chiếc điện thoại này còn khá mới trên thị trường nhưng đã tạo được sự chú ý lớn từ người yêu công nghệ. Trong năm tới, dự đoán các hãng điện thoại sẽ tiếp tục tung ra thị trường nhiều điện thoại thông minh nắp gập hơn nữa.
3. Ứng dụng “ăn liền”
Các ứng dụng “ăn liền” có kích thước nhẹ đang là xu hướng trong thời gian gần đây. Loại ứng dụng này khá phù hợp cho người dùng hiểu được các chức năng cơ bản của ứng dụng và thao tác khá đơn giản. Trong tương lai, các nhà phát hành sẽ sử dụng các ứng dụng tạm thời để cung cấp bản demo v hoặc tiết kiệm bộ nhớ cho người dùng, khuyến khích download. Các ứng dụng sẽ trở nên hữu ích hơn khi được kết hợp với các chiến lược quảng cáo và digital marketing để tiếp cận đối tượng mục tiêu.
4. Triển khai 5G
Ngày nay, 5G đã trở thành một tiêu chuẩn mới để xác định tốc độ internet, dung lượng lưu lượng, thông lượng tổng thể, hiệu suất phổ tần và hiệu quả mạng. Sự phát triển của mạng 5G cũng sẽ tác động đến sự phát triển ứng dụng trong tương lai. Các tính năng như kết nối mạng 5G dự kiến sẽ hỗ trợ chơi game 3D, triển khai các khả năng AR và thực thi bảo mật dữ liệu tốt hơn.
5. Ứng dụng được đồng bộ hóa với đồng hồ thông minh
Các thiết bị đeo tay như đồng hồ thông minh, màn hình chăm sóc sức khỏe và vòng đeo tay thể dục đã tăng trưởng bùng nổ trong vài năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới. Các ứng dụng có thể kết nối giữa điện thoại và các thiết bị đeo tay một cách chính xác hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng. Chỉ riêng ở Mỹ, người lớn sử dụng thiết bị đeo đã tăng hơn 15% trong bốn năm qua. Sự phát triển các loại ứng dụng này là khá hợp lý nếu xét đến trải nghiệm mà người dùng có thể thu được từ một trong những tính năng của app.
6. Ứng dụng hỗ trợ IoT
Viễn cảnh về một thế giới - nơi mọi thứ sẽ được kiểm soát chỉ bằng một lần chạm trên màn hình điện thoại thông minh dần trở nên không còn xa vời. Và công nghệ của Internet of Things đang biến điều này thành hiện thực sớm hơn nhiều so với tưởng tượng. Không chỉ trong các ngành công nghiệp, mà sức mạnh của công nghệ đột phá này cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của các gia đình. IoT tạo ra một mạng lưới các thiết bị được kết nối với nhau chia sẻ dữ liệu theo cách mọi người có thể tương tác với dữ liệu đó. Dữ liệu này được kiểm soát bởi một ứng dụng di động, cho phép người dùng điều chỉnh thiết bị của họ từ xa. Ví dụ: người dùng có thể sử dụng một ứng dụng để bật hoặc điều chỉnh cài đặt của máy điều hòa nhiệt độ trước khi họ về nhà. Tương tự, các ứng dụng có thể được sử dụng để giám sát các thiết bị, truy cập hệ thống an ninh và camera hoặc điều khiển thiết bị từ mọi nơi trên thế giới.
Hiện tại, có hơn 2,2 triệu ứng dụng trên App Store và hơn 2,8 triệu ứng dụng trên Google Play Store. Bước sang năm 2021, con số này được dự đoán sẽ còn tăng lên đáng kể. Và chắc chắn những xu hướng trên đây sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa trong nhiều năm tới.