Marketer Mai Quang Quỳnh
Mai Quang Quỳnh

Giám đốc sáng tạo @ Công ty TNHH Truyền thông AIO

Lời hứa thương hiệu, xin đừng hứa suông

Lời hứa luôn được mong đợi, bởi nó chứa đựng niềm tin lớn lao về sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu, thế nhưng không ít các doanh nghiệp ngày nay rất hay “hứa thật nhiều, mà thất hứa thì cũng thật nhiều”. Gây thất vọng, mất niềm tin và có thể khách hàng sẽ không bao giờ sử dụng sản phẩm dịch vụ ấy trong tương lai.

Lời hứa thương hiệu, xin đừng hứa suông

Lời hứa luôn được đề cao, cao hơn cả sinh mạng của chính mình và đôi khi là cả vận mệnh của một dân tộc.

Thương trường như chiến trường, và vì thế lời hứa càng quan trọng biết bao. Chúng ta đã biết đến lời thề hứa rằng “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng khi ông bị giặc bắt và chúng đã dụ dỗ ông quay lưng với tổ quốc, hay “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ kính yêu đã là nguồn cảm hứng cho sự thành công, sự bất khuất của dân tộc Việt Nam suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng và thoát ách cai trị suốt 100 năm.

Lời hứa luôn được đề cao, cao hơn cả sinh mạng của chính mình và đôi khi là cả vận mệnh của một dân tộc. Doanh nghiệp cũng vậy, dù nhỏ bé hay những tập đoàn hùng mạnh đa quốc gia nếu muốn thành công thì trước tiên phải tạo ra lời hứa, đồng thời phải luôn trung thành với lời “thề hứa” ấy.

FedEx cùng lời hứa “Khi bạn sử dụng dịch vụ Fedex, bưu kiện của bạn đảm bảo sẽ được chuyển đến ngay ngày hôm sau”

Trong khi đó Ford hãng xe hơi danh tiếng của Mỹ với lời hứa rằng “Chúng tôi sẽ phục vụ bạn thật chu đáo, vì rằng sự thành công của chúng tôi sẽ có được, khi bạn cảm thấy hài lòng với những dịch vụ nhận được. Bởi vì đó là sự thật, nên chúng tôi sẽ không hứa hẹn những điều trên trời, chúng tôi đang nỗ lực để mang đến cho các bạn điều tốt nhất trên trái đất này”.

Lời hứa thương hiệu, xin đừng hứa suông

Apple hãng công nghệ hàng đầu thế giới cũng đã hứa “Khi mua sản phẩm Apple, Bạn sẽ sở hữu một sản phẩm máy tính và điện tử sành điệu, công nghệ cao và dễ sử dụng nhất”

Lời hứa của Mc.Donald “Tại mỗi cửa hàng Mc.Donald, Bạn sẽ có bữa ăn chất lượng, vừa túi tiền, phục vụ nhanh chóng trong một môi trường sạch sẽ”

Đó là các “ông lớn” trên một đại dương là như vậy, thế còn doanh nghiệp Việt Nam thì sao?

Ẩn trong câu khẩu hiệu “Hãy nói theo cách của bạn” của Viettel cũng hàm chứa một lời hứa ngầm hiểu với việc bình dân hóa sản phẩm điện thoại và sóng di động. Trước đó chỉ giới nhà giàu mới có thể dùng thì nay, từ bà bán nước đầu ngõ phố đến anh nông dân quanh quẩn đồng áng cũng trở nên sành điệu với chiếc mobile giắt cạp quần. Đó cũng thể coi là lời hứa, một lời hứa mà Viettel rất thành công.

Bitis cũng vậy, lời hứa rất mỹ miều “Nâng niu bàn chân Việt”, nghe sao mà hay quá vậy, cảm phục agency nào đã nghĩ được ra cái lời hứa mà tới giờ và chắc cả mai sau nữa Bitis có chi cả vài tỷ đồng chắc cũng chẳng thể có câu nào hay hơn câu này. Lời hứa vừa thể hiện được sự khác biệt của thương hiệu, vừa thể hiện được sự tận tâm, tận tình trong từng sản phẩm, vừa thể hiện được sự yêu thương trong thương hiệu Bitis.

Lời hứa thương hiệu, xin đừng hứa suôngCũng thú vị không kém, tuy chỉ là một quán cắt tóc bình dị thôi, nhưng họ cũng có một lời hứa rất tuyệt mà các agency nhà mình đôi khi chẳng để ý. Họ dán ngay trước gương câu này “Vui lòng khách đến, hài lòng khách đi” một lời hứa đơn giản nhưng đầy hiệu quả và đương nhiên là tôi đã là khách hàng trung thành của họ suốt nhiều năm liền.

Bên cạnh những thành công ấy thì cũng không ít với những khẩu khí của “chém gió” nào là số 1 Việt Nam, ông vua, nữ hoàng này kia nghe rất “thùng rỗng kêu to”, đã thế nhiều thương hiệu cũng chẳng dám hứa vì sợ phải hứa, nên câu khẩu hiệu nghe rất hay mà chẳng có một sự khác biệt ấn tượng nào cả, “Vẻ đẹp tiềm ẩn” (Du lịch Việt Nam) là một ví dụ điển hình. Họ đâu biết rằng, hứa mà không làm được thì chẳng khác nào họ mang uy tín của mình ra để làm trò cười cho xã hội, làm xấu đi hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, còn hứa mà chẳng có gì nổi bật thì cũng chỉ là thứ để làm cảnh cho đẹp mắt mà thôi.

Là tác giả của nhiều câu khẩu hiệu, lời hứa cho thương hiệu tôi rất vất vả để doanh nghiệp hiểu được vai trò và trách nhiệm trong chính lời hứa của mình, chúng ta không thể hứa “Giúp bạn du học dễ dàng” (du học Binco) để rồi chẳng làm được điều khác biệt ấy, hay lời hứa “Hạnh phúc qua từng ô cửa” (Cửa sổ HappyWindow) mà đến lúc mở cửa mãi mà chẳng được, nhanh chóng bị cong vênh, tiếng ồn rồi bụi bẩn vào nhà hoặc “Thỏa thích mua sắm” (Trang TMĐT Safza.com) mà chẳng thấy sự đa dạng sản phẩm, thỏa mãn sự mua sắm, mà mua sắm ớ đây là sự "thích" đầy hàm ý ... thì lời hứa ấy coi như chẳng còn giá trị gì nữa, nó sẽ phản tác dụng và hạ gục doanh nghiệp nhanh chóng mà chẳng cần đối thủ giở đòn tuyệt chiêu.

Hãy hứa và biết giữ lời hứa là phương châm hành động của doanh nghiệp và cũng là thứ vũ khí lợi hại giúp doanh nghiệp trường tồn và phát triển bền vững.

Lời hứa được xuất phát từ trái tim, nó chứa đựng niềm tin lớn lao và cảm xúc mãnh liệt, lời hứa giúp chúng ta tin tưởng nhau hơn, giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin nơi khách hàng của mình một cách khác biệt ấn tượng hơn. Việc doanh nghiệp Việt Nam dù nhỏ bé hay những tập đoàn lớn thì đa phần chẳng bao giờ đoái hoài đến việc mình hứa gì và làm gì để thực hiện những lời hứa ấy, dở tệ hơn là khi hứa thì rất hoành tráng, nhưng khi gặp phải vấn đề thì lại đẩy khách hàng ra và coi như mình không có liên quan, hoặc giải quyết vấn để một cách khô cứng, đầy thủ tục hành chính để "tình yêu của mình" phải nản chí mà bỏ cuộc.

Hãy hứa và biết giữ lời hứa nếu muốn trở thành "người yêu" của khách hàng mà mình theo đuổi, bởi những gì được trân trọng và quý mến thì sẽ trở thành thứ đắt giá mà chẳng dễ dàng gì đối thủ có được. Đó vừa là tình yêu vừa là phương châm hành động của doanh nghiệp và cũng là thứ vũ khí lợi hại giúp doanh nghiệp trường tồn và phát triển bền vững.


Mai Quang Quỳnh
Giám đốc sáng tạo thương hiệu AzlogoBrand
https://www.facebook.com/maiquangquynhbrand
https://quynhbrand.blogspot.com/

(Việc share kiến thức tôi luôn ủng hộ, nhưng việc không để tên tác giả lại khiến tôi không hài lòng. Vì vậy, nếu đăng lại bài viết này và những bài viết khác của tôi, vui lòng ghi rõ tác giả và chức danh. Thanks)