CHANGE cảnh tỉnh tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa bằng chiến dịch CSR ‘Nhân Nhựa’

CHANGE cảnh tỉnh tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa bằng chiến dịch CSR ‘Nhân Nhựa’

Vào tháng 11/2020, CHANGE phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp chính thức khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên ‘Nhân Nhựa’, với thông điệp xuyên suốt: “Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai”.

Hành trình của chiến dịch ‘Nhân Nhựa’

Chiến dịch gồm 3 giai đoạn trải dài từ 10/2020 – 3/2021; với giai đoạn I (30/10 – 18/11) là cung cấp kiến thức xoay quanh vấn đề ô nhiễm rác nhựa trên sông Sài Gòn, giai đoạn II (19/11 – 27/12) sẽ cung cấp những kiến thức ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, và giai đoạn III (2/2021) khuyến khích công chúng trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các giải pháp hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

CHANGE cảnh tỉnh tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa bằng chiến dịch CSR ‘Nhân Nhựa’

Hình ảnh trong chiến dịch Nhân Nhựa

Chiến dịch Nhân Nhựa lấy hình tượng chủ đạo là thế giới viễn tưởng, khi những nhà khoa học ở hiện tại phát hiện ra một thông điệp cảnh báo của loài sinh vật “nửa người nửa nhựa” đến từ tương lai, khi con người hấp thụ quá nhiều vi nhựa.

Những sản phẩm đã được ra mắt

Đó là một website với tên miền https://www.nhannhua.com – nơi mọi người có thể cùng nhà khoa học tìm hiểu thông tin về thực trạng ô nhiễm nhựa và vi nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là tại sông Sài Gòn.

Video hoạt hình Nhân Nhựa kể về hành trình của các nhà khoa học tìm hiểu nguồn gốc của loài sinh vật này. Qua đó, giúp mọi người hiểu hơn về quá trình tiêu thụ và xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Video hoạt hình Nhân Nhựa

Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE chia sẻ: “CHANGE đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông vận động cộng đồng và giới doanh nghiệp thay đổi thói quen và đề xuất các giải pháp thay thế bền vững cho vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với giới khoa học để có những cơ sở đáng tin cậy hơn nữa cho các thông điệp của chúng tôi. Tôi hy vọng rằng, các nghiên cứu khoa học nghiêm túc của nhóm các nhà nghiên cứu người Pháp và người Việt trong dự án COMPOSE, kết hợp với tính sáng tạo của chiến dịch qua hình tượng ‘Nhân Nhựa’ sẽ đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ và có tính thuyết phục hơn để mọi người cùng thay đổi thói quen dùng đồ nhựa dùng một lần, nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính mình và môi trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục đe doạ tính mạng con người trên toàn cầu”.

Thực trạng ô nhiễm nhựa trên sông Sài Gòn

Tại TP.HCM, trong 250.000 tấn rác thải nhựa thì có 48.000 tấn được đem đi chôn lấp, hơn 200.000 tấn được tái chế hoặc thải thẳng ra môi trường. Đặc biệt với sông Sài Gòn – con sông có lượng rác thải nhựa nhiều thứ 5 tại Việt Nam và thứ 45 trên thế giới, lượng rác thải nhựa đổ ra sông vào tháng 3/2018 được ghi nhận từ 5,6-10,3 tấn/tháng. Dựa theo con số này, lượng nhựa hằng năm ước tính rơi vào khoảng 7.500-13.000 tấn/năm.

Mỗi lít nước sông Sài Gòn đổ ra biển có lượng vi nhựa gấp 1.000 lần sông Seine ở Paris, theo nghiên cứu của COMPOSE.

Tuỳ vào mùa mà số lượng vi nhựa dạng sợi trên dao động từ 22-519 sợi vi nhựa/lít sông. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cứ mỗi khi một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ con người. Khi đó, con người có thể bị mất cân bằng hormone, mắc các căn bệnh về thần kinh, hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác. Những nguy cơ này chính là lý do để CHANGE thực hiện chiến dịch Nhân Nhựa, nhằm kêu gọi thay đổi hành vi tiêu dùng để giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam.

Theo dõi những hoạt động tiếp theo của chiến dịch Nhân Nhựa tại đây.