5 Mẹo ASO Trên App Store Dành Cho Nhà Phát Triển Ứng Dụng Mobile 2021
Lời nói đầu
Kết thúc tháng 11 2020, Số lượng Ứng dụng trên Apple App Store vượt qua mốc 1,52 triệu. Đó là một tín hiệu tuyệt vời! Đối với hầu hết các Nhà phát triển ứng dụng, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn dù các yếu tố vẫn chưa cho thấy thị trường Ứng dụng Mobile nói chung và App Store nói riêng có dấu hiệu bão hòa. Ở một diễn biến khác, Apple đã chi trả cho các Nhà phát triển 10 tỷ USD trong năm 2019, tuy nhiên phần doanh thu đó chỉ chiếm chưa đến 1,6% tổng doanh thu thực. Chắc chắn, một số ít Ứng dụng đã rất thành công. Thế nhưng báo cáo của Nielsen cho thấy, người dùng Mobile toàn cầu trung bình chỉ sử dụng khoảng 27 Ứng dụng mỗi tháng. "Sử dụng" ở đây được định nghĩa: Ứng dụng được mở ít nhất mỗi tháng một lần, cùng với những Ứng dụng tiện ích cơ bản được cài đặt sẵn như email, tin nhắn, đồng hồ báo thức,.. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Nhà phát triển không chú trọng ASO - App Store Optimization, Ứng dụng của họ sẽ là vô hình trong "Đại dương Ứng dụng". Tuy nhiên, sự cạnh tranh như vậy là không ngạc nhiên. Nền kinh tế Ứng dụng Mobile vốn đang phát triển với tốc độ vượt trội và “nổi như cồn”. Doanh thu từ mảng Ứng dụng đang tăng nhanh hơn bao giờ hết và hiện tại lưu lượng truy cập từ người dùng Mobile chính thức chiếm lĩnh vị trí hàng đầu của Web, cho dù trong thương mại điện tử, quảng cáo hay tìm kiếm. Vậy kết quả sẽ ra sao nếu Ứng dụng của bạn trôi dạt trong “Đại dương Ứng dụng” và tệ hơn, “không bao giờ ngoi lên mặt nước”? Bài viết này, mình mong muốn chia sẻ đến mọi người 5 Mẹo ASO Trên App Store Dành Cho Nhà Phát Triển Ứng Dụng Mobile 2021
Mẹo 1: Tối Ưu Bộ Cài Đặt - Tên Ứng Dụng, Biểu Tượng, Hình Ảnh, Video Và Mô Tả
Tên Ứng dụng là công cụ ASO hiệu quả hàng đầu. Suy cho cùng, ASO cho Ứng dụng về cơ bản là công tác giúp tăng tỷ lệ xuất hiện và tần suất truy cập khi người dùng thực hiện tìm kiếm trên cửa hàng Ứng dụng. Vì vậy tên Ứng dụng có vai trò quan trọng số 1 khi thực hiện ASO. Đối với App Store, Nhà phát triển cần điều chỉnh tên Ứng dụng sao cho dễ đọc, dễ nhờ và gói gọi trong 38 ký tự (kể cả khoảng trống). Tránh bị ẩn một phần tên Ứng dụng nếu có độ dài hơn số đó. Một lưu ý nữa là tiếng Việt có các từ đồng âm, cách phát âm, chính tả. Nhà phát triển Ứng dụng nên quan tâm việc phát âm tên Ứng dụng và đánh vần, tránh bị nhầm lẫn bởi người dùng.
Biểu tượng Ứng dụng và các hình ảnh được đặt lên trang cửa hàng cũng cần được chú ý không kém. Về độ lớn & độ nét hình ảnh cần được đảm bảo. Biểu tượng Ứng dụng nên được chú trọng điều chỉnh các yếu tố về mặt biểu trưng, xúc tích, hình tượng tinh tế, mô tả dễ hiểu và thân thiện với người dùng. Tránh các trường hợp nhiều yếu tố lộn xộn trên nền biểu tượng. Về hình ảnh trên trang Ứng dụng, ngày nay nhiều Nhà phát triển vẫn thường mắc lỗi khi đặt các hình ảnh khổ ngang (Landscape) thay vì khổ dọc (Portrait) - đối với Ứng dụng trò chơi cần xoay ngang màn hình thì ngược lại.
Video có vai trò quan trọng giúp tăng yếu tố Call To Action (kêu gọi hành động) nhằm cải thiện Click to Install Rate (CR - tỷ lệ thực hiện cài đặt Ứng dụng). CR vẫn luôn là điểm mấu chốt đối với mọi Nhà phát triển, kể cả lưu lượng người dùng được dẫn đến từ kênh Organic hay Paid Ads. Mẹo về Video, Nhà phát triển chỉ nên sử dụng Video có độ dài từ 15 đến tối đa 25 giây dưới định dạng chất lượng tối thiểu HD+ dù là Video 2D Animation (hoạt cảnh 2D) hay Live Action (người đóng).
Về mô tả Ứng dụng, Nhà phát triển sẽ có nhiều sự lựa chọn, theo khuôn mẫu hoặc sáng tạo thú vị. Tính năng App Store có nhiều điểm khác biệt với cửa hàng Ứng dụng Google. Khác biệt lớn nhất là vị trí xác định từ khóa (Keywords). Trên App Store, Nhà phát triển có thể tự do hơn, bay bổng hơn ở phần mô tả. Hiện tại, đối với một số Ứng dụng hàng đầu App Store, phần mô tả được xây dựng là một câu chuyện (Story) thay vì các mô tả thô. Mẹo ở phần mô tả, Nhà phát triển nên dịch phần mô tả ra 2 hoặc 3 ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Phổ Thông song song (tùy vào đối tượng người dùng mục tiêu). Tuy nhiên, tổng số ký tự chỉ nên ở giới hạn 3855 kể cả khoảng trắng.
Mẹo 2: Xuất Hiện Trên Bảng Xếp Hạng Ứng Dụng
App Store vẫn luôn được gọi là "Thị trường 1%". Hiện tại, chỉ một số ít các Ứng dụng dẫn dầu bảng xếp hạng đạt được phần lớn tổng doanh thu đề cập trên. Để có thể xuất hiện ở vị trí cụ thể trên bảng xếp hạng Ứng dụng không phải là điều dễ dàng. Ví dụ, để xuất hiện ở bảng xếp hạng Top 25 Ứng dụng hàng đầu Bắc Mỹ, Nhà phát triển cần có ít nhất 120.000 lượt cài đặt Ứng dụng trong 72 giờ liên tục. Điều đó đòi hỏi một lượng ngân sách App Marketing khổng lồ. Tuy nhiên, đối với mỗi bảng xếp hạng Ứng dụng tại từng khu vực và vùng lãnh thổ khác nhau đều có sự khác biệt. Ví dụ, thay vì chọn khởi đầu ở Bắc Mỹ, Nhà phát triển có thể đặt mục tiêu các bảng xếp hạng tại các khu vực Vương Quốc Anh, Pháp hoặc Đức,.. nơi mà ngưỡng để xuất hiện ở vị trí cao trên bảng xếp hạng Ứng dụng có thể đạt được với ngân sách thấp hơn, đồng thời với tỷ lệ doanh thu không kém. Ở thị trường Việt Nam, ta dễ dàng nhận thấy VNG và Garena đã và đang không ngừng thống trị trên bảng xếp hạng Ứng dụng trò chơi hoặc Ví Momo, Shopee vẫn thường xuyên xuất hiện trong Top10 bảng xếp hạng Ứng dụng miễn phí.
Mẹo 3: Cải Thiện Đánh Giá Người Dùng
Khi nói đến việc có ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi (CR: Click to Install Rate), xếp hạng Ứng dụng và đánh giá người dùng chiếm 75% và hơn thế. Trong khi ảnh chụp màn hình và mô tả chỉ chiếm lần lượt 15% và 10%. Vì vậy, đánh giá từ phía người dùng càng tốt, Ứng dụng càng nhận được nhiều lợi thế. Một cách để đạt được chúng là đảm bảo Ứng dụng được kiểm tra tốt, bảo trì định kỳ và vận hành trơn tru (theo App Annie, phần lớn các đánh giá một sao phàn nàn về các sự cố thường xuyên). Mẹo cải thiện đánh giá người dùng, Nhà phát triển Ứng dụng sẽ có nhiều hướng xử lý như: Phản hồi người dùng đánh giá 1 sao và xoa dịu họ ở phần để lại bình luận; Nhanh chóng xử lý các lỗi đang gặp phải và tiến hành đẩy thông báo trong Ứng dụng đã điều chỉnh - hỏi họ đã hài lòng với sự điều chỉnh đó?.. Và khá nhiều trường hợp khá mà Nhà phát triển có thể áp dụng nhanh.
Mẹo 4: Lựa Chọn Thời Điểm ASO Hợp Lý
Mọi Nhà phát triển Ứng dụng ra mắt sản phẩm, họ đều quan tâm "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Vì vậy việc lựa chọn thời điểm, thời gian nào để ASO là hợp lý, phù hợp nhất sẽ là một trong những nguyên tố không kém phần quan trọng. Nói cách khác, ASO sẽ là công tác thiết yếu ở một số thời điểm nhất định và ở giai đoạn đó, ASO sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất - chạm đỉnh biên độ hiệu suất: Tăng tối đa Visibility (tần suất hiển thị. Nói cách khác, ta có đồ thị ASO tương tự như 1 Parabol với công thức sau:
Công thức: ASO = A.(Visibility)2 + CR.(Visibility) + Risky
- A: thời điểm | TH1: A = -1 (sai thời điểm) | TH2: A = 1 (đúng thời điểm)
- CR: Click to Install Rate
- Risky: Hằng số rủi ro | Risky < 0 | hằng số này được xác định dựa trên khu vực & tập người dùng mục tiêu mỗi ngành Ứng dụng khác nhau
Ví dụ: Trong tình huống Covid-19 xảy ra vào tháng 4 2020 vừa qua, Nhà phát triển Ứng dụng ZOOM Cloud Meetings thực hiện ASO. Ta có: A = 1 & Visibility đạt giá trị cực đại. Mẹo chọn thời điểm ASO hợp lý, Nhà phát triển Ứng dụng nên tiến hành ASO trước khi ra mắt Ứng dụng, triển khai các chiến dịch User Acquisition (thu hút người dùng mới); khi cập nhật tính năng mới hoặc có các chức năng, công nghệ được nâng cấp,..
Mẹo 5: Chiến dịch ASA Và Tiến Hành "Cuộc Chiến Xâm Lược Từ Khóa"
ASA viết đầy đủ là App Store Search Ads Advanced - có phiên bản Basic App Store Search Ads nữa nhưng nó sẽ không đủ sức đọ lại bản Advanced được Apple cập nhật tháng 10, 2020. Nhà phát triển Ứng dụng có thể hiểu đây là 1 dạng Paid Search Ads nhưng không phải trên Google Search mà là trên trang cửa hàng Ứng dụng của Apple (không bao gồm Safari - các bạn Agency hay nhầm lẫn chỗ này nhé!). Để giải thích ASA là gì, mọi người hãy ngay lập tức thử vào Search Bar (thanh tìm kiếm) trong App Store và tìm tên Ứng dụng BAEMIN xem sao? Kết quả đầu tiên xuất hiện có phải BAEMIN hay sẽ xuất hiện ở hàng thứ 2? Đó gọi là ASA. Hay ta có thể hiểu: ASA là cách mà cách thương hiệu Ứng dụng thực hiện Self-Brands-Protection hoặc là không.
Cuộc Chiến Xâm Lược Từ Khóa
Ở một mặt trận khác, Keywords (từ khóa) lại là một cuộc chiến xâm lược diện rộng. Nên nhớ, cơ chế tìm kiếm chủ yếu của Apple App Store vẫn là từ khóa chứ không phải giọng nói hay hình ảnh như trên Google Search. Thậm chí mảng từ khóa trên Google Search Ads còn khốc liệt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Apple lại không muốn mọi thứ đơn giản như thế. "Nếu trên thế gian này có 2 thứ không mua được bằng tiền, thì số 1 là sự chung thủy của người yêu cũ và số 2 sẽ là keywords ownership (chiếm hữu từ khóa) với Apple App Store." Để đảm bảo sự cân bằng và tránh bị chi phối hoàn toàn, App Store vẫn có tỷ lệ hiển thị Organic được xếp hạng theo thang điểm Hệ số Elo (cường số). Ví dụ, Ứng dụng Duolingo hiện đang có hệ số Elo rất tốt. Suy cho cùng, Cuộc Chiến Xâm Lược Từ Khóa là hành vi của Nhà phát triển A sử dụng bộ từ khóa có các từ khóa trùng lặp hoặc tên cụ thể của Ứng dụng B trong cùng ngành Ứng dụng nhằm cạnh tranh trực tiếp tần suất hiển thị Ứng dụng khi người dùng IOS thực hiện thao tác tìm kiếm Ứng dụng B.
Tóm lại, ASO sẽ là vũ khí lợi hại với nhiều Nhà phát triển Ứng dụng. Không chỉ các Ứng dụng hàng đầu, các Doanh nghiệp phát triển Ứng dụng Startup trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác ASO khi chuẩn bị ra mắt sản phẩm của họ. Tuy nhiên, để triển khai ASO, chúng ta cần nguồn tài nguyên nhất định không chỉ riêng ngân sách mà còn đầu tư thời gian, chất xám. Vì vậy, mình mong thông qua bài viết này, các Nhà phát triển Ứng dụng Việt Nam sẽ có một góc nhìn trực quan nhất về tầm quan trọng của ASO trong khi một vài đội ngũ phát triển Ứng dụng vẫn đang chật vật với công tác tối ưu bộ cài đặt Ứng dụng của họ trên Apple App Store.
Tuanngoth.