Tại sao TVC tại Việt Nam lại nhàm chán ?
TVC hay viết đầy đủ là Television Commercial (quảng cáo trên TV) là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để một thương hiệu có thể khuếch đại tầm nhận diện của mình. Nói một cách đơn giản thì đó như là một lời rao của người bán hàng có sở hữu bộ loa công suất lớn, chỉ cần rao một tiếng là cả khu phố ai cũng sẽ biết đến sự hiện diện của gánh hàng đó. Nhưng, ở góc độ bài viết này, tính hiệu quả của TVC sẽ không được bàn đến mà thay vào đó là một thứ thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều, chính là nội dung của những TVC .
Thực trạng nội dung TVC hiện tại.
Dễ nhận thấy rằng, các quảng cáo ở Việt Nam thường làm theo lối "mì ăn liền", tức là thông tin, tên sản phẩm sẽ đập "bùm bụp" vào mắt và tai của khách hàng khi họ đang xem quảng cáo. Mười cái thì phải đến chín cái là giống nhau về nội dung và cách làm, khác mỗi tên thương hiệu. Điều này làm cho quảng cáo ở Việt Nam cực kì nhàm chán và nhìn chung, người Việt Nam thường có khuynh hướng chuyển kênh hoặc tắt tivi mỗi khi giờ quảng cáo đến.
Vậy có phải khách hàng ghét xem quảng cáo không ? Câu trả lời là không. Hàng ngày, vẫn có những lượt share hàng nghìn like về một TVC quảng cáo sáng tạo bên nước ngoài, chứng tỏ một điều rằng nếu các TVC có nội dung tốt, cốt truyện lôi cuốn thì chẳng có khách hàng nào nỡ tắt tivi đi cả, trái lại, họ còn sẵn sàng theo dõi, chờ đợi để được xem hết quảng cáo đó. Vẫn nhớ chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm Pond's Flawless White, bên Pond đã sản suất 7 TVC trong series "7 days to love" trình chiếu trong vòng 1 tháng và nhận được thành công cực kì rực rỡ. Yếu tố thành công đó một phần nhờ thị hiếu người xem lúc đó đang ưa chuộng phim Hàn Quốc tình cảm, ngày đăng TVC đầu tiên lại trùng với ngày Valentine nên kích thích được trí tò mò của người xem, nhưng chung quy lại thì thành công đó chính là do nội dung của quảng cáo được trau chuốt cẩn thận và có nút thắt mở, cuốn hút được người xem phải chăm chú theo dõi theo cốt truyện ấy.
Vậy là nguyên nhân do đâu ?
Nhìn với thực trạng của quảng cáo của Việt Nam, khi người xem cực kì ngán ngẩm mỗi khi đến giờ quảng cáo. Vậy thì, có phải do các agency ở Việt Nam làm việc kém hiệu quả không ? Để trả lời câu hỏi này thì có lẽ chúng ta nên tìm hiểu qua cơ chế làm việc của agency. Đó chính là trong các TVC quảng cáo, người duyệt cuối cùng là những công ty đặt hàng quảng cáo, mọi nội dung dù có hay đến đâu nhưng những công ty đó không duyệt thì vẫn chỉ là story board nằm trên giấy. Do vậy, chúng ta cũng không thể trách agency được vì họ chẳng nắm quyền tự quyết ở đây, quyền tự quyết nằm tại những công ty đặt hàng sản xuất quảng cáo.
Với thực tế ấy những công ty quảng cáo sẽ là thành phần "xây dựng" nên sự nhàm chán trong các TVC ở Việt Nam rồi. Nhưng nói thế thì vẫn chưa phải, những công ty này cũng có nỗi khổ của riêng họ. Ai cũng muốn TVC mình nổi bật, có một cốt truyện hay, phải làm cho những khán giả phải tập trung mà theo dõi. Họ tất nhiên là biết làm TVC kiểu "mì ăn liền" như phần đông quảng cáo ở Việt Nam sẽ là rất nhàm chán, nhưng có một vấn đề họ phải đảm bảo, đó là người xem phải hiểu được ý của TVC muốn truyền tải về sản phẩm, phải có ấn tượng về thương hiệu đó để qua đó tăng nhận diện của thương hiệu mình lên. Mà với thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, chắc chắn những TVC có cốt truyện cuốn hút với thông điệp ẩn chưa chắc đã làm tốt hơn một TVC "mì ăn liền" trong công cuộc tăng nhận diện thương hiệu.
Tại sao lại nói như vậy ? Theo thống kê của CIEM về kinh tế của Việt Nam, có tới 70% lực lượng lao động ở Việt Nam đang làm việc trong khu vực phi chính thức, tức là làm việc nay đây mai đó, thu nhập bấp bênh. Những người như vậy thì thường có nền giáo dục không cao lắm, dẫn đến việc những TVC với cốt truyện và những ẩn ý muốn truyền tải rất dễ bị "chìm" trong tâm trí của họ. Những TVC "mì ăn liền", tuy có hơi "xôi thịt" một chút, nhưng sẽ hoạt động khá hiệu quả bởi nó sẽ ngay lập tức nói cho người xem tên thương hiệu cũng như công dụng của sản phẩm, và với những người lao động thu nhập thấp, như vậy là đủ để họ có thể nhận biết một thương hiệu. Chung quy lại, chúng ta sẽ thấy được, quảng cáo muốn thành công, nó phải có khán giả xem và hiểu được nó, và với đa phần người dân Việt Nam, họ lại chỉ có thể hiểu được những điều giản đơn, dẫn đến việc thương hiệu phải đảm bảo chắc chắn rằng TVC của họ phải truyền tải được đúng những gì họ muốn đến với khách hàng. Và những TVC "mì ăn liền" ra đời như một kết quả tất yếu.
Vẫn biết TVC hay sẽ hấp dẫn được người xem, tạo tiếng vang "sáng tạo" cho các chiến dịch quảng cáo. Nhưng kết quả vẫn là đích đến cuối cùng, nếu như đa phần khách hàng chỉ hiểu được điều đơn giản thì liệu TVC "sáng tạo" có hiệu quả bằng những TVC "đơn giản" như hiện tại hay không ?