Live shopping bùng nổ khi cộng hưởng với Influencer
Live shopping là sự kết hợp hoàn hảo giữa khám phá và cân nhắc mua sản phẩm ngay trong một khoảnh khắc, thêm nữa, về bản chất đây là một kênh mang tính giải trí, nên mua sắm trở thành một hình thức khuây khoả.
Live shopping là sân chơi mới đầy hấp dẫn, đặc biệt với các công ty công nghệ Mỹ, trong năm 2020. Gã khổng lồ bán lẻ Amazon khơi mào với tính năng Amazon Live, ra mắt vào tháng 7, giúp Influencer kiếm tiền thông qua việc livestream. Theo sau là Instagram và Facebook ra mắt các tính năng mua sắm trực tiếp trên ứng dụng của riêng mình vào tháng 8. Area 21, phòng R&D của Google, cũng ra mắt Shoploop, nền tảng mua sắm thông qua video. Nhiều tập đoàn và cả những công ty khởi nghiệp nhỏ hơn đều đang nỗ lực biến live shopping trở thành tương lai của ngành bán lẻ.
Chính sự thành công rực rỡ của tính năng này tại thị trường Trung Quốc đã tạo dựng niềm tin rằng live shopping cũng sẽ nở rộ tại thị trường Mỹ. Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), trong tháng 3, khoảng 265 triệu người mua sắm thông qua livestream, chiếm 37% lượng người mua sắm trực tuyến tại quốc gia này. Ngôi sao truyền hình Kim Kardashian thậm chí đã bán sạch 15.000 lọ nước hoa ngay trong buổi livestream hợp tác với một Influencer đến từ Trung Quốc.
Bà Layla Amjadi, Trưởng nhóm phát triển sản phẩm Instagram Shopping, nhận định: “Live shopping là sự kết hợp hoàn hảo giữa khám phá và cân nhắc mua sản phẩm ngay trong một khoảnh khắc, thêm nữa, về bản chất kênh mang tính chất giải trí, nên mua sắm trở thành một hình thức khuây khoả. Bạn không chỉ nghe về nó, thấy nó trong thực tế và cả cách nó được sử dụng”.
Tình hình dịch khiến nhiều cửa hàng đóng cửa càng làm gia tăng quá trình chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến. Live shopping rồi sẽ trở thành một kênh cơ bản trong bán lẻ, đặc biệt khi cộng hưởng với độ lan toả và sự hăng hái của các influencer.
Bà Amjadi cho biết đã có 40.000 người theo dõi sự kiện live shopping trên Instagram của Nikita Dragun, một YouTuber trong lĩnh vực trang điểm, với khoảng 5.000 sản phẩm được thêm vào giỏ hàng trong thời gian diễn ra.
Bà Amjadi cho rằng: “Có một khao khát ngấm ngầm trong việc tìm hiểu về các thương hiệu và sản phẩm mà những người bạn ngưỡng mộ đang sở hữu”.
Những Influencer, chưa có sản phẩm mang thương hiệu riêng, có thể kiếm tiền thông qua hợp tác với các nhãn hàng, nhưng việc này còn tuỳ thuộc vào từng nền tảng. Amazon cho phép gắn liên kết (affiliate links) vào các sự kiện trực tuyến, trong khi đó, Instagram yêu cầu các nhãn hàng phải đăng ký trước với Facebook trước khi được phát sóng. Hiện các nhãn hàng chỉ có thể kiếm tiền trên Instagram, và Facebook sẽ nhận được hoa hồng từ các giao dịch.
Bà Lauren Beitelspacher, Phó Giáo sư Marketing tại Đại học Babson, cho rằng điều cốt yếu tạo nên thành công cho live shopping nằm ở sự tin tưởng và ngưỡng mộ của những người theo dõi đối với các Influencer. Điều đó khiến họ trở thành nhân viên bán hàng hoàn hảo.
Bà nói: “Live shopping với Influencer, về cơ bản trông như đang mua sắm với một người bạn, hoặc ai đó mà bạn khao khát được trở thành. Tôi thấy xu hướng đó đang gia tăng”.
Việc giao tiếp giữa Influencer với người theo dõi là phần không thể thiếu trong live shopping, người xem có thể đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về sản phẩm. Facebook còn nhấn mạnh khía cạnh tương tác của live shopping trong bản hướng dẫn thực hiện của họ. Theo đó, hãy trả lời tất cả những người nhắn tin và bình luận vì việc đó góp phần “biến họ thành khách hàng mới”.
Tuy nhiên, chẳng phải nhà sáng tạo nào cũng thành công rực rỡ. Google từng thuê Hélène Heath, một Influencer mảng thời trang và làm đẹp, tạo nội dung cho sự kiện ra mắt Shoploop. Tuy nhiên cô ấy đã không kiếm được bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ các liên kết thương hiệu được gắn vào 9 video của cô. Heath chia sẻ: “Cần có sự cân bằng giữa chuyện tỏ ra như một người bạn thật sự thích sản phẩm, với chuyện chào mời người xem mua hàng”.
Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: The Verge