YouTube ra mắt 2 tính năng mới nhằm đáp ứng xu hướng Audio Advertising

YouTube ra mắt 2 tính năng mới nhằm đáp ứng xu hướng Audio Advertising

Sự thiếu vắng của các buổi concert nhộn nhịp đã thúc đẩy người yêu âm nhạc đến với các nền tảng trực tuyến. Nhận thấy mong muốn nội dung và trải nghiệm mới mẻ hơn từ họ, YouTube ra mắt 2 tính năng mới nhằm củng cố nền tảng video và dịch vụ quảng cáo của mình.

Ngày 17/11/2020, YouTube ra mắt 2 dịch vụ quảng cáo mới gồm: Dynamic music playlist cho phép thương hiệu mua, chèn quảng cáo vào các danh sách phát tự động đó nhằm tiếp cận đến nhiều người nghe hơn, và Audio ads – quảng cáo âm thanh. Hiện bản dùng thử đã được cấp riêng cho các nhà quảng cáo toàn cầu của YouTube. Còn Audio ads sẽ được triển khai vào năm sau.

Ông Adam Stewart – Phó giám đốc bộ phận sales của YouTube, chia sẻ: “Cơ hội quảng cáo trên chương trình truyền hình, lễ trao giải, sự kiện thể thao… từng rất rộng mở thì nay trở nên vô cùng eo hẹp. Trái lại, nền tảng âm nhạc trực tuyến phát triển vô cùng mạnh mẽ”.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA), doanh thu thị trường phát trực tuyến của Mỹ năm 2020 dự kiến đạt thêm 1 tỷ USD. RIAA ghi nhận lượng đăng ký dịch vụ phát trực tuyến tăng 24%, và các dịch vụ có hỗ trợ quảng cáo tăng 3% trong vòng nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. YouTube cũng công bố doanh thu tăng lên đáng kể khi số người đăng ký gói dịch vụ Premium và Music đạt mốc 30 triệu (con số này sẽ là 35 triệu nếu bao gồm người dùng thử miễn phí).

YouTube ra mắt 2 tính năng mới nhằm đáp ứng xu hướng Audio Advertising

Ảnh: Search Engine Journal

Theo ông Stewart, với tính năng Dynamic music playlist, thương hiệu có thể chạy quảng cáo trên các danh sách phát nhạc ở 63 thị trường khác nhau. Thêm vào đó, doanh thu đến từ quảng cáo trên video ca nhạc hoặc những lượt phát trực tuyến của người dùng trả phí sẽ được chia lại cho nghệ sỹ. Cụ thể, kể từ tháng 2/2020, YouTube đã trả 12 tỷ USD cho ngành công nghiệp âm nhạc, tăng hơn 3 tỷ USD so với năm 2019.

Giám đốc Chiến lược Truyền thông tại Nexstar Digital, bà Kathleen Neumann lưu ý: “Dịch vụ phát trực tuyến ngày càng phát triển trong bối cảnh của đại dịch khi liên tiếp nhiều buổi hoà nhạc trực tiếp bị huỷ hoặc tạm dừng. Hơn nữa, Spotify và Apple đang thống trị thị trường quảng cáo âm thanh kỹ thuật số, nên sự gia nhập của YouTube sẽ giúp thu hẹp khoảng cách”.

Mặt khác, về cơ bản Google đã phát triển quảng cáo kỹ thuật số hơn 1 thập kỷ nhưng các tuỳ chọn quảng cáo của YouTube về âm nhạc vẫn còn rời rạc. Do đó, Giám đốc Lập trình toàn cầu của Publicis Media Zenith, ông Charlie Saunders bày tỏ sự ngạc nhiên: “Khá bất ngờ khi Google lại mất một khoảng thời gian dài để triển khai dịch vụ quảng cáo âm thanh”.

Ngoài ra, một dịch vụ khác là YouTube Select ra mắt hồi tháng 5/2020 cho phép các nhà quảng cáo tiếp cận khách hàng tiềm năng ngay trên những video phổ biến thuộc nền tảng.

YouTube ra mắt 2 tính năng mới nhằm đáp ứng xu hướng Audio Advertising

Ảnh: Gadget

Phó Giám đốc bộ phận Sales của YouTube nhấn mạnh: “Nhà quảng cáo có thể tiếp cận khán giả theo cách thức đặc biệt và tăng doanh thu khi áp dụng các tính năng mới của YouTube. Đồng thời, ngành công nghiệp âm nhạc có thêm một công cụ giúp tăng thu nhập thông qua quảng cáo cũng như tận dụng sức mạnh từ lực lượng sale của Google trên quy mô toàn cầu”.

Tuy nhiên, YouTube cho rằng khán giả của họ chủ động hơn là thụ động. Vì theo ông Lyor Cohen – Giám đốc âm nhạc toàn cầu của YouTube, phần lớn người sử dụng các dịch vụ âm nhạc trực tuyến để nghe hơn là xem. Tuy nhiên, điều này không đúng với người dùng YouTube khi 85% lượt xem video âm nhạc trên nền tảng này diễn ra trước màn hình.

Vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh cách người dùng tương tác với âm nhạc. Ông Saunders cho rằng nếu Google có thể phân biệt chính xác giữa người dùng đang bật và tắt màn hình, thì quảng cáo âm thanh sẽ mang lại giá trị đáng kể cũng như nâng cao hiệu quả sản phẩm video.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Adweek