Tư duy lãnh đạo #1: Tạo ảnh hưởng cho nhân viên với bộ giá trị Tâm – Trí – Tín – Tài – Tầm
“Là một người lãnh đạo, trước hết phải chứng minh được năng lực của bản thân để làm tấm gương cho nhân viên. Thêm vào đó, vận hành doanh nghiệp bằng cái tâm không chỉ truyền cảm hứng làm việc cho cấp dưới mà còn có được cảm tình từ khách hàng.”
Đó là những chia sẻ của anh Trần Trọng Lê Hiếu, Nhà Sáng lập Học viện tóc Vietnam Basic Hair và CEO Chuỗi Salon Lê Hiếu trong chuyên mục ‘Tư duy Lãnh đạo’.
* Đây là chuyên mục do anh Nguyễn Khắc Long, CEO Học viện đào tạo OlymWorld và Brands Vietnam hợp tác thực hiện, phỏng vấn các anh chị hiện là lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, câu chuyện thực tế xoay quanh chủ đề Lãnh đạo. Từ đó, người đọc có thể đúc kết những bài học kinh nghiệm trên hành trình phát triển năng lực lãnh đạo của bản thân.
* Với những kinh nghiệm trong quá trình điều hành và quản lý doanh nghiệp, hãy chia sẻ góc nhìn của anh về phong cách lãnh đạo?
Nói về phong cách lãnh đạo thì có rất nhiều quan điểm khác nhau. Riêng tôi thường phân loại thành Tâm thế – Vị thế – Tài thế. Trong đó, tôi thích nhất phong cách Tâm thế, tức là làm gì cũng xuất phát từ “cái tâm”.
Cụ thể, bản thân nhà lãnh đạo phải là người hướng dẫn, định hướng cho nhân viên, cho họ thấy những giá trị mình xây dựng cho tổ chức. Khi đó, nhân viên sẽ thấu hiểu được cái tâm của mình, là luôn hết lòng vì họ và vì mục tiêu, sứ mệnh của doanh nghiệp.
* Vậy theo như tôi hiểu, góc nhìn của anh về phong cách lãnh đạo là, có người dùng vị thế tức dùng quyền, dùng tài thế là dùng tiền, còn tâm thế tức dùng trái tim, cái tâm của mình. Nếu dựa trên việc luôn mang lại giá trị cho mọi người, thì những người cấp quản lý, hoặc nhân viên của anh có phải là nhà lãnh đạo không?
Cấp lãnh đạo đầu tiên là quản lý. Nói đơn giản là “quản sao cho có lý”. Quản mà không có lý thì sẽ chịu sự bất bình từ nhân viên hoặc cấp trên, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết và đôi khi làm ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng. Trong vai trò lãnh đạo, mình phải nhìn ra vấn đề để hướng dẫn họ. Sau đó, khi họ đã "quản có lý" mới bắt đầu giai đoạn tiếp theo là tạo ảnh hưởng, truyền cảm hứng.
* Vậy bộ giá trị cốt lõi anh xây dựng cho đội ngũ nhân viên là gì?
Bộ giá trị cốt lõi tôi chia sẻ trong nội bộ nhân viên là Tâm, Tín, Trí, Tài, Tầm.
Tâm là tâm chân thành. Nhà lãnh đạo cần phải trung thực, thành tâm, thành tín trong công việc và các mối quan hệ.
Tiếp theo là tín. Vì làm ngành dịch vụ nên tôi phải giữ được chữ tín. Cái uy tín sẽ tạo nên nhân hiệu. Từ đó, nhân hiệu tạo nên thương hiệu. Tóm lại làm gì cũng phải đảm bảo lợi ích cho bản thân, khách hàng, và cả xã hội. Còn nếu không đủ 3 cái lợi đó thì tốt nhất là không làm.
Kế đến là trí, liên quan đến sự phát triển trí tuệ. Điều này nghĩa là nếu không chủ động học hỏi, phát triển thì sẽ bị đối thủ vượt mặt. Thế nên, hãy luôn đặt mục tiêu: ngày hôm nay phải giỏi hơn ngày hôm qua. Mỗi ngày chúng ta đều phải học tập, rèn luyện, tiếp thu thêm kiến thức để lên tầm mới.
Giá trị tài lại hướng đến sự khiêm nhường. Nghĩa là nếu bản thân là một người giỏi thì phải có cái tâm cho đi để hỗ trợ những nhân viên cấp dưới. Đúng hơn, với tôi, chữ tài cần hiểu đầy đủ gồm cả tài và đức.
Cuối cùng là tầm. Giá trị này hướng đến các quản lý đồng hành lâu năm với mình và cùng xây dựng ngành làm đẹp. Các nhân tài trong ngành rất thông minh và nếu “đấu 1-1” với các nước bạn thì chẳng thua kém ai. Thế nhưng hiện nay, cộng đồng chưa thực sự đoàn kết. Chẳng hạn ngành tóc ở nước ngoài có những nghiệp đoàn giúp người trong ngành kết nối, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ đó, từng đơn vị đều nâng cao kỹ thuật, củng cố tư duy, giúp cả cộng đồng, ngành tóc cùng phát triển.
* Vậy với bộ giá trị tâm – trí – tín – tài – tầm, anh đã áp dụng các giá trị đó thế nào vào đặc thù doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả kinh doanh?
Đầu tiên, về đặc thù doanh nghiệp, tôi chia mô hình salon tóc thành 4 loại khác nhau gồm Nghệ thuật, Công nghiệp, Lai giữa nghệ thuật và công nghiệp, và mô hình Giá rẻ.
Mô hình đầu tiên mang đậm tính nghệ thuật. Ở đó, người thợ tập trung chủ yếu vào tác phẩm nên số lượng ghế phục vụ không quá nhiều và giá thành cho một kiểu tóc rất cao.
Thứ hai là mô hình công nghiệp. Bản thân từ "công nghiệp" đã nói lên quy mô phục vụ. Khác với loại hình nghệ thuật, số lượng ghế nhiều hơn, yếu tố cảm xúc khi sáng tạo kiểu tóc cũng được bỏ qua. Lúc đó, người chủ salon phải tính toán hiệu suất, tức là trong một khoảng thời gian, 1 người thợ làm 1 kiểu tóc mang lại giá trị bao nhiêu.
Tiếp theo là mô hình lai giữa yếu tố nghệ thuật và công nghiệp. Ở đây, người chủ vừa đáp ứng được yếu tố sáng tạo của nghề vừa đảm bảo tính hiệu suất. Thêm vào đó, mục tiêu chính của salon là tạo “sân chơi” phù hợp với tay nghề của mỗi thợ tóc để họ xây dựng nhóm khách hàng thân thiết cho riêng mình.
Cuối cùng, mô hình giá rẻ có phân khúc thấp và thường tập trung vào dịch vụ chính là cắt hoặc gội. Đấy là mô hình bình dân và chuyên biệt.
Nếu người lãnh đạo có tài thì bất kể mô hình nào, họ cũng có thể đạt được hiệu quả kinh doanh mong muốn.
Tôi cho rằng, nếu người lãnh đạo có tài thì bất kể mô hình nào, họ cũng có thể đạt được hiệu quả kinh doanh mong muốn.
Với chuỗi salon Lê Hiếu, mỗi cửa hàng sẽ có cửa hàng trưởng hỗ trợ tôi truyền đạt lại bộ giá trị kể trên cho nhân viên. Điều mà công ty tôi hay chia sẻ nhất là tâm thiện lành. Bất kể làm gì cũng không gây hại cho người khác. Giá trị quan trọng thứ 2 là chữ tín. Vì là ngành dịch vụ mình cần làm sao để cho khách hàng hài lòng. Nếu khách hàng không thoả mãn với kết quả, salon sẽ mời người đó quay lại và chỉnh sửa cho đến khi họ vừa lòng. Suy cho cùng là để đạt được chữ tín. Và cuối cùng là giá trị "tầm", công ty sẽ hỗ trợ nhân viên đi học để nâng cao tay nghề. Đó là 3 giá trị tôi tập trung truyền tải cho đội ngũ nhân viên để hỗ trợ họ phát huy hết khả năng của mình.
Doanh số và số lượng khách yêu mến của những nhân viên làm việc với tâm thiện lành thường luôn cao hơn những người không có tâm huyết. Theo tôi, cách đo lường đó luôn đúng trong suốt bao nhiêu năm hành nghề. Thế nên, tôi luôn hướng nhân viên của mình vào giá trị tận tâm, uy tín, và cái tầm.
* Người ta bảo rằng tài năng thật sự của người lãnh đạo là khi họ vắng mặt, doanh nghiệp vẫn vận hành tốt. Anh có thể chia sẻ đôi chút về bí quyết trao quyền của mình không?
Nói về nghệ thuật trao quyền thì tôi nhớ đến bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trong đó, nhân vật Tào Tháo giỏi trong việc tự mình điều binh khiển tướng còn Lưu Bị tuy không giỏi bày binh bố trận nhưng có tài dùng người.
Liên kết câu chuyện trên với việc vận hành doanh nghiệp, tôi thấy rằng giai đoạn đầu, lý tưởng là sử dụng phương thức của Tào Tháo. Điều này có nghĩa là chứng minh năng lực trước bằng cách "xông pha đánh trận". Còn giai đoạn sau nên sử dụng phương pháp của Lưu Bị. Đó là sau khi đào tạo được người tài thì sẽ tin tưởng tuyệt đối, trao quyền, và tạo cơ hội để họ tự do lãnh đạo. Thế nên, trước hết mình cần đo lường để nắm rõ hiệu suất và hiệu quả làm việc của nhân viên.
Thay vì che giấu, cần thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, cùng nhân viên ngồi lại tìm giải pháp hay phương thức để đạt được mục tiêu đề ra.
Hiện tại, tôi đã giao quyền quản lý cho các trưởng cửa hàng. Tôi nghĩ người lãnh đạo nên truyền đạt rõ ràng mục tiêu doanh số, văn hoá, mong muốn của bản thân ngay từ đầu. Và khi hoạt động kinh doanh ổn, tôi không tham gia quá nhiều trừ khi có vấn đề nghiêm trọng. Mặt khác, các mục tiêu cũng cần linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm hiện tại.
Chung quy quan điểm trao quyền của tôi là tin tưởng và để cho nhân viên làm việc hết khả năng của họ. Người lãnh đạo cần động viên, khích lệ, chỉ dẫn họ trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, mình có thể hỗ trợ họ học thêm các khoá học liên quan đến lãnh đạo để giúp họ hiểu hơn về vai trò này.
* Trong suốt quá trình kinh doanh, có bài học lãnh đạo nào anh cảm thấy thấm thía và muốn chia sẻ lại với các bạn trẻ?
Bài học của tôi đơn giản đó là sự chân thành, nói được làm được để trở thành tấm gương cho nhân viên noi theo. Ngoài ra, theo tôi, người lãnh đạo còn cần cho nhân viên biết và hiểu rõ sứ mệnh, con đường mình hoạch định cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là giải thích cụ thể các lợi ích mà cấp dưới nhận được khi đồng hành cùng công ty.
Cụ thể, người lãnh đạo cần tạo điều kiện để nhân viên cảm thấy cuộc sống của họ an toàn, thoải mái. Và đảm bảo trong quá trình đồng hành với nhau, họ hạnh phúc, hài lòng với những giá trị cốt lõi mình đang xây dựng. Song song đó, cũng cần làm rõ những cam kết với nhân viên để mọi người cùng nhau làm việc hết mình và phát triển doanh nghiệp.
Cuối cùng, thay vì che giấu, mình cần thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, cùng nhân viên ngồi lại tìm giải pháp hay phương thức để đạt được mục tiêu đề ra.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam