FastWork: COVID-19 tác động Xu hướng ngành Nhân sự năm 2021 như thế nào?
Năm 2020, sự bùng phát dịch COVID-19 đã kéo theo vô vàn thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Trong đó ngành nhân sự là ngành chịu nhiều biến động hơn cả đặc biệt về nguồn dư cầu lao động và phương thức làm việc.
Theo các chuyên gia nhân sự, sức ảnh hưởng của COVID-19 sẽ còn biến động mạnh mẽ đến xu hướng ngành nhân sự vào năm 2021. Cùng với làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi một phần hay hoàn toàn ngành nhân sự là điều tất yếu trong năm tới.
Đứng trước tình hình đó, hiện nay các nhà quản trị nhân sự đang lao đao tìm cách cải thiện phương pháp làm việc, tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân tài tại tổ chức. Do đó, bài viết này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xác định xu hướng ngành nhân sự trong năm 2021 sẽ xoay chuyển ra sao, từ đó lên kế hoạch đối phó với chúng.
5 thách thức ngành Nhân sự phải đối mặt do COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp chao đảo bởi chi phí duy trì vận hành quá lớn trong khi nguồn cầu tiêu dùng thị trường sụt giảm chưa từng có trong lịch sử nhiều năm trở lại đây. Không chỉ khó khăn về mặt chi phí, các doanh nghiệp còn đối mặt với vô vàn thách thức khác như cách thức làm việc mùa dịch, cách phòng chống dịch lây lan, nguồn đầu tư... Tuy nhiên thách thức về nhân sự được các nhà quản trị đánh giá là một trong những vấn đề nan giải và khó kiểm soát nhất.
Điểm danh 5 thách thức về Nhân sự tiêu biểu mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong mùa dịch COVID-19:
1. Gánh nặng chi phí Nhân sự mặc dù mức tăng trưởng “âm”
Dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019, và chỉ sau 3 tháng đầu năm Việt Nam đã có hơn 40.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản kéo theo đó là sự sụt giảm nặng nề của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê từ Wikipedia, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam là 1,81% (quý II là 0,36%), đạt ngưỡng thấp nhất trong 10 năm qua. Theo dự báo IHS Markit, kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể chỉ tăng 1% năm 2020.
Một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự khủng hoảng của các doanh nghiệp là áp lực về chi phí. Đại dịch COVID-19 làm nguồn cầu tiêu dùng, cầu đầu tư trên thị trường giảm mạnh, các hợp đồng kinh tế vì thế bị đứt gãy, hệ thống sản xuất đình trệ do vắng mặt các đơn đặt hàng. Trong khi đó, chi phí vận hành doanh nghiệp như mặt bằng, máy móc, nguyên vật liệu, chi phí điều hành... vẫn luôn thường trực trong các doanh nghiệp. Một trong số những áp lực tài chính đó phải kể đến chi phí nhân sự. Theo thống kê của Mckinsey, chi phí dành cho bộ phận nhân sự tại các doanh nghiệp chiếm hơn 30% tổng chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu.
Gánh nặng chi phí là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không thể bám trụ trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp khác lựa chọn cắt giảm đến mức thấp nhất các chi phí như: cắt giảm nhân sự, thực hiện nhân sự đa nhiệm, giảm lương, giảm giờ làm.
2. Đảm bảo an toàn người lao động trong mùa dịch
Theo báo cáo của CDC, những người mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn gấp 5 lần các bệnh cúm, dịch tễ thông thường. Khoảng 21% bệnh nhân COVID-19 được nghiên cứu tử vong, trong khi tỷ lệ ở bệnh nhân cúm chỉ khoảng 3,8%.
Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, việc đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lao động mà vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra bình thường đè nặng lên vai các nhà quản trị.
3. Hiệu suất làm việc giảm – thời gian chết tăng gấp đôi
Theo thông tin tạp chí SHRM, dịch bệnh đã khiến cho 80% nhân sự trong các doanh nghiệp giảm đi phân nửa khối lượng công việc trong ngày. Thời gian chết tăng, hiệu suất công việc giảm là nguyên nhân khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh.
Khó khăn chồng chất khó khăn là những gì đang diễn ra tại văn phòng nhân sự của các doanh nghiệp. Áp lực giảm thời gian chết, tăng hiệu suất làm việc đè nặng trách nhiệm các nhà quản trị.
4. Bỡ ngỡ trong phương thức làm việc trực tuyến
Mô hình làm việc và quản trị nhân sự được thay đổi hoàn toàn trong mùa dịch. Làm việc từ xa nhanh chóng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Mặc dù đây là cách hiệu quả nhất để duy trì sự vận hành của các công ty, tuy nhiên đội ngũ nhân sự, quản lý cũng vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc và quản trị qua các nền tảng trực tuyến.
Hiện nay mô hình làm việc từ xa – văn phòng điện tử 4.0 đã nhanh chóng trở thành xu hướng ngành nhân sự trong tương lai.
5. Cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết
Nhân sự đảm nhiệm nhiều vị trí, vai trò khác nhau trong cùng một thời điểm được xem như những “viên ngọc quý” mà các doanh nghiệp săn lùng sở hữu. Ở thời kỳ dịch bệnh, việc chiêu mộ nhân sự đa nhiệm để cắt giảm đội ngũ nhân sự không thiết yếu trong doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, việc các doanh nghiệp cạnh tranh để giữ chân nhân tài và thu hút nhân sự đa nhiệm trở nên gay gắt hơn. Theo dự báo của các chuyên gia nhân sự, đây cũng sẽ trở thành xu hướng ngành nhân sự trong những năm tiếp theo.
5 xu hướng ngành Nhân sự trong kỷ nguyên số 2021
Trước những biến động của đại dịch và sự phát triển của khoa học công nghệ, tương lai ngành nhân sự sẽ có những thay đổi như thế nào? Những thay đổi đó ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản trị nhân sự của doanh nghiệp?
1. Làm việc từ xa – Remotely working
Nói một cách tích cực, đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với mô hình làm việc từ xa. Theo báo cáo của Mckinsey, Google cho 5.000 nhân sự làm việc tại nhà hết năm 2021, Twitter và Square cho biết họ có thể cho nhân viên làm việc từ xa bất cứ khi nào, 90% trong số 150.000 nhân viên của HCL trên toàn thế giới đang làm việc tại nhà. Theo ước tính của Công ty tư vấn Global Workplace Analytics, 30% lực lượng lao động toàn cầu sẽ có xu hướng làm việc từ xa, linh hoạt xoá bỏ cách thức làm việc hành chính văn phòng hiện tại.
Thêm vào đó, xu hướng lựa chọn nơi làm việc của lực lượng lao động Gen Z trong năm 2021 là một môi trường năng động, linh hoạt về thời gian, đề cao chất lượng công việc và tính sáng tạo. Theo khảo sát của Mckinsey, 74% nhân viên tại Mỹ được hỏi đều không muốn quay trở lại mô hình làm việc hành chính sau mùa dịch.
Mặt khác, mô hình làm việc hành chính ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, cách thức làm việc truyền thống gây sự gò bó và rườm rà đã không còn phù hợp.
2. Phúc lợi và sức khoẻ của nhân viên được đề cao
Năm 2021, sức khoẻ và chế độ đãi ngộ nhân viên sẽ được các doanh nghiệp chú trọng hơn.
Thực tế, hiện nay các loại công việc tại các doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người lao động. Theo khảo sát của Vitality, chỉ có 51% nhân viên cảm thấy thoải mái khi nói về sức khoẻ tinh thần tại nơi làm việc. Do đó việc nâng cao sức khoẻ và chế độ cho người lao động cần được quan tâm hơn. Theo khảo sát của Viện Sức khỏe Toàn cầu, 65% công ty đang tăng chi tiêu cho sức khoẻ, nâng cao tinh thần cống hiến, lan toả cảm hứng đến nhân viên.
3. HR – xu hướng ngành nhân sự bằng AI, VR
Năm 2021, xu hướng ngành nhân sự sẽ được hỗ trợ bởi rất nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến. Trong đó tiêu biểu là 3 công cụ sau: robot, AI, thực tế ảo VR
Sự hỗ trợ của Robot
Trong những năm tới, việc tự động hoá quy trình làm việc bằng Robot (RPA), AI và VR sẽ trở thành xu hướng ngành nhân sự trong tương lai. Ví dụ: Robot giúp việc giới thiệu nhân viên dễ dàng hơn cho các nhà quản trị nhân sự.
Sau khi ứng viên nộp đơn, các công cụ RPA có thể tự động cập nhật hệ thống theo dõi thông tin người nộp đơn, tạo hồ sơ nhân viên mới để công ty sử dụng và thu thập tài liệu cần thiết của nhân viên. Với sự tự động hoá các nhiệm vụ này, các nhà tuyển dụng và các nhà quản trị nhân sự có thể tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị cao hơn.
Trí tuệ nhân tạo AI
Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã triển khai công nghệ AI vào quy trình làm việc của họ. Các sản phẩm từ nền tảng trí tuệ nhân tạo được đánh giá là rất có lợi cho các nhà tuyển dụng, nhà tuyển dụng có thể sử dụng công nghệ AI tìm ứng viên trên thị trường, đánh giá và sàng lọc ứng viên một cách hiệu quả. Hơn nữa, AI cũng có vai trò cải thiện trải nghiệm của ứng viên cũng như nâng cao hiệu quả tuyển dụng của doanh nghiệp.
Thực tế ảo VR
Công nghệ VR là công cụ có giá trị để tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Công nghệ này đặc biệt hữu ích trong việc sàng lọc những ứng viên yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp cao.
4. Sử dụng Chatbot trong quản trị nhân sự
Ngoài blockchain và VR, Chatbot được xem là một công nghệ khác được kỳ vọng sẽ giúp đội ngũ nhân sự cải thiện trải nghiệm của nhân viên và tăng năng suất vào những năm tới. Nghiên cứu của FinancesOnline đã chỉ ra rằng 25% các tổ chức nhân sự sử dụng Chatbot và mang lại hiệu quả cao.
Thường được hỗ trợ bởi AI, Chatbot tự động hoá các nhiệm vụ gây tốn thời gian đội ngũ nhân sự như trả lời các câu hỏi về chính sách và lợi ích của công ty. Trợ lý thông minh này cũng có thể được sử dụng để cung cấp thông tin liên quan cho việc giới thiệu và đào tạo nhân viên, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Các công ty cũng đã có thể sử dụng Chatbot trong các cổng tự phục vụ cho các nhiệm vụ khối lượng lớn như cập nhật thông tin lợi ích và lên lịch.
Ngoài việc sử dụng nội bộ, Chatbot có thể nâng cao khả năng xử lý sàng lọc ứng viên và lên lịch phỏng vấn. Bằng cách này, các nhà tuyển dụng có thể tập trung thời gian của họ vào các nhiệm vụ có giá trị cao hơn như tìm kiếm nhân tài cho những vai trò khó lấp đầy.
5. Số hoá dữ liệu nhân sự
Theo dự báo nhân sự của các nhà nghiên cứu tại Stanford, lực lượng lao động 2025 sẽ biến đổi một cách đáng kể để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Theo số liệu từ tạp chí SHRM: 60% nhân sự toàn cầu sẽ được chuyển địch đến một môi trường tự động hoá để làm việc và cống hiến. Ở đây các văn phòng sẽ không còn tồn tại tình trạng quản lý dữ liệu, con người một cách thủ công, thay vào đó là mô hình quản lý dữ liệu bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại.
* Nguồn: FastWork.vn