Động thái của IG & WhatsApp trong việc bảo vệ quyền riêng tư, Spotify muốn chinh phục thị trường podcast?
Các ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến như Instagram, WhatsApp đã có hành động gì mới trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng? Spotify đang có tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ podcast hoàn chỉnh trong tương lai? Twitter sẽ giúp bạn “Like” chậm lại trước các thông tin không chính xác? Cuối cùng, tính năng Netflix Direct sẽ phù hợp với những ai đau đầu khi đưa ra lựa chọn.
Ngày nay khi quyền riêng tư bảo mật dữ liệu của người dùng Internet ngày càng được chú trọng, thì các ứng dụng về nhắn tin, gọi điện không ngừng cập nhật các tính năng mới nhằm giảm thiểu rủi ro rò rỉ dữ liệu.
Điển hình là vào cuối tháng vừa rồi khi chế độ biến mất (vanish mode) được giới thiệu trên tính năng nhắn tin của Instagram, người dùng chỉ cần vào màn hình đối thoại và vuốt lên để bật chế độ này. Khi vanish mode được bật lên, biểu tượng cảm xúc “shh” (im lặng) sẽ xuất hiện, màu nền tin nhắn sẽ chuyển sang màu đen, nội dung đối thoại sẽ biến mất khi tắt đi chế độ này. Đặc biệt hơn nữa nếu đang trong vanish mode mà bạn chụp ảnh màn hình hoặc quay video, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn cho đối phương biết.
Ngoài IG, WhatsApp gần đây cũng giới thiệu tính năng “tự động xoá tin nhắn”, chỉ cần bật tính năng này lên thì các tin nhắn đã phát đi sau 7 ngày sẽ bị hệ thống xoá đi.
Trong năm 2019, Spotify đã có 2 thương vụ lớn mua lại công ty podcast Gimlet Media và Anchor FM, và gần đây tiếp tục mua lại công ty quảng cáo podcast Megaphone với giá 235 triệu USD, nhằm trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ podcast hoàn chỉnh.
Ngoài việc không ngừng mở rộng nội dung dịch vụ, Spotify cũng ký kết độc quyền với Joe Rogan - một podcaster với chương trình cực kỳ phổ biến tại Mỹ mang tên Joe Rogan Experience. Theo trang điện tử công nghệ The Verge, Spotify có kế hoạch tung ra gói đăng ký hàng tháng, các nội dung sẽ được unlock tùy vào mức giá đăng ký. Ví dụ, khi chọn gói đăng ký cơ bản thì bạn sẽ nghe được các cuộc phỏng vấn độc quyền và các tập podcast, nhưng nội dung sẽ xen kẽ với các quảng cáo.
Gần đây, Twitter đang nghiên cứu một tính năng mới, đó là trì hoãn lượt thích của các bài đăng mà có thông tin không chính xác. Việc kìm hãm và tránh lan truyền thông tin sai lệch từ lâu đã trở thành một vấn đề nan giải đối với các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong thời đại số hoá hiện nay. Twitter cũng bắt đầu triển khai gắn tag “thông tin sai lệch”, “thông tin gây hiểu lầm” lên các bài đăng, nhằm cảnh báo người dùng và tránh lan truyền các thông tin đó.
Vào ngày 20 tháng 10 thì Twitter cũng giới thiệu tính năng - khuyến khích người dùng ghi thêm nhận xét của riêng họ và chọn trích dẫn từ một bài đăng gốc, thay vì chỉ chia sẻ bài đăng một cách trực tiếp. Điều này được xem là một cách nhắc nhở người dùng nhận thức được vì sao mình muốn chia sẻ thông tin này, cẩn thận kiểm tra lại thông tin trước khi lan truyền rộng rãi.
Khi bạn đi làm về muốn thư giãn, bật Netflix lên nhưng không biết xem gì đây? Những ai đã trải qua cảm giác đó thì nay Netflix đã nghe được nỗi lòng của bạn, tung ra “Netflix Direct”.
Tính năng mới này giống như một đài truyền hình, nó sẽ lên sẵn lịch phát sóng chương trình cả ngày, và người xem không cần phải suy nghĩ và đau đầu khi chọn lựa nên xem tiết mục gì. Netflix Direct sẽ được thử nghiệm ở Pháp vào tháng 12 năm nay, lý do chọn Pháp là khu vực thử nghiệm đầu tiên vì việc xem truyền hình truyền thống cực kỳ phổ biến tại đây và người dân có khuynh hướng chỉ muốn “ngả lưng vào ghế”, bấm xem TV mà không cần phải chọn chương trình.
Vào tháng 8 năm nay, Netflix đã tung ra chức năng “Shuffle Play” - lựa chọn các chương trình phù hợp với người dùng dựa trên big data, trong khi “Netflix Direct” thì lên lịch sẵn các chương trình cho tất cả người dùng.