Chuyện nghề Quảng cáo ngoài trời (Phần 2)
Đã là làm nghề, thì nghề nào mà chẳng khó, chẳng khổ, nhưng “trăm hay không bằng tay quen”, thợ làm lâu rồi sẽ thành thầy. Cái nghề làm quảng cáo ngoài trời cũng thế. Mới đầu thấy lạ, thấy khó, nhưng càng làm lại càng yêu lúc nào không hay.
Bài viết là chia sẻ chủ quan của đội ngũ Unique – đơn vị quảng cáo ngoài trời tích hợp (Integrated Outdoor Advertising).
Nối tiếp Phần 1, Phần 2 Unique xin kể về những câu chuyện từng trải trong suốt nhiều năm làm nghề của mình. Những nỗi niềm luôn luôn hiện diện, nhưng hơn tất thảy chính là quảng cáo được lên sóng và nhận được sự hài lòng của khách hàng – là tất cả niềm hạnh phúc của người làm nghề.
Nghề quảng cáo ngoài trời – những nỗi niềm
“Nghề quảng cáo ngoài trời có phải là đi dán rao vặt, phát tờ rơi, làm biển quảng cáo cho quán cơm, quán phở trên đường…?” là những thắc mắc của tất cả những ai chưa bước chân vào nghề.
Khi đường phố là nơi tác nghiệp
Giống như một căn bệnh nghề nghiệp, người làm quảng cáo ngoài trời luôn chăm chăm nhìn biển bảng, xe taxi, xe buýt, màn LED... mỗi khi lưu thông trên đường.
Làm cái nghề này phải quan sát nhiều, không đơn thuần chỉ là đánh giá xấu đẹp, mà còn phải tìm tòi, so sánh các yếu tố tầm nhìn, lưu lượng giao thông. Có nhiều khi mải nhìn quảng cáo mà suýt bị “đo đường”, “tim đập thình thịch”, phải mất hồi lâu mới định thần lại, hứa với lòng thôi đừng nhìn, đừng nghĩ nữa, nhưng 5 phút sau đâu lại vào đó, ánh mắt lại láo liên nhìn ngó xung quanh…
Từ đó cụm từ “quảng cáo ngoài trời” trở thành mặc định trong suy nghĩ. Nhìn đâu cũng liên tưởng đến quảng cáo, hình dung ở đây nên treo biển như thế nào, dọc ngang to nhỏ ra sao, biển đó có dễ nhìn với người đi qua đi lại hay không…
(Chia sẻ của chị Như Quỳnh)
Gắn liền với những chuyến đi xa nhà
Nghề quảng cáo ngoài trời đi xa nhà là chuyện bình thường, nhất là với một outdoor agency với định vị năng lực thực thi quảng cáo tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Đi xe khách mười mấy tiếng đồng hồ, ai bị tiền đình yếu, bị say xe, suốt cả quãng đường cứ phải “gọi tên chị Huệ”. Nhưng rồi nhiều chuyến đi xa như vậy lại giúp cho bản thân quen mùi xe, thành ra cái bệnh say xe không chữa cũng khỏi. (Câu chuyện của anh Trần Bảo Chân)
Cũng có những chuyến “Luxury Roadshow” diễn ra tại hai mươi tỉnh thành trong cả tuần trời, phải đi theo xe để tự tay giám sát, xử lý các sự cố phát sinh. Có nhớ vợ, nhớ con cũng chỉ còn cách gọi qua facetime. (Câu chuyện của anh Bùi Xuân Diện)
Luôn có sự phụ thuộc vào thời tiết
Vì được triển khai ở môi trường ngoài trời nên quảng cáo ngoài trời phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Tất cả các nhiệm vụ: khảo sát thăm dò vị trí quảng cáo, thi công quảng cáo ngoài trời, nghiệm thu, theo dõi chiến dịch quảng cáo, đều phải... “đi ra đường”.
Thật vậy, làm quảng cáo ngoài trời không có cách nào khác là phải đi ra ngoài để quan sát, cảm nhận và đánh giá. Quảng cáo ngoài trời khó mà đạt được hiệu quả nếu bạn chỉ ngồi nhà và ngắm nhìn qua ảnh.
Người làm quảng cáo này hay nói đùa với nhau rằng mỗi khi thi công quảng cáo ngoài trời phải “cầu trời khấn phật” để thời tiết thuận hoà, không mưa gió, bão bùng để biển được lên suôn sẻ. Mùa hè nắng như đổ lửa, biết là thi công sẽ mệt nhưng vẫn đỡ hơn khi trời mưa, thời tiết ẩm ướt, làm gì cũng khó khăn. Nhưng dẫu có mưa thì vẫn phải cố gắng mà làm, chỉ trừ bão lớn gây nguy hiểm đến nhân công.
Bầu bạn cùng deadline, tăng ca là chuyện thường
Làm dịch vụ, khó mà dứt ra khỏi sự hối thúc, gấp gáp của khách hàng.
Có lần nhận được yêu cầu lên kế hoạch quảng cáo (plan) vào cuối giờ chiều và phải gửi lại trong sáng hôm sau, team phụ trách phòng khách hàng cùng team thực thi tối hôm ấy phải hăng say thức đêm thức hôm để làm cho xong kế hoạch và báo giá chi tiết. 11 giờ đêm khách hàng vẫn nhắn “Em ơi cố hộ chị nhé!”, 6 giờ sáng hôm sau phản hồi “Sorry em, sếp chị không duyệt kế hoạch, hẹn em lần sau nhé!”.
Thôi thì “Là nhân duyên trời ban, nhưng em và khách vẫn không thể thành đôi"…
Làm nghề quảng cáo, mà nhất là trong môi trường agency giống như làm dâu trăm họ, lúc nào cũng phải sẵn sàng năng lượng và tỉnh táo để làm việc.
Đêm ngủ cũng mơ đang làm plan cho khách, ngày cưới cũng vẫn gọi điện để xúc tiến việc thi công, đi trăng mật cũng phải giải quyết rắc rối phát sinh. Thậm chí “vừa từ phòng mổ về vẫn chị đợi em chút em vừa... đẻ xong, để em nhắn nhân viên hỗ trợ chị.
(Câu chuyện của chị Nguyễn Thu Hiền)
Khó khăn là vậy, nhưng khi quảng cáo được lên một cách suôn sẻ, rực rỡ, hiên ngang trên phố, mọi cảm giác mệt nhọc như tan biến hết. Vì sau những nỗ lực chính là trái ngọt.
Tất cả vì tiến độ thi công
Có những dự án quảng cáo bắt buộc phải lên ngay và luôn vì nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới cả một chiến dịch tổng thể, nên cứ thế bất chấp tất cả mà làm, bất chấp thời tiết nắng mưa, bất chấp đêm muộn. Cũng có những quảng cáo cần phải lên ngay để kịp bắt “trend” theo kế hoạch marketing truyền thông của của nhãn hàng, vì “trend” không phải là những thứ tồn tại lâu dài, không làm luôn thì rất lãng phí. Dẫu biết là thực thi quảng cáo thì không thể hoàn tất trong nháy mắt được, nhưng vẫn phải cố gắng hết sức.
1, 2 giờ sáng vẫn lang thang ở ngoài đường để treo cho xong một nghìn chiếc banner cho thương hiệu điện máy nọ, vì theo kế hoạch là sáng mai chương trình khuyến mãi của người ta đã chạy rồi.
Đôi khi cũng là... liều
Sự liều phải ở trong máu, bởi nếu cứ sợ thì khó mà làm được.
Ngày 26 Tết, họp với nhãn hàng cho chiến dịch quảng cáo Tết, đề bài đưa ra là khách hàng muốn làm cái gì đó thật độc lạ để khiến người xem phải “wow”. Nghĩ ra kịch bản đeo biển billboard sau lưng, hành quân xuống phố ngày 28 Tết, chắc chắn đông người xem và thích thú.
Khách hàng bảo rằng “Làm sao làm được, gấp lắm rồi”.
Ấy vậy mà 28 Tết, đoàn quân “human billboard” vẫn rầm rộ xuống phố, khiến bao người phải ngoảnh lại để nhìn.
(Câu chuyện của anh Phạm Ngọc Linh)
Tay đua bất đắc dĩ
Ai làm quảng cáo ngoài trời cũng có đôi lần trở thành những tay đua bất đắc dĩ, nhất là lúc đuổi theo con xe taxi để chụp ảnh nghiệm thu cho bằng được. Vì khách hàng yêu cầu phải có ảnh chụp nghiệm thu thực tế trên đường phố, không chịu ảnh nghiệm thu được chụp ở xưởng thi công. Mà nào có được như ý muốn, một tay chạy xe, một tay chụp ảnh, đổi lại là những bức ảnh bị rung tay nhòe, mờ, khóc ròng mà không biết làm sao, đành tự an ủi và quyết tâm phục thù săn được con ảnh cho lần sau.
Cũng có nhiều khi đi trên đường phố chợt nhìn thấy một mẫu quảng cáo tâm đắc, muốn chụp ảnh để lưu giữ nhưng lại không thể, chạy xe giữa cầu vượt tốc độ cao, không được dừng xe hay đỗ lại, đành lực bất tòng tâm đi lướt qua biển quảng cáo, vậy là “yêu nhau mà chẳng thể đến được với nhau”.
Có nhiều lúc quảng cáo và người “vô duyên với nhau”, nhất là quảng cáo trên phương tiện giao thông như xe buýt. Cất công xách xe đi lòng vòng cả hai đầu thành phố (theo lộ trình của xe) để tìm cho bằng được chiếc xe buýt dán đúng quảng cáo mình cần. Lúc về ngược đường, ngược nắng, ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi, mới thấy thấm thía cái mệt.
Rồi có nhiều lúc khách muốn làm quảng cáo trên đường này, đường kia, vì chưa hình dung được vị trí cụ thể thế nào, treo biển quảng cáo ngang dọc ra sao, mà khách hàng thì tỏ ra rất cần, rất quan tâm, nên người làm nghề cũng ôm xe thân chinh đi khảo sát. Đường quốc lộ, cao tốc thì nhiều xe và lắm bụi, nhưng cái sự quyết tâm đang hừng hực cháy bỏng nên chẳng sợ gì, cố đi thật chậm, thật an toàn để khảo sát vì sợ bỏ lỡ mất vị trí đẹp, trong khi dòng xe lao vút qua từ phía sau lưng. Rồi cũng tìm được dăm ba vị trí ưng ý, làm báo giá kỹ càng gửi khách và rồi chẳng được chọn vị trí nào (do điều kiện ngân sách). Dẫu có buồn đấy, nhưng vẫn thấy vui vì dù sao mình cũng đã nỗ lực hết sức mình. Thành quả thu về là khảo sát được những vị trí quảng cáo đẹp, coi như cũng mãn nguyện.
(Câu chuyện của anh Phạm Ngọc Linh)
Nghề làm quảng cáo ngoài trời có gì vui?
Làm cái nghề này vui sướng nhất là khi nhìn thấy quảng cáo xuất hiện trên đường phố, được mọi người ngắm nhìn, bàn tán. Đặc biệt là với những mẫu quảng cáo sáng tạo, độc lạ được viral mạnh mẽ trên mạng xã hội, sự tự hào càng dâng cao, chỉ muốn mang đi “khoe” khắp nơi.
Nếu như ai đó hỏi rằng “Nghề quảng cáo ngoài trời có gì vui?”, xin trả lời rằng:
Đó là niềm tự hào khi được quảng cáo cho nhãn hàng mơ ước
Là những khi được các nhãn hàng lớn trao gửi niềm tin để thực hiện những chiến dịch quảng cáo siêu khủng, cảm giác tự hào và hãnh diện vô cùng.
Hồi chưa vào nghề, nhìn những mẫu quảng cáo của Coca-Cola, Pepsi, Omo, Honda… xuất hiện đầy khắp phố, thầm nghĩ đơn vị mà được làm quảng cáo cho những nhãn hàng này hẳn phải tự hào lắm đấy? Rồi khi dấn thân vào nghề quảng cáo ngoài trời, cuối cùng cũng có được câu trả lời. Không tự hào và hãnh diện sao được khi giờ đây tự tay thực thi quảng cáo cho những nhãn hàng mà mình từng ngưỡng mộ, mơ ước hợp tác.
Là những lần quảng cáo cho nhân vật nổi tiếng
Là những lần thực hiện chiến dịch quảng cáo cho nhân vật nổi tiếng như thần tượng, diễn viên, ca sĩ… có một cộng đồng đông đảo người hâm mộ quan tâm, theo dõi.
Các bạn trẻ thật sự hào hứng với chiến dịch quảng cáo ngoài trời, sốt sắng hỏi han, làm ấn phẩm truyền thông thật đẹp với tất cả tâm huyết. Ngày quảng cáo được lên sóng, nhất định phải đứng “tác nghiệp” cho bằng được để đem đi khoe với bạn bè. Niềm sung sướng thể hiện rõ trong những bài post, những status “khoe” thần tượng của mình có thêm rất nhiều người biết tới. Người làm quảng cáo chắc chắn rất hạnh phúc, vì đã mang đến được niềm vui cho các bạn ấy.
Là những lần đấu tranh để giành quyền lợi cho khách hàng
Cái sự “đấu tranh” ấy đôi khi cũng gian nan vô cùng nhưng nếu thành công thì thực sự vui sướng, bõ công lắm.
Nghe có vẻ... ngược ngược, tại sao không phải là đấu tranh để giành quyền lợi cho bản thân, mà lại là cho khách hàng?
Dấn thân vào nghề quảng cáo ngoài trời rồi mới biết, cái ngành này cạnh tranh kinh khủng lắm. Việc cạnh tranh giữa các đơn vị quảng cáo chỉ là chuyện nhỏ, mà lớn hơn là chuyện “giành đất” để booking quảng cáo của các nhãn hàng.
Quảng cáo ngoài trời có một đặc thù là book trong thời gian dài, được tính bằng đơn vị tháng hoặc năm. Với biển bảng thì hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời, với quảng cáo trên phương tiện giao thông thì ngắn hơn nhưng tối thiểu cũng phải là một tháng. Nếu không nhanh chóng book quảng cáo là mất ngay vị trí đẹp vào tay nhãn hàng khác, mà chiến dịch thì nào có đợi ai bao giờ.
Thế nên với công ty quảng cáo ngoài trời, tất cả luôn đặt lợi ích của khách hàng lên đầu, chỉ cần khách hàng lên tiếng, đơn vị thực thi phải bằng mọi giá để đi tìm và lấy được vị trí đẹp cho khách.
Là những lần ba đầu sáu tay “san bằng” mọi khó khăn, trục trặc
Trong quảng cáo ngoài trời, không phải chiến dịch nào cũng suôn sẻ từ đầu đến cuối, có những sự cố, khó khăn bất ngờ xảy đến mà không hề báo trước.
Quan trọng là người làm nghề phải vững tâm, bình tĩnh để tìm ra phương án giải quyết trong thời gian ngắn nhất, để đảm bảo uy tín với khách hàng, đồng thời quan trọng hơn cả là đảm bảo chiến dịch được tiếp tục diễn ra mà không bị gián đoạn.
Nhiều người vẫn nghĩ quảng cáo ngoài trời là kênh khô khan, nhàm chán, buồn tẻ, nhưng thực chất không phải vậy. Quảng cáo ngoài trời ngày nay đã đổi mới một cách mạnh mẽ, trở nên sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn và từ đó mang lại những hiệu quả thiết thực cho chiến dịch marketing truyền thông tổng thể của doanh nghiệp.
Mong rằng những lời chia sẻ về nghề quảng cáo ngoài trời, về những niềm vui, nỗi buồn khi làm nghề sẽ giúp độc giả hiểu hơn về kênh quảng cáo truyền thống này, hiểu hơn về những người thợ quảng cáo ngày đêm rong ruổi trên khắp các nẻo đường để thực thi chiến dịch quảng cáo ngoài trời một cách suôn sẻ nhất. Hiểu, thương và cảm thông nhiều hơn, các bạn nhé.
Thu Nguyệt
* Nguồn: Unique Outdoor Advertising