#HolidayStrategy 5 insight cho một chiến dịch Digital Marketing cuối năm bùng nổ
Giai đoạn cuối năm và dịp Tết là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tiếp thị thu hút người dùng đến với thương hiệu. Bước vào giai đoạn này, những thói quen, nhu cầu và hành vi của phần lớn người Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt đi cùng với chuyển đổi số.
Khách hàng là trung tâm của một kế hoạch Marketing và việc nắm bắt Insight khách hàng chính là điểm mấu chốt để có chiến dịch cuối năm bùng nổ. Dưới đây là 5 Insight được Facebook đưa ra cho một chiến dịch Marketing hiệu quả:
1. Dành nhiều thời gian cho các hoạt động gắn kết (hoặc giải trí trực tuyến)
Theo báo cáo về xu hướng tìm kiếm của người Việt Nam trong năm qua được Google công bố vào tháng 10/2020, kể từ khi lệnh giãn cách được áp dụng, người dùng thường xuyên sử dụng các nền tảng phát trực tuyến, chia sẻ video nhằm mục đích giải trí và tìm kiếm thông tin. Nhờ vậy mà Youtube và Netflix đã có mức tăng trưởng gấp đôi trong nửa đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát của Adtima, 50% người được hỏi cho biết sẽ dành trọn dịp Tết cho gia đình, và chỉ 19% lựa chọn đón Tết cùng người yêu hay bạn bè.
Chính từ những biến động của COVID-19, người Việt đang ngày một đề cao giá trị của tình thân và quyết định dành ưu tiên nhiều hơn cho các hoạt động gia đình ngày thay vì đi đu lịch như những năm trước. Theo đó, các quảng cáo, TVC mang thông điệp có tính “Emotional”, hay giải pháp mua sắm thông minh cho gia đình sẽ một hướng đi hợp lý cho các thương hiệu trong dịp Tết 2021.
2. Thị trường ảm đạm đầu năm dẫn đến sự bùng nổ của Mega-sale
Nguồn thu nhập bị ảnh hưởng do COVID-19 dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu của người Việt Nam trong nửa đầu năm 2020. Đến cuối năm, khi cả nước đã bước sang giai đoạn “bình thường mới” sẽ là lúc trỗi dậy của loạt sự kiện Mega-sale. Ngoài những ngày hội mua sắm thường niên (Black Friday,…), các đợt ưu đãi ngày trùng (10.10, 11.11, …) ngày càng phổ biến và thu hút lượng lớn khách hàng, đặc biệt với thương mại điện tử, nhờ có mức ưu đãi hấp dẫn và thuận tiện, tạo động lực mua cho người có công việc bận rộn, dân văn phòng.
Dựa trên kết quả khảo sát của Nielsen Việt nam, COVID-19 đã thúc đẩy tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến lên 25%. Thực tế này khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào nền tảng số để có được sự tiếp cận dễ dàng với khách hàng, cũng như các nhà tiếp thị cũng cần có một kế hoạch cụ thể cho từng sự kiện, từng kênh để tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường trực tuyến, đồng thời khơi gợi được nhu cầu mua sắm của nhóm khách hàng tiềm năng.
3. Lựa chọn mua sắm theo mùa, mua sắm cho bản thân
Sau COVID-19, người Việt có xu hướng tập trung cho bản thân, sống thật và yêu thương chính mình nhiều hơn. Theo Adtima, thiết bị công nghệ là mặt hàng được quan tâm đặc biệt, với 42% người được hỏi sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm smartphone, laptop, TV mới.
Bên cạnh đó, cùng với vấn đề sức khoẻ thì làm đẹp và chăm sóc cá nhân cũng được quan tâm mạnh mẽ ở cả nam và nữ. Cụ thể, nhóm ngành hàng Chăm sóc vệ sinh cá nhân và Thực phẩm ăn liền có mức độ tăng trưởng về giá trị trên 18% (theo khảo sát của Nielsen). Các nhà tiếp thị nên tận dụng xu hướng này bằng cách Educate cho khách hàng của mình về lợi ích sản phẩm, khuyến khích họ duy trì những thói quen sống lành mạnh, đồng thời có chiến lược thị trường phù hợp để sản phẩm luôn hiện hữu ở đúng địa điểm.
4. Cởi mở khi tiếp nhận các dịch vụ mới
Việc giãn cách xã hội trong giai đoạn đỉnh điểm của COVID-19 đã giúp người Việt Nam bắt đầu thói quen cập nhật tin tức về COVID-19 mỗi ngày, đồng thời khuyến khích họ lựa chọn mua hàng online và giao hàng tận nơi, tạo điều kiện cho thương mại điện tử lên ngôi. Google cũng cho biết, lượt tìm kiếm cho các dịch vụ giao hàng đang lên rất nhanh.
Không chỉ vậy, người Việt còn sử dụng Internet cho việc quản lý tài chính và sức khoẻ, giải trí và học tập, chẳng hạn, lượt tìm kiếm từ khoá “học trực tuyến” tăng lên đến 150% so với cùng kỳ năm ngoái, hay “app vay tiền” cũng đạt mức 300%. Kết quả này cho thấy số hoá không còn là dịch vụ cộng thêm mà đã trở thành một yếu tố bắt buộc đối với mỗi sản phẩm.
Đã đến lúc các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động bán hàng của mình, có thể tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua hàng đơn giản, trực quan cũng như để đảm bảo quy trình xử lý, vận chuyển hàng hoá nhanh chóng, từ đó tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ của mình.
5. Quan tâm đến giá cả, tính minh bạch của thương hiệu
Sau khi hiểu rõ những nguy cơ đến từ COVID-19, người Việt Nam ngày càng chú trọng đến sức khoẻ của bản thân và người thân, gia đình. Đồng thời, mức thu nhập giảm sút trong giai đoạn COVID-19 buồn họ cần phải cân nhắc hơn trong việc mua sắm và do đó, họ đặt yêu cầu cao hơn khi tương tác với một thương hiệu hay lựa chọn một sản phẩm.
Theo khảo sát của Google, 83% người Việt sử dụng các công cụ trực tuyến có sẵn để nghiên cứu và tìm hiểu thông tin trước khi quyết định mua hàng. Bởi hiện nay, mối quan tâm của họ không còn chỉ nằm ở chất lượng, giá cả của sản phẩm, mà còn ở các dịch vụ đi kèm, thậm chí là độ tin cậy của thương hiệu, nhà sản xuất. Vậy nên, điều mà các thương hiệu cần phải làm đó là hiện diện và hỗ trợ ở mọi giai đoạn trong hành trình mua sắm của khách hàng, để khiến mình trở thành một cái tên quen thuộc và hữu ích trong lòng họ.
Các nhà tiếp thị cũng cần liên tục đổi mới cách tiếp cận để luôn thu hút và giữ chân khách hàng của mình.Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động khôn lường, doanh nghiệp nào có thể nhanh nhạy trong việc “đọc vị” được khách hàng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong “cuộc chiến” mùa mua sắm cuối năm và dịp Tết. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là bước đầu trong chiến lược quảng cáo, tiếp cận và chinh phục khách hàng. Để chiến dịch quảng cáo thực sự “đi vào lòng người”, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến dịch đi từ cốt lõi sản phẩm và những giá trị mà sản phẩm mang đến cho khách hàng, cùng với đó là kết hợp với các đặc điểm mùa vụ để có được những phương thức triển khai phù hợp.
Novaon Communication đưa ra một vài gợi ý sau:
1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch tiếp thị đúng thời điểm cho mùa Mega-sale.
2. Đừng khiến khách hàng phát ngán với các nội dung quảng cáo cũ kĩ. Hãy biến quảng cáo thành một trải nghiệm cá nhân hoá thú vị.
3. Tối đa hoá tương tác nhằm tạo dấu ấn riêng với khách hàng.
4. Thông điệp truyền thông tích cực, bám sát Insight của khách hàng.