Doanh Nghiệp Việt Nam Đang Ở Đâu Trong Cuộc Đua Chuyển Đổi Số
Chuyển đổi số đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Trong đó không thể không kể đến sự ủng hộ từ Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử điện tử hướng tới Chính phủ số thông qua các bước chuyển đổi số. Đây thực sự là nền móng cơ hội để các doanh nghiệp Việt tin vào tương lai phát triển kinh tế số trong thời kỳ công nghệ số 4.0.
Đại dịch Covid-19 đã càn quét và để lại những hậu quả nặng nề lên nền kinh tế thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Nhưng cũng bởi đại dịch lần này xảy đến đã khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thức tỉnh về năng lực thích ứng hoàn cảnh – nhu cầu đổi mới chiến lược hết sức cấp thiết giữa thị trường kinh tế đầy biến động hiện nay.
Có thể thấy ảnh hưởng sâu sắc của Covid-19 là dẫn chứng rõ nét cho thấy những biến động bất ngờ, không được dự tính trước và khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt. Nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang có xu hướng trở thành chiến lược mới cho các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là gì?
Khái niệm chuyển đổi số được ra đời trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, mô tả việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số này giúp thay đổi toàn diện cách thức hoạt động của doanh nghiệp, đem lại lợi ích về kiểm soát chi phí và quản lý rủi ro. Để từ đó tối ưu hóa hiệu suất làm việc, tăng hiệu quả hợp tác và mang lại giá trị cho khách hàng.
Chuyển đổi số – ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp
Góc nhìn từ chuyên gia về chuyển đổi số
Theo nhận định từ nhiều chuyên gia, chuyển đổi số đang là một xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài xu thế này doanh nghiệp sẽ rất sớm có khả năng thất bại.
Cung từ một khảo sát của IDC (International Data Corporation) năm 2018, Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang dần trở thành chiến lược mới của doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó:
- Gần 90% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số với những bước đầu như tìm hiểu, nghiên cứu cho tới triển khai và thực hiện.
- 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát trong đó cho rằng chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Điều này được thừa nhận trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, cải thiện năng suất lao động, kích thích sáng tạo,…
Có rất định nghĩa và quan điểm về chuyển đổi số từ các chuyên gia. Theo Gartner, Inc (Công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu), định nghĩa về chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh nhằm tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới cho doanh nghiệp. Còn Microsoft thì cho rằng, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra giá trị mới.
Chuyển đổi số còn là việc tư duy lại cách thức tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra giá trị mới
Tại Việt Nam, FPT hiện đang là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng có định nghĩa khái quát về chuyển đổi số. Cụ thể, FPT cho rằng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tổ chức là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud),… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa công ty. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn cho rằng, chuyển đổi số còn mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận khách hàng trong thời gian dài hơn. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định giải quyết vấn đề nhanh chóng và chính xác nhờ hệ thống báo cáo thông suốt theo thời gian thực. Nhờ vậy hiệu suất hoạt động và lợi ích cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức được nâng cao.
Tại sao doanh nghiệp lại cần chuyển đổi số?
Ngày nay do sức ép về cạnh tranh, sự đào thải thanh lọc giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt cộng thêm cú sốc về đại dịch gây ra đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không khỏi điêu đứng. Các nhóm ngành doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 phải kể đến như lĩnh vực du lịch, nhà hàng-khách sạn, hàng không,… đã rơi vào tình trạng “đóng băng” trong hơn 3 tháng vừa qua. Các báo cáo cho thấy doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I/2020 và dự báo cả năm 2020 sẽ tụt giảm mạnh.
Với tình hình và diễn biến phức tạp của Covid-19 trong thời gian qua cùng với tác động của những yếu tố khác, lần đầu tiên đã có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2020. So với các kỳ 4 tháng đầu năm trong giai đoạn 2015-2020, 4 tháng đầu năm nay đã sụt giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Quy mô doanh nghiệp cũng đang bị thu hẹp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh từ 33,6% với cùng kỳ 2019.
Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh đã phần nào được khống chế và đang có những tín hiệu phòng dịch tích cực thì tuy nhiên trên thế giới tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài. Đặc biệt là các thị trường kinh tế đối tác quan trọng với Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên Châu Âu,…
Do đó, các doanh nghiệp vẫn chưa thể khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay trong thời điểm trước mắt mà các doanh nghiệp vẫn sẽ bị tác động lớn. Các doanh nghiệp này thường có đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, hoạt động tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, xuất khẩu,… như các ngành dệt may, da giày, logistics, hàng không, du lịch,…
Mặc dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nhưng rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Đây sẽ chính là thời điểm cần thiết để mỗi doanh nghiệp tự nhìn nhận và đánh giá lại hướng đi chiến lược trong tương lai. Bằng việc tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường, như vậy doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn này. Những doanh nghiệp nếu có sự nhạy bén và nắm bắt tốt, sẽ biết cách chuyển mình tự trạng thái “đóng băng” sang “rã đông” những cơ hội mới để phát triển. Đây sẽ là một cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực nền kinh tế, xây dựng tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.
Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong cuộc chuyển mình kỹ thuật số?
Dẫn chứng từ báo cáo của IDC (International Data Corporation) dự báo từ trước Covid-19 xảy ra, giá trị chuyển đổi trên toàn thế giới tính đến 2022 số ước tính đạt 2000 tỷ USD, tăng trưởng cao gấp 4 lần tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.
Cũng tại Việt Nam theo báo cáo của Google, Tamesek và và Bain & Company về nền kinh tế số tại Đông Nam Á năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%), dự kiến đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào 2025. Cuộc chuyển mình tăng trưởng ngoạn mục của 2 quốc gia được các chuyên gia ví như “rồng được tháo xích”.
Quá trình chuyển đổi số cũng đang bắt đầu diễn ra tại Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành như tài chính, ngân hàng, giao thông, du lịch,… Đặc biệt phải kể đến Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số thông qua các bước chuyển đổi số. Hơn 30 thành phố đang có dự định bắt tay vào công cuộc xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới.
Những thách thức của doanh nghiệp Việt trong cuộc đua chuyển đổi số
Có một thực tế nhận thấy đó là các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế trong nhận thức đúng vai trò và tác động lớn của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Cụ thể theo thông tin từ VCCI (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):
- Hiện những doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp
- Trong đó máy móc thiết đang bị được sử trong hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đến 90% là nhập khẩu.
- Cùng với đó có tới 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Tất cả điều đó cho thấy trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều mặt hạn chế.
Trong tháng 4 vừa qua, Tập đoàn hệ thống Cisco công bố báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số vừa và nhỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Báo cáo cho thấy tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số
- Thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%)
- Thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%),
- Thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%).
Mặc dù vậy báo cáo cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang từng bước đầu tư vào nền tảng công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).
Một điều đáng chú ý là mặc dù nhận ra những năng lực cần thiết để phát triển thích ứng với công nghệ mới nhưng những doanh nghiệp tham gia vào cuộc khảo sát lại đang khá là “thiếu hiểu biết” về các kỹ năng, kiến thức, và năng lực cụ thể cho việc tích hợp số hóa với cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước đang cho rằng, hầu hết các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đang trong giai đoạn hạt giống và rất cần được ươm mầm bởi Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn để phát triển. Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) báo cáo về “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” được công bố tháng 6/2019 chỉ ra rằng, 2 trong số những thách thức nổi bật của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam là khả năng tiếp cận tài chính và hạn chế trong kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang từng bước đầu tư vào nền tảng công nghệ đám mây, an ninh mạng, nâng cấp phần mềm,…
Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt tin vào tương lai
Nhìn chung lại, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19. Đây sẽ là một bước tiền đề, một cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về sự “tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện sự sẵn sàng đón nhận dòng vốn đang chuyển dịch vào Việt Nam. Qua đó có thể nói Covid-19 là chất xúc tác rất mạnh cho quá trình chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu.
Bên cạnh đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được phê chuẩn vào tháng 6/2020 cũng góp phần nâng tầm quan trọng trong việc Việt Nam thiết lập lại chuỗi cung ứng để thỏa mãn những quy định của EU và tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại này đem lại.
Dịch Covid-19 đang buộc doanh nghiệp phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình để tránh rủi ro khi quá tập trung vào một thị trường cụ thể. Xu hướng hiện nay chúng ta đang thấy là các hoạt động giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động bền bỉ hơn và có khả năng chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài tác động.