Làm SEO có ra đơn hàng được không ?
Có lẽ đây là một trong những vấn đề được nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm nhất khi đầu tư vào làm SEO.
Và để giúp doanh nghiệp có thể thực sự trả lời được câu hỏi này, ở bài viết dưới đây, SEONGON sẽ phân tích vấn đề dưới 2 góc nhìn:
- Góc nhìn khoa học, được giải thích dưới biểu đồ hành vi mua hàng FCB
- Góc nhìn chuyên gia, case study thực tế được diễn giải dưới kinh nghiệm của Founder SEONGON, Mai Xuân Đạt.
Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ có được câu trả lời cho riêng mình.
Hãy cùng SEONGON tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây nhé.
I. SEO và vấn đề chuyển đổi qua lăng kính FCB
FCB Grid Model là một mô hình diễn giải hành vi mua của người tiêu dùng và ý nghĩa của nó trong việc áp dụng chiến lược quảng cáo phù hợp cho từng sản phẩm.
Mô hình này được mô tả trên một ma trận với sự trợ giúp của bốn yếu tố quan trọng: tư duy, cảm xúc, mức độ tham gia cao và thấp.
Năm 1980, Richard Vaughn, cùng với các cộng sự của mình, đã đề xuất mô hình FCB. Ông là Phó chủ tịch cấp cao của công ty Quảng cáo FCB (Foote, Cone and Belding) vào thời điểm đó.
Mô hình này được thiết kế với cơ chế lý thuyết của não phải và não trái. Khi não phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc thì não trái chịu trách nhiệm cho các yếu tố logic, tư duy, Tương tự như mô hình dưới đây.
Vậy hành vị mua sắm sản phẩm dịch vụ của người tiêu dùng có thể được giải thích qua 4 nhóm:
- Nhóm Thông tin (Informative)
- Nhóm Cảm nhận (Affective)
- Nhóm thói quen (Habitual)
- Nhóm thỏa mãn (Satisfaction)
Phân loại nhóm ngành sản phẩm theo mô hình FCB
1. Nhóm Thông Tin
Nhóm này phân loại các sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng cần có sự suy nghĩ cẩn trọng trước khi mua do sản phẩm, dịch vụ tương đối phức tạp và có độ rủi ro cao.
Lấy một số ví dụ: bảo hiểm, sản phẩm B2B, bất động sản, các gói tài chính, hoắc các sản phẩm có chi phí mua khá lớn, chỉ mua 1, 2 lần trong đời, v.v.
Để ra được quyết định mua hàng ở những sản phẩm dịch vụ trong nhóm này, người mua hàng thường cần phải tìm hiểu rất nhiều thông tin liên quan: từ mô tả chi tiết, so sánh các sản phẩm khác đến review cho người dùng.
Áp dụng vào tư duy khi làm SEO:
Rõ ràng nhu cầu của người dùng là thông tin, sự uy tín, đảm bảo của chính doanh nghiệp khi những sản phẩm này đều có chi phí hoặc mức độ rủi ro lớn khi mua.
Vậy nên, khi làm SEO cho những ngành hàng này, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu hết tất cả các từ khóa và search intent của chúng, từ đó cung cấp giải pháp, giải đáp thắc mắc của người dùng thông qua content SEO.
Điều này sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng uy tín thương hiệu mà còn giúp tạo dấu ấn đậm nét trong mắt người tiêu dùng. Đây là một điều vô cùng quan trọng khi một thống kê cho thấy:
71% người tiêu dùng tin rằng việc nhận biết được một thương hiệu trước khi ra quyết định mua hàng là rất quan trọng.
Tuy vậy, trong nhóm ngành sản phẩm này, hoạt động SEO sẽ khó có thể tạo ra doanh thu trực tiếp khi SEO vẫn chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu về thông tin của khách hàng tiềm năng.
Như các sản phẩm tài chính, bất động sản, dù bạn tìm hiểu nhiều đến đâu vẫn sẽ cần một nhân viên tư vấn để giúp bạn hiểu tường tận về sản phẩm và chốt deal.
Theo kinh nghiệm của SEONGON, làm SEO cho những nhóm ngành này dù hạn chế trong việc sinh ra doanh thu trực tiếp, nhưng vẫn rất khả thi trong việc mang lại chuyển đổi như: điền form, goi hotline, chat, để lại thông tin, v.v.
Khi khách hàng đủ tin tưởng và đang cần giải pháp, họ sẽ để lại liên hệ
Tóm lại để làm SEO ra được chuyển đổi đối với nhóm ngành này, doanh nghiệp cần:
– Phủ toàn bộ từ khóa liên quan trong ngành, cung cấp nội dung hữu ích với từng nhóm truy vấn tìm kiếm. (Phương pháp SEO Tổng Thể)
– Đảm bảo trên từng bài viết được tối ưu về CTA và có gắn các công cụ hỗ trợ chuyển đổi.
– Tận dụng nguồn traffic và data từ SEO để liên tục tiếp cận thuyết phục khách hàng với email marketing, remarketing hay offline sale.
Xem thêm: Case Study ngành dược – Tăng 41% tăng trưởng đơn đặt hàng online
2. Nhóm cảm nhận
Đúng với câu: “Túi tiền ở gần tim”, ở nhóm này, người tiêu dùng dựa phần nhiều vào cảm giác, cảm xúc của chính mình để mua hàng.
Hàng hóa sản phẩm được mua không chỉ đơn thuần để phục vụ nhu cầu của bản thân, mà còn cần thể hiện được “cái tôi”, phù hợp sở thích, hay thỏa mãn cảm xúc của người mua.
Chính vì thế, các hình thức marketing nói chung cho nhóm ngành này luôn chú trọng vào hình ảnh, màu sắc, lồng ghép các yếu tố cảm xúc, hay đại diện cho một phong cách, một vấn đề nào đó để “kết nối” được với khách hàng.
Ví dụ như: xe Porsche đại diện cho sự lịch lãm, sang trọng, dùng đồ Adidas thể hiện phong cách thể thao, năng động, v.v
Quy trình mua hàng của họ thường sẽ diễn ra theo thứ tự: Cảm nhân – Suy nghĩ – Hành động (Mua)
Các sản phẩm, dịch vụ như thời trang, đồ trang sức, nước hoa, xa xỉ phẩm là đại diện tiêu biểu trong nhóm này.
Áp dụng vào tư duy khi làm SEO:
Không những thỏa mãn về vấn đề thông tin doanh nghiệp cần thỏa mãn về mặt “nghe nhìn” cho người dùng.
Trong môi trường website, những yếu tố tác động trực tiếp đến các giác quan nghe nhìn này có thể kể tới hình ảnh, video, âm thanh.
Lấy ví dụ từ một case dịch vụ váy cưới mà SEONGON đã làm cho khách hàng.
Đối với ngành này, nếu thiếu hình ảnh, bạn sẽ không chỉ không SEO được mà hơn nữa không thể tạo được sự hấp dẫn đối với khách hàng vào site, để từ đó họ có các hành động cụ thể hơn như đến store thử váy hay chat với nhân viên tư vấn.
Chính vì thế phần hình ảnh không chỉ được yêu cầu chăm chút chuyên nghiệp mà còn cần luôn update những bộ váy cưới mới nhất để phù hợp với thị yếu của khách hàng.
Hình ảnh đẹp là một yếu tố quan trọng khi làm SEO trong nhóm này
Làm SEO với nhóm ngành này vẫn hoàn toàn có thể tạo ra được chuyển đổi, thậm chí doanh thu, đặc biệt đối với một số sản phẩm có giá thành sản phẩm không quá lớn (VD: rượu)
Tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý cần biết xác định đúng các chỉ số chuyển đổi trong ngành của mình để đánh giá đúng hiệu quả của SEO
Ví dụ như case váy cưới ở trên, khách không thể đặt mua online trực tiếp được nên chỉ số doanh nghiệp cần track là lượt click vào CTA địa chỉ cửa hàng, lượt tư vấn online có traffic nguồn từ SEO, v.v, lượt tư vấn online có traffic nguồn từ SEO, v.v
3. Nhóm thói quen
Nhóm hàng này vẫn cần khách hàng có suy nghĩ trước trước khi mua, tuy nhiên sự tham gia của quá trình này không lớn và không quá phức tạp như nhóm 1.
Những sản phẩm thuộc nhóm này không quá phức tạp để lựa chọn cũng như tỷ lệ rủi ro thấp. (giá thành thấp), thường là những sản phẩm thông dụng hay cần mua hàng ngày ví dụ như: dầu gội, sữa tắm, đồ gia dụng trong nhà bếp, v.v
Khách hàng đa số không dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về việc mua các sản phẩm này, họ sẽ mua trước và quyết định xem sản phẩm, dịch vụ này có giải quyết được vấn đề của mình không trong quá trình sử dụng.
Áp dụng vào tư duy khi làm SEO:
Hãy lấy ví dụ cụ thể một người đang làm mất sạc điện thoại và cần tìm mua ngay một chiếc khác để thay thế.
Vì giá thành tương đối rẻ, và tính chất sản phẩm đơn giản, khách hàng sẽ không phải suy nghĩ quá nhiều trước khi ra quyết định mua hàng.
Có chăng họ sẽ cân nhắc giữa một số bên xoay quanh vấn đề giá hoặc thương hiệu bên nào uy tin hơn. Làm nổi bật các yếu tố đó ở tiêu đề, thẻ mô tả hay trong nội dung sẽ có thể giúp bạn thuyết phục khách hàng chi tiền.
Ví dụ: một case study của SEONGON, đưa các yếu tố cạnh tranh về giá để nổi bật hơn so với đối thủ.
Đối với các sản phẩm thuộc nhóm này, SEO có thể trực tiếp tạo ra doanh thu luôn và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đo đếm.
Để gia tăng doanh thu, chuyển đổi từ SEO trong các nhóm này, ngoài giá cả cạnh tranh hay uy tín thương hiệu, các yếu tố trải nghiệm như tốc độ tải trang hay độ thân thiện với người sử dụng cũng cần đặc biệt lưu ý tới.
4. Nhóm thoả mãn
Đây vẫn là nhóm sản phẩm có độ phức tạp thấp, và rủi ro không cao, người tiêu dùng thúc đẩy hành vi mua của họ chủ yếu vẫn bằng cảm xúc, nhưng không quá lớn.
Thường những sản phẩm trong nhóm này sẽ được mua khi chúng có thể làm thỏa mãn các cảm xúc khách hàng một cách nhanh chóng hoặc giúp khách hàng thỏa mãn cảm xúc của một người khác.
Ví dụ như khi đói chúng ta sẽ cần mua đồ ăn, thèm thuốc sẽ chạy ra tạp hóa mua thuốc lá hay chúng ta mua hoa, quà để tặng phụ nữ trong ngày mùng 8/3 vì điều đó sẽ làm họ vui.
Áp dụng vào tư duy khi làm SEO:
Vậy những sản phẩm như thế nào trong nhóm trên, khách hàng có thể search online?
Đó có thể là dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, spa, đồ chơi trẻ em hay quà tặng v.v (tất cả đều ở mức giá không quá cao)
Cũng giống như nhóm 3, do sản phẩm không quá rủi ro và phức tạp, SEO hoàn toàn có thể tạo ra doanh thu luôn nếu sản phẩm có thể mua bán online.
Tuy nhiên đối với một số ngành dịch vụ như spa, dịch vụ ăn uống, nhà hàng SEO lại gián tiếp tạo ra chuyển đổi. Ở những ngành này doanh nghiệp có thể đo đếm chuyển đổi dựa số lượt hotline được click hay bao nhiêu lần xem điểm bán.
SEO Google Map là một phương pháp SEO cần đặc biệt lưu ýở nhóm ngành này.
Xem thêm: 7+ cách tự xác minh Google Maps đơn giản và nhanh chóng
II. SEO và vấn đề chuyển đổi dưới góc nhìn thực tế.
Để giúp bạn hiểu hơn về câu chuyện chuyển đổi từ, gia tăng doanh thu từ SEO, hãy cùng tìm hiểu về câu chuyện làm SEO của mà SEONGON đã thực hiện cho một doanh nghiệp thiết kế nội thất dưới góc nhìn của anh Mai Xuân Đạt – Founder SEONGON.
Dịch vụ thiết kế nội thất được nói dưới nếu được giải thích theo mô hình hành vi FCB, thì sẽ thuộc sản phẩm trong nhóm I – Nhóm Thông Tin. Bạn có thể theo dõi và đánh giá xem những gì SEONGON đã phân tích ở trên có hợp lý không nhé.
“SEO Vứt Đi
Vừa hoàn thành xong hợp đồng SEO với ông em, một trùm thiết kế văn phòng trái đất, gọi ngay ông em sang để tâm sự: SEO VỨT ĐI em ơi.
Lâu lâu trước kia có 1 vài cái hợp đồng tương tự. Bị 1 cái là SEO lên xong, nghiệm thu Top Key, Traffic các kiểu xong, khách không hài lòng vì … không bán được hàng.
Nghĩ lại thấy rất giống hợp đồng lần này, nên không thể để ông em này mắng mình được.
Dự án SEO này là ngành thiết kế văn phòng, nhà cửa, nếu chỉ ngồi đợi khách vào web rồi alo ký hợp đồng thì sẽ … móm.
Nguyên nhân là do hành vi khách hàng.
Lúc trước khi mình đổi văn phòng từ Trần Hữu Tước qua Hoàng Cầu (bây giờ), mình đã làm quả liều ăn nhiều là thiết kế lại từ đầu toàn bộ 100% văn phòng mới. Mình đã đi tìm hiểu loạn cả lên trước đó phải đến 2 tháng. Mình cũng search rất nhiều, xem đủ loại bài viết, video … để xem các phong cách thiết kế, xem các văn phòng đẹp, xem bên nào có vẻ ngon ngon.
Nhưng do chưa thực sự thuê được văn phòng nên mình không có alo cho bên thiết kế nào cả, chỉ xem rồi để đó. Bên nào thấy có vẻ ok thì mình mò lên Facebook và like Fanpage của họ để đỡ quên và cũng là để xem thêm là bên đó làm ăn thế nào, có up thêm công trình mới hay không.
Nhớ lại hành vi đó, nên đã bảo ông em là chú phải làm thêm mấy thứ sau mới có khách được:
- Nội dung trên website chú do tụi anh làm, nó đã là hữu ích. Nhưng đọc xong mà chú không kêu gọi người ta làm gì, thì người ta out. Vì người ta chỉ đi xem cho biết, chưa muốn thuê làm văn phòng đâu. Nên chú phải kêu gọi người ta hành động gì đó ví dụ như xem thêm bài nữa, chát chít tư vấn, xem Fanpage của bên chú, gọi điện cho chú … Nhớ dùng Metu.vn của anh miễn phí, mà lại thêm được tương tác với khách vào website
- Khách vào website là phễu, họ xem nhưng chưa thuê chú thiết kế văn phòng họ (vì họ chưa có văn phòng mới), chú nên chạy quảng cáo Facebook Remarketing, đuổi theo họ khi họ rời website và le ve lướt Facebook của họ. Cốt là để họ thấy Page của chú, like bài viết, like Page của chú.
- Xong rồi thì thường xuyên cập nhật Fanpage, nhớ quảng cáo các bài viết mới đến mấy người đã like page, cho họ biết chú có công trình mới, chú có nhiều khách ngon. Làm thế họ sẽ nhớ đến và dần thích chú.
- Phải thuê 1 nhân viên Facebook xịn xò về chăm lo cho Fanpage. Chú thuê anh cũng được, nhưng quân nhà anh khó mà làm nội dung cho Page chú bằng cái đứa ngồi ngay cạnh chú. Nó vừa up nội dung hay ho hàng ngày, vừa chịu khó setup quảng cáo mấy nội dung đó nhắm tới Fan của Page, vừa làm luôn cái việc tương tác comment inbox với mọi người.
Còn nếu xịn nữa thì chú làm cả kênh Youtube, ai vào website thì cho Video Youtube đuổi theo khoe công trình chú đã làm. Làm thêm cả Email marketing, ai muốn nhận thêm bài viết hay, công trình đẹp thì mời điền mail vào, chú chăm sóc tiếp họ đôi tháng. Vân vân và mây mây.
Làm được như thế, thì làm SEO mới có ý nghĩa. Chứ chú thuê anh SEO xong, chú ngồi ngửa mặt lên đợi sung rụng, thì đến mùa quýt. SEO như thế là VỨT ĐI.
Còn đã lỡ qua anh chơi rồi, mời anh bún rồi, trả tiền cafe rồi, trả cả tiền phạt đỗ xe rồi, mà về vẫn không làm, cứ nhìn mắt anh thì biết là tình cảm anh em sẽ ra sao nhé”
Có thể bạn quan tâm:
- Bóc tách chi phí làm SEO chi tiết cho doanh nghiệp
- 7 tiêu chí cơ bản xác định ngành của bạn SEO khó hay dễ?
Lời kết
Quay trở lại với câu hỏi “Làm SEO có ra đơn được không”
Hy vọng, sau bài phân tích cùng các ví dụ ở trên, doanh nghiệp đã có được câu trả lời cho bản thân.
Làm SEO trong một số ngành sẽ ra được đơn hàng, doanh thu trực tiếp.
Ở một số ngành khác sẽ tạo ra được chuyển đổi: điền form, gọi điện, v.v
Và SEONGON đảm bảo làm SEO không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong mục tiêu kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp tăng nhận biết thương hiệu trên môi trường online và uy tín trong mắt người tiêu dùng.
Nếu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được khách hàng tìm kiếm trên Google, làm SEO chắc chắn có lợi cho doanh nghiệp.
Vậy nên thay vì đặt câu hỏi “Làm SEO có ra đơn đươc không”,...
doanh nghiệp nên hỏi: “Để SEO đóng góp vào hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp cần làm thế nào”
Và SEONGON biết đáp án trả lời cho câu hỏi trên.
Nếu muốn biết đáp án cụ thể, hãy liên hệ với SEONGON để được tư vấn giải pháp nhé.
Nguồn: SEONGON - Google Marketing Agency