Sức mạnh bí ẩn và tính 2 mặt của PR

Một nhà báo hỏi tôi rằng:

Anh có thể phân tích sâu hơn về tính 2 mặt và sức mạnh bí ẩn của PR, cũng như câu nói về sự chi phối con người từ các phương tiện truyền thông đại chúng của Eric Maigret: “Các phương tiện truyền thông đại chúng tự chúng không tạo ra bạo lực, nhưng chúng có thể được những kẻ sát nhân sử dụng để xây dựng nên thế giới bạo lực của họ và lối suy nghĩ bệnh hoạn của họ?"

Trả lời:
Vấn đề nào cũng có 2 mặt trắng đen tồn tại song hành như 2 mặt của một đồng xu. PR cũng vậy. Có PR trắng và PR đen. PR đen khác PR trắng ở một điểm duy nhất, đó chính là động cơ của người thực hiện.
Người thực hành PR trắng thường là với động cơ tốt đẹp, họ muốn lan tỏa và nhân rộng điều tốt trong xã hội. Còn người thực hành PR đen thường là vì động cơ ích kỷ bản thân. Họ thường vận động đám đông để đạt được lợi ích cho cá nhân, hoặc cho tổ chức mà họ đại diện. Nói lý thuyết thì dễ, nhưng thực tiễn phân biệt lại khó khăn. Ranh giới giữa cái tốt và điều xấu rất mong manh. Khoảng cách giữa PR trắng và PR đen rất chật hẹp.

“Nó chật hẹp đến nỗi chỉ vừa đủ để hoàn cảnh chen vào”.

2015-12-18 11.55.36
Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ cần người nào nắm được cơ chế vận hành của PR thì họ sẽ dễ dàng phân biệt được “PR đen”. Cơ chế đó được trình bày trong quyển sách “Quyền năng Bí ẩn”.
Tôi rất tâm đắc nhận định của Eric Maigret, vì nó phản ánh rất sâu sắc sức mạnh bí ẩn của PR. Bà nói rất rõ rằng “kẻ sát nhân” có thể sử dụng PTTT đại chúng để xây dựng nên thế giới bạo lực của họ và lối suy nghĩ bệnh hoạn của họ.
– Nhưng làm thế nào những kẻ sát nhân này có thể “xây dựng” được chứ?
– Bởi vì những kẻ sát nhân này sử dụng sức mạnh của PR.
Bạn có để ý thấy rằng, PR có khả năng tạo ra sự hài hòa trong xã hội và giúp tăng cường khả năng thấu cảm trong đám đông. Sự thấu cảm đó có được là nhờ con người có thể tiếp xúc được với nhiều tư tưởng khác nhau và biết được các vấn đề xã hội thông qua cơ chế giao tiếp 2 chiều được hỗ trợ bởi các PTTT. Đám đông trở nên thấu cảm hơn, hiểu biết hơn, bao dung hơn và hài hòa hơn. Nhưng cơ chế này có thể bị “kẻ sát nhân” lợi dụng để tạo ra một thế giới chứa đầy lối suy nghĩ bệnh hoạn và cách hành xử bạo lực.
Bạn có nhận ra rằng, PR có khả năng tạo ra “những kinh nghiệm gián tiếp” thông qua việc phát tán các bài chia sẻ, bài cảm nhận, bài nhận xét, bài đánh giá trên kênh báo chí, TV, diễn đàn, góc tư vấn… Mà cơ chế quyết định của đám đông lại phụ thuộc rất lớn vào những dạng kinh nghiệm gián tiếp này, vì không phải cái gì chúng ta cũng biết, chúng ta cần kinh nghiệm của người khác để quyết định vấn đề của chính mình. Cơ chế này giúp việc quyết định của đám đông trở nên nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn. Nhưng cơ chế này có thể bị “kẻ sát nhân” lợi dụng để xây dựng nên lối suy nghĩ bệnh hoạn của họ.

Trích một buổi nói chuyện của tác giả Lê Trần Bảo Phương