Marketer Ngo Thai Hoang Tuan
Ngo Thai Hoang Tuan

Mobile Marketing Expert @ VIETGUYS

Ứng dụng gốc và Ứng dụng lai: Doanh nghiệp startup cần công nghệ nào?

Ứng dụng gốc và Ứng dụng lai: Doanh nghiệp startup cần công nghệ nào?

“App Hybrid kém lắm”, “Native App mới đủ dùng”, “Nên chọn Ứng dụng Native thay vì Hybrid”..., chắc hẳn mọi doanh nghiệp startup khi được tư vấn về mảng phát triển Công nghệ Mobile đều đã và đang nghe nhiều luồng ý kiến có nội dung truyền tải tương tự.

Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả Ngô Thái Hoàng Tuấn.

Mình không phản bác các nhận định này. Tuy nhiên, từ quá trình công tác trong lĩnh vực Ứng dụng Mobile, mình mong muốn chia sẻ đến các bạn góc nhìn khác về 2 phương diện phát triển nền tảng Công nghệ Ứng dụng: Native App (Ứng dụng gốc)Hybrid App (Ứng dụng lai). Đồng thời mình hy vọng qua bài viết này, các bạn đang là chủ doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có kế hoạch phát triển Ứng dụng Mobile sẽ tìm thấy câu trả lời cho riêng mình.

Làm quen với Ứng dụng gốc và Ứng dụng lai

Về khái niệm Native App và Hybrid App, mình đã có đề cập ở bài viết Phần 1. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu về 2 công nghệ này theo góc độ khác. Hybrid App hay còn gọi là Ứng dụng lai, Ứng dụng rỗng, không có nghĩa là bên trong hoàn toàn không có gì. Ngược lại, Hybrid App khá “lợi hại”. Là Ứng dụng kết hợp những ưu điểm của Mobile Web App và Native App, Ứng dụng lai thực tế là chương trình dựa trên nền Web nhưng được đặt bên trong một bộ giao diện Ứng dụng gốc và được kết nối với phần cứng thiết bị Mobile. Nó hoàn toàn khác với ứng dụng gốc khi có thể sử dụng song song trên nhiều nền tảng như: Android, iOS và cả Windows (trước đây).

Khác biệt với Hybrid, Native App hay còn gọi là Ứng dụng gốc được tạo ra chỉ để sử dụng trong 1 nền tảng độc lập như Android, iOS. Ví dụ, Ứng dụng TikTok là 2 Native App. Trên Apple Store và Google Play đều có TikTok, đó là 2 ứng dụng tách biệt, có cùng một cái tên, cùng kiểu logo, do cùng nhà phát triển là ByteDance sở hữu.

Về mặt công nghệ, Hybrid App được hình thành trên các ngôn ngữ như HTML5, CSS và JavaScript kết hợp với một vài nguyên tố Native. Mặt khác, kỹ thuật viên sẽ kết hợp khéo léo cùng các bộ mã hoá: Ionic, Apache Cordova, PhoneGap nhằm hoàn thiện Ứng dụng. Ở mặt trận còn lại, Native App (Ứng dụng gốc) lại khá phức tạp, trên mỗi nền tảng Mobile, Ứng dụng gốc sẽ có ngôn ngữ riêng để phát triển độc lập như: Trên Android, kỹ thuật viên sẽ dùng Java hoặc Kotlin; Trên iOS thì sẽ là Xcode, Swift hoặc Objective-C. Chính vì điều này, sự khác biệt về cách phân bổ nguồn lực, chi phí & tài nguyên để quyết định phát triển Ứng dụng gốc hoặc Ứng dụng lai sẽ là thử thách đối với các doanh nghiệp startup.

Ứng dụng gốc và Ứng dụng lai: Doanh nghiệp startup cần công nghệ nào?

Ảnh minh hoạ

Ưu, khuyết điểm

Ưu điểm của Hybrid App (Ứng dụng lai) chính là khuyết điểm của Native App (Ứng dụng gốc). Đầu tiên phải kể đến đó là yếu tố chuyển giao công nghệ. Căn bản, Ứng dụng lai là sự kết hợp giữa nền tảng Web và giao diện Ứng dụng trên Mobile, vì vậy việc chuyển giao đối với đội ngũ kỹ thuật đã quen thuộc công nghệ phát triển Web cũng có thể nhanh chóng thích nghi. Điều này khá quan trọng đối với các doanh nghiệp đã và đang sở hữu một nền tảng kinh doanh online sẵn có và vẫn duy trì hoạt động. Để bắt kịp tốc độ phát triển, việc đổi mới công nghệ cũng là một trong những rào cản không dễ vượt qua đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày nay.

Ưu điểm thứ 2 của Hybrid App là tiết kiệm. Ứng dụng Hybrid cho phép doanh nghiệp tiết kiệm trên nhiều khía cạnh: Chi phí, Nguồn lực, Tài nguyên sẵn có, Thời gian và Rủi ro đầu tư. Riêng về chi phí, Hybrid App sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo đổi với các mô hình kinh doanh startup với tiêu chí tiết kiệm ngân sách hàng đầu. Hơn thế nữa, đối với các doanh nghiệp đang có kế hoạch thuê ngoài (Outsource) phần phát triển Ứng dụng Mobile, việc hiểu rõ và lựa chọn phát triển Ứng dụng theo nhu cầu thay vì theo tư vấn sẽ là thứ vũ khí sắc bén hơn hết trong chiến thuật vận dụng nguồn tài nguyên sẵn có. Ví dụ, công ty X đã có sẵn kỹ thuật viên A về phát triển Web X, họ chọn thuê ngoài nhằm phát triển Ứng dụng lai X-Plus, sau khi được chuyển giao Công nghệ trở lại từ phía công ty phần mềm, công ty X vẫn có thể sử dụng kỹ thuật viên A vận hành Ứng dụng X-Plus này. khi đó, việc lựa chọn phát triển Ứng dụng lai sẽ tạo điều kiện để A học được nhanh chóng, cập nhật chuyên môn và thích nghi công nghệ mới.

Về yếu tố tiết kiệm thời gian, nghe có vẻ mơ hồ nhưng thực tế cho thấy thời gian đối với mọi doanh nghiệp trẻ còn quý hơn vàng. Ta có thể liệt kê một số thứ liên quan đến quỹ thời gian mà doanh nghiệp cần sử dụng vào việc phát triển công nghệ mà họ có thể tiết kiệm được khi chọn phát triển Ứng dụng lai, gồm có: thời gian phát triển ứng dụng, thời gian chuyển giao công nghệ, thời gian thích nghi và đưa vào hoạt động.

Ứng dụng gốc và Ứng dụng lai: Doanh nghiệp startup cần công nghệ nào?

Ảnh minh hoạ

Trái lại, khi lựa chọn phát triển Hybrid App, doanh nghiệp sẽ gặp một số thử thách khó tránh. Những khuyết điểm của Ứng dụng lai thì Native App có thể đáp ứng một cách tuyệt vời. Thử thách đầu tiên của Ứng dụng lai là bất ổn định. Sự kết hợp giữa nền Web và giao diện Mobile vốn dĩ chưa đáp ứng được sự ổn định cần thiết đối với một số mô hình kinh doanh có quy mô. Vì thế, đây sẽ là yếu tố mà mọi doanh nghiệp cần cân nhắc. Cần cân bằng giữa yếu tố đáp ứng tức thời và phát triển dài lâu. Tiếp theo, Ứng dụng lai sẽ có màn trình diễn (Performance), hiệu năng của Ứng dụng lai khá yếu ớt so với Native App và người anh em đời sau Cross-Platform. Đây có thể được xem là điểm yếu lớn nhất đối với công nghệ này tính đến thời điểm hiện tại.

Về trải nghiệm người dùng, một người dùng thông thường sẽ ít chú ý và đánh giá được chính xác. Tuy nhiên với góc nhìn của giới chuyên môn, trải nghiệm người dùng từ Hybrid App mang lại là không đủ hài lòng. Vì thế, đối với từng mô hình kinh doanh, doanh nghiệp startup cần cân nhắc và tìm hiểu về vấn đề này một cách nghiêm túc.

Tóm lại, Ứng dụng lai và Ứng dụng gốc đều có những ưu, nhược điểm rõ ràng. Chúng tuy rằng trái ngược nhau về đặc điểm nhưng lại phục vụ các mục tiêu chung của doanh nghiệp. Mình từng trao đổi với một số doanh nghiệp có dự định phát triển Ứng dụng Mobile nhằm hỗ trợ quản lý nội bộ, chấm công và giao tác vụ, thì theo mình, họ nên chọn phát triển Ứng dụng lai; hoặc với nhu cầu lớn hơn, họ nên chọn Ứng dụng đa nền tảng (Cross-Platform). Như vậy sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng công nghệ mà họ đặt ra. Ngược lại, các doanh nghiệp mong muốn phát triển công nghệ Mobile về cắt ghép, xử lý Ảnh & Video, Ứng dụng gốc sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất với họ. Hy vọng với những chia sẻ của mình, anh chị và các bạn sẽ có được thông tin hữu ích phục vụ cho công việc, kế hoạch phát triển Ứng dụng Mobile của riêng mình.