Xử lý khủng hoảng truyền thông: “Hãy giữ thể diện cho nhau”
Thời gian gần đây, giới truyền thông trong nước xôn xao vì vụ kiện giữa “nữ hoàng nhạc dance-“ca sĩ Thu Minh và Công ty C.T Phương Nam (một thành viên của tập đoàn C.T Group) có liên quan tới hợp đồng mua bán 2 căn penhouse tại dự án Léman Luxury do C.T Phương Nam là chủ đầu tư. Vụ việc được cho là chưa có tiền lệ tại Việt Nam giữa chủ đầu tư và người mua dự án.
Trong khuôn khổ bài viết này, DN & TH Việt Nam, xin giới thiệu tới độc giả một góc nhìn khác về vụ kiện dưới quan điểm của một trong những chuyên gia đầu ngành về Quan hệ công chúng-Lê Trần Bảo Phương. Anh từng tốt nghiệp Thạc sĩ truyền thông tại Đại học Stirling (Anh Quốc), đảm nhận vị trí cố vấn truyền thông cho một số nhãn hàng và thương hiệu lớn. Đồng thời tham gia giảng dạy chuyên ngành quan hệ công chúng ở các trường đại học lớn.
Uy tín của doanh nhân và cá nhân đều như nhau
Uy tín của một doanh nghiệp và uy tín của một cá nhân cơ bản giống nhau, đó là rất dễ bị tổn thương bởi những lời nói hay việc làm tiêu cực do bản thân tự gây ra hoặc do người khác gán ghép vào.
Xét riêng về vụ việc đang được dư luận chú ý hiện nay là tranh chấp giữa ca sĩ Thu Minh và Công ty C.T Phương Nam. Hình như công chúng chỉ thấy họ đang cố gắng để quy tội cho nhau và bôi nhọ nhau. Trong khi nữ ca sĩ cho rằng đối tác của cô là “dối trá”, “lật lọng”, “vi phạm hợp đồng” thì đối tác của cô đòi kiện nữ ca sĩ vì “ngộ nhận”, “thủ đoạn thiếu trung thực”, “tiết lộ bí mật”. Rõ ràng là hai bên đang ghìm chặt nhau trong vòng xoáy thiệt hại uy tín.
Đúng hay sai thì phải chờ cơ quan chức năng giải quyết và đưa ra kết luận chính thức. Nhưng khi đó chắc có lẽ hai bên đều đã bị tổn thương nặng nề.
Vụ lùm xùm nào thì cũng sẽ chìm theo thời gian, nhưng cái để lại trong tâm trí của công chúng về một công ty uy tín đặt quyền lợi khách hàng trên hết và một nữ ca sĩ thân thiện chắc là bị ảnh hưởng mạnh. Bởi vì xu hướng chung của con người là ghi nhớ cái xấu của người khác hơn là cái đẹp của họ. Cái xấu được lan truyền đi mạnh và tồn tại dai dẳng hơn. Không phải mà tự nhiên ông cha ta đúc kết rằng “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Xử lý khủng hoảng PR: cần có chuyên gia
Lẽ ra trong tình huống này, khi xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, cả hai bên trước tiên phải giữ vững nguyên tắc cơ bản nhất trong việc hợp tác là “giữ thể diện cho người khác” và hiểu về “cái khó của nhau”. Với cách tiếp cận này, chắc chắn vụ việc sẽ không diễn ra theo hướng bất lợi cho cả đôi bên như thế.
Nhưng bây giờ tình hình chưa muộn, khi mà hai bên đồng ý ngồi lại với nhau, thoả thuận trong sự hợp tác có lợi nhất cho mỗi bên, xin lỗi lẫn nhau và công bố kết cục có hậu để kết thúc vụ việc trong êm thắm.
Theo kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp, tôi cho rằng, đối với CT Phương Nam, khi manh nha sự việc sắp bị khách hàng kiện, tổ chức không nên lập tức đánh trả dữ dội, vì nó thể hiện đã bị đánh trúng vào tử huyệt. Bởi vì vị nữ ca sĩ đã không hoàn toàn sai và bản thân CT Phương Nam đã không có đầy đủ tất cả bằng chứng để có thể kiện thành công vị khách hàng của mình nên kĩ thuật “Ai kiện trước chiếm ưu thế” sẽ bị phản tác dụng. Thực tế đúng là bị phản tác dụng, khi các chuyên gia BĐS nhảy vào phân tích ra cái sai của CT Phương Nam.
Đáng lý ra, ở thời điểm đó, CT Phương Nam nên tiếp cận vị khách hàng theo cách khác phù hợp hơn, ví dụ như tìm hiểu và đồng cảm với tâm tư của khách hàng để “bớt củi dưới nồi” và cam kết thực thi đúng những ràng buộc trong hợp đồng để hướng đến sự êm thắm.
Chúng ta nên lưu ý rằng, truyền thông, PR là một dạng quyền lực, mà quyền lực nào cũng có hai mặt. Vận dụng quyền lực sai thì hiệu quả bị phản ứng ngược. Do đó các hãng nước ngoài thường hay tìm đến sự tư vấn của chuyên gia khi xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Về cách xử lý của nữ ca sĩ, tôi không có ý kiến vì đó là cách nhìn, cách làm của cá nhân họ. Nhưng khi uy tín bị tổn thương, thì bất kể là doanh nghiệp hay cá nhân, giá trị thương hiệu hiện tại và cơ hội thu nhập tương lai của họ đều bị ảnh hưởng. Bởi lẽ ít đơn vị nào muốn hợp tác với những cá nhân hay tổ chức đang bị vấn đề về uy tín.