Câu chuyện đằng sau bộ nhận diện thương hiệu mới của Medium
Nhằm nhấn mạnh hướng phát triển trong tương lai, Medium, nền tảng xuất bản nội dung thành lập từ năm 2012, đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu cả trong phong cách minh hoạ, màu sắc và logo.
Trong năm 2020, Medium đã triển khai nhiều bản nâng cấp nhằm tăng tính kết nối giữa người viết và độc giả trên nền tảng này. Điểm đáng chú ý là khả năng tuỳ biến trang cá nhân đã mang đến nhiều không gian sáng tạo và giúp người viết thể hiện cá tính rõ nét hơn. Thông qua đó, Medium nhận thấy bộ nhận diện thương hiệu của họ cũng cần được thay đổi để truyền tải những bước chuyển này đến người dùng.
Medium được thành lập với sứ mệnh đơn giản: Nâng cao hiểu biết của mọi người về thế giới và lan toả những điều hữu ích. Thông qua nền tảng của họ, ý tưởng của mỗi cá nhân có thể chạm đến một cộng đồng toàn cầu với hơn 170 triệu độc giả. Quan trọng nhất, bất kỳ ai cũng có quyền được chia sẻ quan điểm trên nền tảng mở này. Medium chính là nơi nuôi dưỡng, kết nối và khơi dậy những cuộc đối thoại thật sự, từ đó thúc đẩy sự thay đổi.
Từ thời điểm thành lập đến nay, sứ mệnh của Medium chưa hề thay đổi. Nhưng thế giới vẫn liên tục biến chuyển, do đó các công cụ xuất bản và nền tảng đọc cần được cải tiến liên tục. Medium đang hướng đến một mạng lưới trao đổi ý tưởng có chủ đích và gần gũi hơn. Bộ nhận diện thương hiệu mới sẽ đại diện hướng đi sắp tới của họ, đồng thời giải quyết hai vấn đề quan trọng sau:
- Cung cấp hệ thống thiết kế linh hoạt và dễ dàng áp dụng cho các hoạt động marketing trong tương lai hơn. Bởi phong cách thiết kế trước đó (collage illustrations) tốn khá nhiều thời gian để thực hiện.
- Mang đến bảng màu linh hoạt và táo bạo hơn. Bởi bảng màu trước đó có phần kém nổi bật.
Các thay đổi trong bộ nhận diện thương hiệu của Medium
1. Phong cách minh hoạ
Phong cách minh hoạ mới của Medium sở hữu 3 đặc điểm chính sau:
- Lấy ngôn ngữ làm trung tâm: Hình ảnh được vẽ nên bởi nhiều từ và chữ cái, đi kèm với đó là một dòng thông điệp ngắn. Đặc điểm này đại diện cho hoạt động cốt lõi của Medium: Dùng ngôn từ để làm rõ và mở rộng các ý tưởng. Vì về bản chất, Medium cung cấp nền tảng xuất bản cho người viết.
- Dạng hình khối (3-D): Thiết kế có cấu trúc đa diện và có chiều sâu. Đặc điểm này đại diện cho tính đa quan điểm trong các bài viết trên Medium. Độc giả có thể tìm hiểu các vấn đề phức tạp dưới nhiều góc độ trên nền tảng mở này.
- Sự vận động và tương tác: Những con chữ trong thiết kế mang đến cảm giác chuyển động cho người xem. Đặc điểm này đại diện cho những ý tưởng đang được phát triển trên Medium. Chúng không phải các thông tin mà chúng ta vô thức lướt qua hàng ngày, mà là những quan điểm có thể thay đổi cách người đọc nhìn nhận thế giới. Thêm vào đó, việc đăng bài trên Medium đồng nghĩa với việc người viết đã tham gia vào các cộng đồng vô cùng sôi nổi.
2. Màu sắc
Màu sắc chủ đạo vẫn là đen và trắng, đại diện cho tính “mở” của nền tảng cho phép người viết thoải mái tô vẽ nên những quan điểm của chính họ. Tuy vậy, các vật liệu truyền thông thương hiệu được sử dụng thêm một bảng màu thứ cấp mở rộng (tím, cam, xanh lá) để thể hiện tính đa chiều của nội dung trên Medium.
3. Logo
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự thay đổi của logo. Medium thực hiện vài sự thay đổi nhỏ trên phiên bản logo cũ, đồng thời bổ sung một phiên bản logo mới.
- Phiên bản logo sử dụng từ trước đến nay (M và Medium) được tân trang lại về mặt kiểu chữ, với đường nét uyển chuyển hơn và khoảng cách giữa các từ được thu hẹp để tăng khả năng đọc.
- Phiên bản logo mới được lấy cảm hứng từ dấu chấm lửng (…) đại diện cho những suy nghĩ còn dang dở, các ý tưởng đang thành hình trên Medium. Biểu tượng này ngụ ý rằng sẽ luôn có điều mới để người đọc khám phá trên nền tảng này. Hơn nữa, logo mới giúp việc sáng tạo trở nên linh hoạt hơn.
Hệ thống nhận diện thương hiệu mới này đại diện cho định hướng phát triển trong tương lai của Medium, trở thành một nền tảng giúp xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn giữa người viết với và độc giả trên toàn thế giới.
Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: Medium Blog