Nguồn gốc PR cổ xưa
- “Quan hệ công chúng (PR) ra đời từ khi nào?”
- “Nó có thể giúp tôi thành công hơn trong cuộc sống này không?”
- “Nó có ích ở chỗ nào?”
Nếu chúng ta tìm được nguồn gốc khởi sinh của PR tức là chúng ta cũng tìm được cách thức vận hành quyền lực của nó. Vận hành quyền lực của PR cho điều tốt cũng như cho điều xấu. Hãy nên nhớ rằng sức mạnh nào cũng có hai mặt.
Mặc dù đã được giới nghiên cứu chính thức công nhận sự ra đời từ thế kỷ 20, nhưng việc ứng dụng các kĩ thuật PR đã khởi sinh từ nền văn minh Ai Cập cổ xưa cách đây khoảng 3500 năm.
Vị Pharaon nữ đầu tiên của Ai Cập Hatshepsut (1508-1458 TCN) là một trong những nữ vương quyền lực nhất trong lịch sử thế giới cổ đại, dù rằng việc một người phụ nữ đứng lên cầm quyền là điều rất hiếm xảy ra ở Ai Cập. Sự cai trị của Hatshepsut kéo dài hơn 20 năm (khoảng 1479-1458 TCN) là thời gian cai trị dài nhất trong số các Nữ hoàng Ai Cập cổ đại. Bà còn được ngưỡng mộ với khả năng khéo léo đạt được sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng.
Thực tế là, thời đó, không có một công ty PR nào để Hatshepsut thuê để xây dựng hình ảnh cá nhân của mình trong lòng dân chúng, nhưng bà đã được bao quanh bởi những Nhà cố vấn Quan hệ công chúng đích thực và mưu lược. Họ đã hướng dẫn bà cách thức sử dụng các kĩ thuật quan hệ công chúng nhằm duy trì chiếc vương miện.
Họ đã tư vấn cho bà sử dụng những hình ảnh và biểu tượng vương quyền để đại diện cho quyền lực của một vị Pharaon. Họ đã giúp bà xác nhận địa vị của một vị vua tối cao hơn là một “bà vợ vĩ đại của đức vua”. Họ đã tư vấn cho bà cách thức cai trị dân chúng theo tính cách của một người đàn ông uy quyền nhằm phù hợp với xã hội Ai Cập gia trưởng. Như vậy, nguồn gốc của quan hệ công chúng cũng cổ xưa như chính nền văn minh Ai Cập cổ đại[1].
Còn theo Joep Cornelissen (2009), trong cuốn Corporate Communication: A Guide to Theory and Practice, vào thế kỷ 19, trong giai đoạn phát triển rực rỡ của cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh và Mỹ, các tập đoàn công nghiệp đã thuê các nhà báo, nhà tuyên truyền, các đại lý báo chí triển khai các chiến dịch thúc đẩy bán hàng. Lúc bấy giờ, vì phần lớn dân chúng là những người nhẹ dạ cả tin, nên những nội dung quảng bá thường nói quá về SPDV và nói sai sự thật.
Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, tình trạng này chấm dứt, khi những vụ bê bối có dính dáng đến quyền lực, tài chính và tham nhũng bị phanh phui. Lúc này, để đáp trả lại, nhiều tổ chức lớn đã thuê nhà báo uy tín làm người phát ngôn cho họ, đồng thời phát tán lời giải thích rộng rãi ra đại chúng để mong giành lại được sự ủng hộ.
Đến thập kỷ 1920 – 1930, do sự cải cách kinh tế ở Mỹ, Anh và chủ nghĩa hoài nghi ở dân chúng đối với những tổ chức lớn tăng lên, nên các tổ chức đã rất cần sự giúp sức của chuyên gia truyền thông một cách thường xuyên hơn. Vì thế, các tổ chức này đã thuê những chuyên gia truyền thông để làm truyền thông bên trong và bên ngoài cộng đồng một cách bài bản.
Từ thời điểm này, ngành Quan hệ công chúng (PR) và Marketing ra đời và được xác định vai trò khá rõ ràng. Các tổ chức đã sử dụng PR để giải quyết mối hoài nghi của công chúng, làm cho họ gần gũi, thân thiện hơn với cộng đồng. Họ cũng sử dụng Marketing để tiếp thị sản phẩm đến tay dân chúng một cách hiệu quả. PR xây dựng sự thương quý trong cộng đồng để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc tiếp thị sản phẩm. Cả Marketing và PR từ đó đã bắt đầu hành trình phát triển sóng đôi theo vai trò rất riêng như vậy, và kéo dài cho đến ngày nay.[2].
Trích chương 2, “Quyền năng bí ẩn” (theo NCĐT)
Nguồn dẫn:
[1] Patricia A. Curtin & T. Kenn Gaither. (2007). International Public Relations. Sage.
[2] Joep Cornelissen. (2009). Corporate Communication, (tr. 14-32), Sage.