AR đã giúp các kênh thương mại điện tử giải bài toán marketing như thế nào?

Công nghệ AR đã trở thành một giải pháp marketing lý tưởng cho rất nhiều thương hiệu kinh doanh trực tuyến trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tiềm năng và khó khăn của ngành thương mại điện tử

Hiện nay, thương mại điện tử đang là một trong những thị trường vô cùng hot. Khách hàng mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, kênh online (website, mạng xã hội…) ngày càng nhiều bởi tính tiện lợi mà nó đem lại như tiết kiệm thời gian, sản phẩm đa dạng… 

Theo oberlo.com, có khoảng 25% trong số 7.7 tỷ dân thế giới mua sắm online và ước chừng có 2,05 tỷ người tiêu dùng số (digital users) năm 2020. Riêng tại thị trường Việt Nam, thương mại điện tử đang trên đà phát triển rực rỡ. Năm 2019, ngành thương mại điện tử của Việt Nam thu về 2,7 tỷ USD và đã có 35,4 triệu người dùng. Những con số trên đã cho thấy sự tiềm năng của thị trường này. Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư, kinh doanh vào thương mại điện tử càng thu hút được nhiều doanh nhân, giới trẻ khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, ngành thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người mua hàng tin dùng bởi tương tác giữa bên bán và bên mua không trực tiếp. Vì vậy sự kết nối giữa doanh nghiệp, bên cung và người mua, bên cầu chưa bền vững. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ thiếu trải nghiệm trực tiếp với sản phẩm để đưa ra quyết định mua sắm hợp lý nên họ thường e ngại. 

Vậy lối đi nào cho các công ty thương mại điện tử, các kênh mua sắm online của thương hiệu? Câu trả lời chính là công nghệ tương tác thực tế ảo - AR (Augmented Reality).

Sự tác động của AR đến ngành thương mại điện tử

Trang bigcommerce.com đã có thống kê về cách mà AR tác động đến người mua sắm trực tuyến:

  • Chi tiêu cho AR dự kiến sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2020

  • 61% người mua hàng trực tuyến thích mua hàng online trên các trang web cung cấp công nghệ AR

  • 63% người dùng chia sẻ rằng AR sẽ thay đổi trải nghiệm mua sắm của họ

  • 71% người dùng dự kiến sẽ trung thành hơn với thương hiệu kết hợp AR để tạo trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng

Những con số không hề nhỏ này đã khẳng định sức ảnh hưởng tích của của AR đối với các nền tảng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và hứa hẹn đây sẽ là giải pháp marketing tuyệt vời cho các doanh nghiệp hiện nay cũng như trong tương lai. 

Những ví dụ điển hình về nền tảng thương mại điện tử sử dụng thành công AR trong các chiến dịch truyền thông

Sự xuất hiện của công nghệ AR đã mang đến giải pháp tuyệt vời cho những vấn đề mà lĩnh vực bán hàng trực tuyến đang gặp phải.

1. Amazon thể hiện trách nhiệm xã hội vào Halloween nhờ AR

Trong dịp Halloween vừa qua, Amazon đã có chiến dịch truyền thông mới lạ và hấp dẫn sử dụng công nghệ AR để gây ấn tượng với người dùng. Amazon sử dụng những chiếc hộp, trên đó có các chủ đề của Halloween, được làm với ít chất liệu hơn để giao đến cho cho khách hàng. Công ty sẽ giao những chiếc hộp có thiết kế đậm chất Halloween này đến tay khách hàng hết ngày 31/10. 

Để kích hoạt trải nghiệm, khách hàng của Amazon sẽ trải qua những thao tác tương đối đơn giản:

  • Trước tiên, khách hàng cần tải app Amazon AR hoàn toàn miễn phí trên điện thoại thông minh của họ. 

  • Trên chiếc hộp mà Amazon gửi đến nhà khách hàng có dòng chữ “Creat your own augmented reality pumpkin” (Tạo ra hình bí ngô thực tế ảo của chính bạn) để gợi ý người dùng người dùng vẽ hình quả bí ngô trên hộp qua các điểm đánh dấu màu đen in sẵn. Khách hàng có thể tùy ý tạo ra hình bí ngô họ mong muốn. 

  • Vào Amazon AR và quét hình ảnh quả bí ngô để thấy một phiên bản bí ngô do chính họ vẽ trên màn hình điện thoại. 

  • Người dùng có thể chọn filter cho bí ngô và bắt đầu chụp ảnh đậm màu sắc Halloween với trái bí ngô đó. 

Amazon khuyến khích người dùng chia sẻ những hình ảnh này lên mạng xã hội để lan tỏa thông điệp tận hưởng lễ Halloween tiết kiệm, an toàn giữa đại dịch Covid-19 mà vẫn thú vị bằng cách tái sử dụng các thùng giấy cũ trước khi đưa chúng vào tái chế. Nước đi này của Amazon không chỉ chứng tỏ sự nhảy cảm, khôn khéo trước xu hướng công nghệ mà còn chứng minh sự nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thị trường hiện tại, tâm lý khách hàng trong dịp Halloween giữa đại dịch Covid-19. Chiếc hộp giấy có quả bí ngô AR đã:

  • Thể hiện được thông điệp phát triển bền vững của Amazon với hình ảnh tận dụng chiếc hộp tái chế. 

  • Tạo ấn tượng trong tâm trí khách hàng về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Một doanh nghiệp trách nhiệm sẽ tạo được tín nhiệm và tình yêu trong lòng người tiêu dùng. 

  • Vẫn đảm bảo được không khí Halloween cho mỗi gia đình, cá nhân khách hàng của thương hiệu giữa đại dịch.

2. Leflair dùng AR cho phép khách hàng thử sản phẩm ngay trên điện thoại

Ở nước ngoài, AR đã được áp dụng khá rộng rãi tuy nhiên tại Việt Nam, công nghệ này còn tương đối mới mẻ. Tuy chưa nhiều thương hiệu áp dụng nhưng đã có những cái tên tạo ra chiến dịch ấn tượng với AR, điển hình là Leflair - trang thương mại điện tử uy tín chuyên bán các sản phẩm hàng hiệu chính hãng. 

Vào 07/01 - 14/01/2020, Leflair kết hợp với Facebook tung ra chương trình tương tác thực áp dụng cho 2 dòng sản phẩm cao cấp là son môi Guerlain và kính mắt RayBan. Người dùng quan tâm đến 2 sản phẩm này có thể vào fanpage của thương hiệu để trải nghiệm.

AR đã giúp các kênh thương mại điện tử giải bài toán marketing như thế nào?AR đã giúp các kênh thương mại điện tử giải bài toán marketing như thế nào?

Thông qua chiến dịch này, Leflair đã giải quyết được:

  • Băn khoăn về sự phù hợp của khách hàng khi mua sản phẩm: 

Trước nay, mua sắm online luôn có một nhược điểm lớn so với việc mua sắm offline đó là khách hàng không được trực tiếp cảm nhận, thử nghiệm sản phẩm. Họ chỉ được tiếp xúc với ảnh, video của sản phẩm được đăng tải trên các trang thương mại điện tử nhưng hình ảnh hay video đều có thể dễ dàng được chỉnh sửa nên không đảm bảo được độ tin cậy của sản phẩm với khách hàng. Bên cạnh đó, độ phù hợp của sản phẩm với cá nhân người tiêu dùng cũng là câu hỏi lớn khiến họ chùn bước khi định mua sắm online. 

Nhưng nhờ AR, Leflair đã giải quyết được cả 2 vấn đề trên. Người dùng được trực tiếp thử các mẫu kính mắt, màu son để biết kiểu nào, màu nào hợp với họ thay vì nhìn qua người mẫu, ảnh, video và suy đoán xem liệu sản phẩm này có dành cho họ. 

  • Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng: 

Thông qua AR, Leflair đã cá nhân hóa được trải nghiệm của từng khách hàng, khiến mỗi người cảm thấy họ đều được thương hiệu quan tâm về sở thích, nhu cầu khi mua sản phẩm. Từ đó, tình yêu của người tiêu dùng dành cho thương hiệu sẽ tăng lên. 

  • Giúp khách hàng tiết kiệm thời gian: 

Mỗi người đều bận rộn với vô vàn công việc hàng ngày trong khi mua sắm sẽ tốn khá nhiều thời gian cho việc đi lại, chọn đồ, thử đồ… Nhưng với AR, khách hàng có thể thử sản phẩm mà không cần phải đến tận cửa hàng, đi xa, không lo nắng, mưa… Chỉ cần cầm điện thoại lên, kết nối Internet và vào fanpage Leflair thử các sản phẩm. Thời gian được tiết kiệm 1 cách tối đa mà khách hàng tha hồ thử nhiều lần cho đến khi quyết định được sản phẩm họ muốn sở hữu. 

Để tìm hiểu thêm về công nghệ AR và các chiến dịch tương tự, xem thêm tại: https://breadntea.vn/ar/