Keyword Optimization - Cách Nghiên Cứu Và Đánh Giá Từ Khóa Trong App Store Và Google Play Store
Sự cạnh tranh để thu hút sự chú ý của người dùng trên các nền tảng app store đang ngày càng gay gắt. Theo Statista, tính đến quý 1 năm 2020, người dùng có thể tải về gần 4,5 triệu ứng dụng từ Google Play Store và Apple Store. Một ứng dụng muốn dành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này trước hết phải nổi bật hơn về thứ hạng hiển thị khi người dùng muốn tìm kiếm ứng dụng bằng bất kỳ từ khóa nào. Bài viết này nói về khả năng hiển thị của một ứng dụng trong các app store hàng đầu hiện nay và cách để đưa ứng dụng lên top tìm kiếm để tiếp cận với nhiều người dùng tiềm năng hơn.
Lưu ý: Mỗi app store hiện nay đều có thuật toán riêng chịu trách nhiệm xếp hạng vị trí cho các ứng dụng tùy theo những từ khóa nhất định. Do đó, bạn cần xây dựng các chiến lược ASO phù hợp. Mặc dù có một số điểm trùng lặp nhưng cuối cùng, bạn vẫn cần các cách tiếp cận khác nhau cho hai hệ điều hành nổi bật là Android và IOS.
Tối ưu hóa từ khóa là công đoạn không thể bỏ qua
BƯỚC 1: NGHIÊN CỨU TÌM TỪ KHÓA PHÙ HỢP CHO ỨNG DỤNG CỦA BẠN
Có nhiều nguồn có sẵn mà bạn nên tham khảo để lên được 1 list keyword phù hợp:
1. Brainstorm
Hãy đặt mình vào người dùng để tự trả lời cho mình câu hỏi khi muốn tìm một ứng dụng cụ thể, bạn sẽ dùng những cụm từ như thế nào? Các tính năng và giá trị mà ứng dụng của bạn mang lại là gì? Những đặc điểm đó liên quan đến thuật ngữ nào? Đừng bỏ qua các từ khóa chung chung về lĩnh vực mà ứng dụng và thương hiệu của bạn hướng tới. Bạn có thể cùng team của mình trao đổi và suy nghĩ để đưa ra bộ keyword tối ưu nhất.
2. Reviews của người dùng app
Cách thứ hai là dựa vào reviews của người dùng để lại sau khi sử dụng ứng dụng. Trong khi tiến hành tối ưu hóa từ khóa (KWO), bạn có thể nhận được những từ khóa mới từ phản hồi của người dùng. Sau khi xem qua các bài đánh giá về ứng dụng của bạn cũng như của các đối thủ cạnh tranh, hãy chú ý đến những cụm từ mà người dùng sử dụng thường xuyên nhất.
3. Phân tích đối thủ cạnh tranh
Không chỉ reviews của người dùng từ đối thủ cạnh tranh, mà chính đối thủ cạnh tranh cũng có thể cung cấp thông tin về bộ keyword mà bạn nên xây dựng. Vì vậy, hãy xem xét kỹ đối thủ cạnh tranh của bạn và phân tích từ khóa mà ứng dụng của đối thủ cạnh tranh của bạn đang xếp hạng cao khi tìm kiếm trên các app store.
4. Công cụ Auto-suggestion của thanh tìm kiếm
Để nhanh chóng biết được những từ khóa nào có số lượng và mức độ phổ biến cao, bạn có thể sử dụng gợi ý tự động trong App Store và Google Play Store. Khi tìm kiếm, bạn có thể nhập một cụm từ chung nhất về ứng dụng của mình ví dụ như diet, ngay lập tức dưới thanh công cụ tìm kiếm sẽ gợi ý hàng loạt các từ liên quan đến chủ đề đó. Chúng ta có thể giả định rằng các kết quả xuất hiện đầu tiên là phổ biến nhất và bạn nên đưa chúng vào list keyword của mình. Tuy nhiên, để có dữ liệu chính xác hơn về lượng traffic, cần có các công cụ phân tích riêng biệt.
5. Các công cụ phân tích từ khóa
Có rất nhiều công cụ ASO và SEO để nghiên cứu từ khóa, tuy nhiên, nên sử dụng chúng một cách thận trọng vì chúng không có quyền truy cập vào dữ liệu không công khai từ Google hoặc Apple. Bởi vậy, mọi số liệu đều mang tính tương đối. Bản thân Google cũng cung cấp Công cụ Keyword Planner được nhúng trong Google Ads. Khi bạn chọn một truy vấn tìm kiếm cụ thể, bạn sẽ nhận được các từ khóa tương tự với số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng ước tính của chúng.
BƯỚC 2: ĐÁNH GIÁ - CÁCH LỌC RA CÁC TỪ KHÓA CÓ LIÊN QUAN
Sau khi hoàn thành nghiên cứu và lập được một danh sách các từ khóa - có thể bao gồm tới vài trăm đến hàng ngàn keyword. Điều cần thiết cho sự thành công của chiến lược KWO và ASO của bạn là rút ngắn danh sách và chỉ giữ lại những keyword cần thiết nhất. Bạn nên tự hỏi mình những câu hỏi sau để đánh giá mức độ liên quan của các từ khóa:
Từ khóa nào thúc đẩy lượng truy cập vào ứng dụng?
Ứng dụng của bạn có tiềm năng xếp hạng cao khi tìm kiếm những từ khóa này không?
Từ khóa có phù hợp với ứng dụng của bạn không?
Các công cụ phân tích cũng có thể cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi này. Bạn có thể sử dụng công cụ AppTweak sẽ cho bạn những đánh giá cần thiết như lưu lượng truy cập, độ cạnh tranh,… Tuy nhiên, đừng quá phụ thuộc vào số liệu. Nhiều người vẫn hay mắc phải một cách lọc từ khóa hơi sai lầm như chỉ dựa vào lưu lượng tìm kiếm cao và mức độ cạnh tranh thấp. Hãy dùng cả cảm nhận, sự phán đoán để kết hợp nhiều yếu tố khi lựa chọn từ khóa nhé!
Để duy trì vị trí hiển thị ứng dụng của bạn trong App Store và Google Play Store ở mức cao ổn định và tăng hơn nữa, bạn nên lặp lại quy trình trên thường xuyên và xác định các xu hướng mới. Theo nguyên tắc chung, bạn nên tối ưu hóa lại app của mình ba tháng sau giai đoạn thử nghiệm đầu tiên dựa trên kết quả chuyên sâu và sau đó lặp lại quy trình này sau mỗi 6 đến 12 tháng.