6 lý do tại sao Việt Nam là miền đất hứa để đầu tư kinh doanh

6 lý do tại sao Việt Nam là miền đất hứa để đầu tư kinh doanh

Tại sao đầu tư vào Việt Nam?

Lợi nhuận có như những lời đồn thổi?

Trong những năm gần đây, Việt Nam dần dần ghi điểm với tư cách là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển bậc nhất Đông Nam Á – một trong những trung tâm kinh tế sôi động của thế giới. Năm 2019, Việt Nam đã được World Bank xếp thứ 8 trong 29 nền kinh tế đáng đầu tư nhất thế giới, và đây là những lý do tại sao:

1. Thị trường trẻ, phát triển nhanh với sức tiêu thụ ngày càng tăng

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt. Từ năm 2005 đến 2016, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ 600 USD/người đến gần 2.185 USD/người, giúp cho sức tiêu thụ của người dân ngày càng tăng. Việt Nam cũng là quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực. Nhóm thu nhập này được dự đoán là sẽ tăng từ 1% vào năm 2011 đến gần 10% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các nhu cầu dịch vụ cho ngành IT, nhân sự và phát triển thị trường đã tăng 40% so với những năm trước. Nếu xét theo mô hình vòng đời sản phẩm, thị trường Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn tăng trưởng và sẵn sàng đón nhận sự gia nhập của các start-ups và các doanh nghiệp nước ngoài tên tuổi.

2. Tình hình kinh tế và chính trị ổn định

Khi nghe nhắc đến hai chữ “Việt Nam”, một số cư dân địa cầu từ phương Tây vẫn liên tưởng hai từ này với hình ảnh chiến tranh và nghèo đói. Tuy nhiên đã đến lúc để thay đổi nhận thức đó. Việt Nam ngày nay đã trở thành điểm đến vàng cho các nhà đầu tư. Nếu so sánh với tình hình chính trị phức tạp và bất ổn ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hồng Kông, thì sự ổn định của thị trường Việt Nam là một điểm sáng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc di chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất và tài nguyên đến Việt Nam để hưởng lợi từ tình hình chính trị xã hội ổn định, tốc độ phát triển kinh tế đều đặn, và những ưu đãi thu hút FDI của chính phủ. Một ví dụ gần đây, nhiều tập đoàn đang di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những thiệt hại từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, điều này biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn. Sự thành công của chính phủ trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng là minh chứng cho thấy khả năng kêu gọi hợp tác từ cộng đồng và mối quan hệ tối với người dân của chính phủ Việt Nam.

3. Mở cửa kinh doanh

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ngoài việc là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam còn tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, bao gồm các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với một số vùng và đối tác trên thế giới. Gần đây, Việt Nam đã kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018, mở ra nhiều cơ hội mới để giao thương tự do giữa các nước thành viên.

4. Nguồn nhân lực tài năng và cơ sở vật chất hiện đại

Cơ cấu dân số của Việt Nam đang trong giai đoạn tỉ lệ vàng, với hơn 50% tổng dân số đang ở trong độ tuổi lao động và 1/3 dân cư cả nước đang sinh sống tại khu vực thành thị. Năng suất lao động trung bình của người Việt Nam đang dần tăng qua các năm, thu hẹp khoảng cách khi so sánh với năng suất lao động của những nước phát triển khác. Thị trường lao động Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với những thị trường lao động lân cận khác nhờ vào nguồn nhân lực phổ thông giá rẻ, dồi dào nhưng tay nghề tốt, có hiểu biết về văn hóa làm việc phương Đông/phương Tây và sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế.

Việt Nam cũng đang cải thiện cơ cấu hạ tầng để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường này. Tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 355 khu công nghiệp trải dài khắp cả nước, và 3 khu công nghệ cao tọa lạc tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Khi đầu tư vào các khu công nghiệp hoặc các khu chế xuất, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như giảm thuế hoặc hỗ trợ đầu tư.

Năm 2020, thế giới đã được một phen giật mình khi nghe tin sản phẩm Samsung Note20 cao cấp đã được sản xuất tại Việt Nam. Samsung tiết lộ rằng những nhà máy tại Việt Nam của hãng vẫn hoạt động đủ công suất trong mùa dịch.

5. Tài nguyên thiên nhiên trù phú

Việt Nam là mảnh đất nổi tiếng vì có tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm dầu thô, khí ga, than và nhiều loại khoáng sản khác. Nguồn tài nguyên lớn này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là về mảng dầu thô và khí ga. Việt Nam cũng có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để khai thác thủy điện, điện gió và điện mặt trời, nông nghiệp, tài nguyên biển và tài nguyên rừng. Ưu đãi mà thiên nhiên đem lại đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

6. Vị trí lý tưởng để giao thương quốc tế

Tọa lạc tại Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí địa lí thuận lợi để di chuyển đến Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ chỉ trong vài giờ bay. Hơn nữa, đường bờ biển dài có nhiều cảng biển nước sâu đạt chuẩn quốc tế tạo điều kiển phát triển các dịch vụ hàng hải. Giao thông thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa và hành khách tấp nập trong khu vực.

Việt Nam đang trên đà phát triển ổn định trong những năm vừa qua, và là một trong những điểm thu hút đầu tư nước ngoài bậc nhất Đông Nam Á. Với tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực theo như đã nhắc đến trong 6 ý chính trên, Việt Nam đang trên đà khẳng định vị thế của mình trong tâm trí của giới đầu tư tại khu vực Đông Nam Á. Hiểu rõ tiềm năng này, EloQ Communications mong muốn trở thành đối tác hỗ trợ cho những công ty trong nước và ngoài nước đang có định hướng mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. EloQ luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ trọn gói, từ những bước đầu thâm nhập đến các hoạt động quảng bá, để giúp cho chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam của các khách hàng luôn thành công và thuận lợi. Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ.

Bài phân tích được viết bởi:

Tiến sĩ Clāra Ly-Le, giám đốc điều hành của EloQ Communications. Bà là chuyên gia quan hệ công chúng lâu năm với nhiều kinh nghiệm tham gia các chiến dịch PR quốc tế và tại Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu của Tiến sĩ Clāra bao gồm quản lý khủng hoảng, giao tiếp đa quốc gia và giao tiếp trong bối cảnh truyền thông mới.

Hạnh Lê, trợ lý điều hành tại EloQ Communications. Hiện tại Hạnh đang giúp EloQ kết nối và duy trì mối quan hệ với hơn 10 agency đối tác đến từ nhiều nước khác trong khu vực châu Á, cùng các mạng lưới PR toàn cầu để thực thi các dự án quốc tế và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ trong ngành truyền thông.